Đạo diễn Nhất Trung đã có khoảng thời gian 3 năm qua với kha khá những thăng trầm. Sau siêu phẩm trăm tỷ Cua Lại Vợ Bầu, vị đạo diễn kiêm NSX liên tiếp rơi vào khủng hoảng với những "bom xịt" như 1990, 2 phần Cù Lao Xác Sống... Từng thú nhận mất đi lửa nghề, song Nhất Trung như được "tái sinh" nhờ dự án mới Gặp Lại Chị Bầu.
Với Nhất Trung, màn góp mặt của Anh Tú và Diệu Nhi trong Gặp Lại Chị Bầu là điều quan trọng và đáng trân quý. Trong cuộc trò chuyện sâu sắc nhân dịp năm mới 2024 này, Nhất Trung thẳng thắn trải lòng về khoảng thời gian đầy khó khăn, nỗi đau và nước mắt đã qua, cũng như những câu chuyện thú vị, gây xôn xao về Gặp Lại Chị Bầu trên đường đua Tết hiện tại.
Đạo diễn Nhất Trung chia sẻ về Gặp Lại Chị Bầu và khoảng thời gian "mất lửa nghề"
Gặp Lại Chị Bầu và Xin Chào, Lý Hoán Anh là hai bộ phim khác nhau hoàn toàn
Anh đã ấp ủ ý tưởng và kịch bản làm phim Gặp Lại Chị Bầu bao lâu?
Trong 3 năm nay tôi không làm phim. Tôi từng cảm thấy rằng mình cần những khoảng lặng, những điểm dừng để tích lũy, tìm ý tưởng mới. Trong 3 năm, tôi tìm rất nhiễu và cuối cùng mới có được ý tưởng về Gặp Lại Chị Bầu. Lên ý tưởng thì nhanh nhưng để triển khai ý tưởng thì cũng mất khá nhiều thời gian. Tôi phải làm việc không ngừng với nhà phát hành, diễn viên cũng như ê kíp.
Quá trình casting có gian nan không? Việc chọn Anh Tú - Diệu Nhi có phải là do hiệu ứng vợ chồng của cả hai hay là trùng hợp?
Thật ra Gặp Lại Chị Bầu không có casting, chỉ có mình ngỏ lời mời người ta thôi. Tôi rất thích hiệu ứng cặp đôi Anh Tú - Diệu Nhi mang lại. Đã từ rất lâu rồi Tú và Nhi vẫn luôn tâm sự với tôi rằng hai bạn vẫn đang đợi một kịch bản phù hợp. Cả hai mong muốn khán giả có cái nhìn khác không phải chỉ là khía cạnh gia đình mà còn là trong công việc và sự chuyên nghiệp làm nghề.
Tôi cũng suy nghĩ rất nhiều về chuyện này. Khi bắt tay viết kịch bản Gặp Lại Chị Bầu và ngồi lại với Tú với Nhi, tôi rất vui vì câu chuyện này đã thuyết phục được cặp đôi, mà nhất là có được cái gật đầu từ Diệu Nhi.
Tựa phim dễ làm người khác nghĩ đến Cua Lại Vợ Bầu. Anh có phải là muốn “xin vía” đứa con trăm tỷ của mình?
Khi được nhà phát hành giao cho “đề bài” lịch chiếu Tết, bản thân tôi cùng nhà phát hành đã ngồi lại suy nghĩ sẽ làm một bộ phim thế nào. Tết sẽ là thời điểm của gia đình, cho nên chúng tôi quyết định lựa chọn chủ đề này. Nhưng rồi câu hỏi tiếp theo là trong hằng hà sa số kiểu phim gia đình, chúng tôi phải làm dòng phim gia đình nào đây?
Với riêng tôi, hành trình làm mẹ, hành trình của một người phụ nữ mang thai là một trong những hành trình thiêng liêng nhất của loài người, song lại quá ít phim việt khai thác về nó. Đó là lý do tại sao ê kíp chọn khai thác chủ đề này. Đồng thời nếu đã xem phim thì mọi người sẽ nhận ra nhan đề Gặp Lại Chị Bầu rất đúng với nội dung phim đấy!
Bối cảnh phim vào cuối năm 1997, anh đã tham khảo tư liệu thế nào để tái hiện mốc thời gian này?
Năm 1997 cũng gần đây thôi, cho nên tư liệu đến video, hình ảnh, những thứ còn trong tâm trí của thế hệ 7X, 8X vẫn rất rõ ràng. Thành ra với tôi nó không khó để tái hiện. Quan trọng là nỗ lực tái hiện của mình vừa đúng và phải vừa đẹp. Tôi và ê kíp ngồi với với nhau rất lâu cho vấn đề thiết kế mỹ thuật lần này.
Với sự phối hợp của đạo diễn hình ảnh Lê Đình Tiến và giám đốc mỹ thuật Nguyễn Minh Dương, tôi và ê kíp đã “chi tiết hóa” được bối cảnh năm 1997, nhưng là năm 1997 của người bình dân. Nói khó thì không khó, nhưng để đúng và đẹp thì chúng tôi phải rất tỉ mỉ từng chút. Đương nhiên vẫn còn rất nhiều điều mà mình không thể làm thỏa lòng hết tất cả khán giả, nhưng tôi rất vui khi hình ảnh trên phim mang lại nhiều cảm xúc.
Mời được dàn cameo hùng hậu vậy có khó không? Ai là người khó mời nhất?
Phải nói rằng tôi rất mang ơn dàn cameo của Gặp Lại Chị Bầu, đặc biệt là các thầy cô, các anh chị lớn. Tôi nghĩ không có gì quá cầu kỳ đâu. Quan trọng là mình dùng cái tâm, dùng chính ý tưởng kịch bản để thuyết phục các thầy cô tham gia những phân đoạn đó sao cho hay nhất có thể.
Gặp Lại Chị Bầu rất may mắn khi quy tụ được khoảng 21 cameo từ các anh chị lớn,đến cả những bạn trẻ đang làm nghề và được khán giả yêu mến. Còn về ai khó mời nhất, để tôi nhớ xem… Đan Trường rất thương dự án… Mấy anh chị khác cũng vậy… Thực sự thì không có ai khó đâu! Cái khó khăn nhất nằm ở chỗ vì mấy anh chị chỉ tham gia phân đoạn nhỏ nên ê kíp phải sắp lịch cho vừa phù hợp mà vừa đảm bảo sức khỏe và công việc riêng của mọi người.
Anh chia sẻ làm phim Gặp Lại Chị Bầu từ những ký ức cùng mẹ lúc xưa. Đâu là chi tiết trong phim lấy cảm hứng 100% từ đời thật, khiến anh xúc động nhất?
Ý tưởng ban đầu vốn dĩ là cuộc nói chuyện của tôi cùng bố. Ông kể lại cho tôi nghe ngày xưa ông và mẹ quen nhau, sinh ra tôi thế nào. Tôi nhớ đó là vào những năm dưới quê mùa nước lũ, bố mẹ phải đi kiếm sữa cho tôi. Những kí ức nó rất hay, từ đó khiến tôi tự ngẫm rằng nếu bản thân mình có mặt tại đó, vào thời điểm đó thì sao? Những chuyện gì sẽ xảy ra?
Thế nhưng suy cho cùng những điều đó không hiện hữu trước mắt tôi, mà là tôi nghe kể lại thôi. Vì thế ngoài những kỷ niệm với gia đình tôi, kịch bản Gặp Lại Chị Bầu còn là hành trình tìm tòi những câu chuyện khác từ báo chí, các anh chị diễn viên, thậm chí từ chính tôi và vợ con tôi nữa. Bản thân tôi cũng làm bố, cũng đã chứng kiến cả hành trình làm mẹ của vợ tôi mà.
Có một điều mà tôi chưa nói với ai, đó là vợ tôi tên Ngọc Huyền còn con trai tôi tên Gia Phúc, giống với 2 nhân vật chính của Gặp Lại Chị Bầu. Cho nên có thể nói tôi cũng mượn cảm hứng từ chính chuyện đời mình. Đương nhiên chuyện đời tôi không giống phim đâu, nó êm đềm và nhẹ nhàng hơn.
Ngoài ra tôi nghĩ độ tuổi 45 này là vừa đủ để tôi làm bộ phim này. Nếu nó dịch chuyển lùi về 10 năm trước, khi tôi chưa lập gia đình, chỉ có kiến thức chứ chưa có đủ trải nghiệm thì khó có được bộ phim cảm xúc thế này. Ở vị trí của đạo diễn, cái “cảm” quan trọng lắm.
Bộ phim bị nói có điểm giống Xin chào Lý Hoán Anh và ngay cả Đừng Gọi Anh Là Bố của Thái Lan. Anh có sự học hỏi nào từ các tác phẩm này không?
Với chủ đề xuyên không thi điện ảnh thế giới có rất nhiều. Phim Trung Quốc còn nhiều phim rất hay như Goodbye, Mr. Loser. Thậm chí Thái Lan, Hàn Quốc đã ra mắt không ít xuyên không. Avengers: Endgame của Marvel cũng là xuyên không đấy, cũng là quay trở về quá khứ để thu thập 6 Viên đá Vô cực. Hay Spider-Man mới nhất cũng là xuyên không khi nhân vật Người Nhện quay về quá khứ, cuối cùng gây náo loạn dòng thời gian. Ý tôi là chủ đề xuyên không rất hay và thú vị. Nhiều nhà sản xuất, đạo diễn trên thế giới đều khai thác. Thế thì tôi đặt câu hỏi tại sao Việt Nam chưa có phim xuyên không? Thời điểm tôi đưa ra ý tưởng này, nhà phát hành rất ủng hộ, thế nhưng sau đó tôi khai thác nó thế nào đây?
Giờ nếu bảo giống thì không lẽ Spider-Man giống Xin Chào, Lý Hoán Anh, rồi Xin Chào, Lý Hoán Anh lại giống phim Thái Lan, phim Thái Lan lại giống phim Marvel? Cơ bản xuyên không là câu chuyện nhân vật từ tương lai về quá khứ để phát hiện một bí mật, rồi qua việc phát hiện bí mật đó nhân vật sẽ nhận ra một thông điệp, cũng là thông điệp chính mà phim muốn gửi đến khán giả. Cấu trúc, công thức phim xuyên không chỉ như vậy thôi, cũng giống như phim tình yêu thì nam nữ chính gặp nhau, ghét nhau và cuối cùng yêu nhau.
Với tôi, Gặp Lại Chị Bầu và Xin Chào, Lý Hoán Anh là hai bộ phim khác nhau hoàn toàn. Câu chuyện kia là hai mẹ con cùng xuyên không, và phim thực chất từng bị bắt lỗi rất nhiều, chẳng hạn như tại sao người con giữ nguyên ngoại hình còn mẹ lại trẻ ra. Trong khi đó Gặp Lại Chị Bầu có một nhân vật là đứa trẻ mồ côi xuyên không về quá khứ, gặp lại gia đình của mình. Chưa kể, bối cảnh của Xin Chào, Lý Hoán Anh ở một cái xưởng, còn Gặp Lại Chị Bầu rõ ràng có bà ngoại, có cha, mẹ, dì… để rồi nhân vật chính nhận ra cả khoảng thời gian mẹ đã mang thai mình và chọn hi sinh cho mình.
Còn câu chuyện học hỏi, tôi nghĩ là Việt Nam mình nên làm. Học hỏi phim không phải là học ở mỗi tình huống đâu. Một bộ phim hay có nhiều yếu tố, như hình ảnh đẹp, cú máy đẹp, âm nhạc hay, cách xử lý tâm lý nhân vật ổn… Tôi nghĩ làm phim thì có tính chất kế thừa. Những người đi sau luôn học hỏi từ các tiền bối lớn, từ những dự án thành công. Đó là câu chuyện của học hỏi, kế thừa nhưng vẫn phải thể hiện được bản sắc của người làm phim. Tôi nghĩ Gặp Lại Chị Bầu đã làm được!
Xin chào, Lý Hoán Anh từng là hắc mã phòng vé Tết Trung Quốc. Anh có nghĩ cùng công thức tình thân - xuyên không đó sẽ giúp phim mình thành hắc mã năm nay?
Tôi nghĩ bất cứ người làm phim nào, dù là đạo diễn hay nhà sản xuất, cũng đều thương đứa con tinh thần của mình và đặt rất nhiều kỳ vọng vào nó, Tôi đã làm nghề này được 15 năm và nhận ra rằng điều chúng ta có thể làm là cố làm cho hết sức, còn sự lựa chọn thuộc về khán giả. Kỳ vọng thì có chứ nhưng khán giả sẽ là người quyết định bộ phim nào phù hợp.
Anh Tú một ngày nào đó sẽ trở thành đạo diễn
Anh có nghĩ với chủ đề tình thân, Gặp Lại Chị Bầu sẽ có sự thắng thế so với Mai vào dịp Tết?
Trở về năm 2019, Cua Lại Vợ Bầu cũng là một câu chuyện tình yêu và nó thành công phòng vé. Điều đó cho thấy rằng không quan trọng đó là phim gì, mà quan trọng là bạn làm bộ phim đó như thế nào, nó có thật sự chạm đến khán giả hay không. Tôi nghĩ chủ đề phim chỉ là một phần thôi.
Trấn Thành từng là ngôi sao trong phim trăm tỷ của anh, vậy anh có từng bao giờ nghĩ 1 ngày nào đó Thành lại là đối thủ phòng vé của mình?
Không chỉ suy nghĩ trong đầu mà tôi còn từng phát biểu công khai rằng một ngày nào đó, Trấn Thành sẽ trở thành đạo diễn. Bởi vì tư duy đạo diễn của Trấn Thành rất rõ nét, thể hiện xuyên suốt trên hành trình mà Thành làm diễn viên. Hiện tại khi nhìn thấy Trấn Thành làm đạo diễn và thành công, tôi rất vui vì điều mà tôi từng nghĩ đã thật sự diễn ra.
Một diễn viên thuần túy và một người có tư chất đạo diễn khác nhau hoàn toàn, vì một người chỉ nhìn vai diễn của mình còn một người nhìn bao quát tổng thể cả bộ phim. Với tôi, có 3 nghệ sĩ chắc chắn sẽ trở thành đạo diễn giỏi. Một là Trấn Thành đã thành đạo diễn rồi. Người thứ 2 là Trường Giang vì tư duy đạo diễn của bạn rất tốt. Người thứ 3 tôi vừa mới hợp tác là Anh Tú. Tú một ngày nào đó cũng sẽ trở thành đạo diễn bởi vì Tú khác biệt lắm!
Anh từng chia sẻ có khoảng thời gian mất lửa nghề. Nó chủ yếu đến từ vụ lùm xùm phim 1990 hay còn điều gì khác?
Tôi thấy mình đã già rồi. Tôi nhận ra làm một bộ phim mất rất nhiều thời gian. Thành công hay thất bại, với tôi, chỉ là một phần trên cả hành trình của mình. Cuộc đời này rõ ràng là quá rộng lớn, và chúng ta có rất nhiều thứ giá trị để trân quý bên cạnh sự thành công, doanh số hay giải thưởng. Riêng hành trình của 1990 đối với tôi, thời điểm hiện tại có thể xem là thất bại. Tôi vẫn luôn nhắc nhở bản thân khi bắt đầu hành trình mới Gặp Lại Chị Bầu lần này là mình đã từng thất bại. Chính vì vậy tôi buộc phải nghiêm khắc với hành trình này, nghiêm khắc với bản thân trong công việc, trong tất cả mọi thứ.
Việc dừng lại 3 năm với tôi là cần thiết. Tôi từng đọc một lời khuyên rất hay là “Khi bạn lạc lối thì điều bạn cần làm đầu tiên là đứng lại”. Phải đứng lại, đừng cố đi nữa vì bạn sẽ kiệt sức. Tôi quyết định đứng lại và tôi rất vui trong chặng dừng này. Khi ấy dịch bệnh bùng nổ, suy thoái kinh tế rồi tôi có con, nên tôi dành thời gian nhiều hơn cho gia đình. Bây giờ mọi thứ bắt đầu khởi sắc thì tôi quay trở lại, và đó là quyết định đúng đắn.
Nghỉ ngơi một thời gian rồi trở lại với Cù Lao Xác Sống nhận hàng loạt phản hồi tiêu cực, còn bị gọi “thảm hoạ”, anh có buồn và thất vọng?
Vừa rồi ra Hà Nội, tôi có dịp đến thăm trụ sở VTV và được hỏi một câu mà tôi rất tâm đắc, đó là “Anh nghĩ sao về điện ảnh Việt?”. Tôi chỉ trả lời một chữ thôi, đó là “thiếu”. Điện ảnh Việt thiếu biên kịch giỏi, thiếu đạo diễn dám bước ra khỏi vùng an toàn, thiếu những diễn viên thật sự đặc biệt từ diễn xuất đến tư duy, thiếu tiền làm ra những bộ phim lớn, thiếu kỹ xảo đẹp - ra phim lần nào cũng bị chửi. Điện ảnh Việt thiếu nhiều thứ lắm!
Tôi thấy mình làm nghề đủ lâu, 15 năm với 17 phim do hãng của mình sản xuất và 8 năm mình làm đạo diễn. Mỗi năm tôi chỉ làm tối đa được một phim, làm thêm phim nữa thì không nổi. Tôi thấy có nhiều ý tưởng hay lắm, nhưng tất nhiên một mình thì không làm hết tất cả được. Vì thế phía công ty tôi tìm đến những bạn đạo diễn trẻ có tư duy đặc biệt, trao cho những bạn đó cơ hội. Với chủ đề khác biệt, đương nhiên tôi không thể nào áp đặt các bạn phải thành công liền. Chính tôi cũng đi lên từ 2 phim “thảm họa điện ảnh” là Hoán Đổi Thân Xác và Tây Du Ký Hậu Truyện, dù ý tưởng của hai phim đó với tôi vẫn tốt. Chỉ là lúc đó tôi không đủ kinh nghiệm, để rồi tác phẩm làm ra xứng đáng với từ “thảm họa”.
Tôi chọn làm với các bạn trẻ là chọn đồng hành cho một hành trình dài. Sau thất bại của Cù Lao Xác Sống, tôi khuyên đạo diễn Nguyễn Thành Nam đừng nản chí, chúng ta phải thấy chỗ sai vì khán giả luôn luôn đúng. Tôi bảo chúng ta có hai lựa chọn, một là bỏ cuộc và mãi mãi để “vết nhơ” này đeo bám, còn hai là đứng lên và tiếp tục làm phim tốt để khán giả thấy được sự tiến bộ, sự cầu thị, cố gắng của chúng ta.
Chủ đề zombie cũng là chủ đề rất mới với phim Việt. Sắp tới Nguyễn Hoàng Nam làm phim về ma da, con ma đầu tiên ở dưới nước và tốn kém nhiều về kỹ xảo. Tôi vẫn tin rằng hành trình tôi đang đi, đúng là chông gai nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc. Nếu tiếp theo các bạn đạo diễn trẻ đó lại tạo ra những tác phẩm không hay nữa thì tôi vẫn phải gánh trách nhiệm vì là vị trí đầu tàu, phải nhìn lại mình trước những hành trình tiếp theo.
Anh nghĩ vì sao khán giả lại phản ứng tệ với Cù Lao Xác Sống như vậy?
Cù Lao Xác Sống chiếu ngày đầu tiên gần 10 tỷ nhưng cuối cùng doanh thu tại không phải là 100 tỷ mà sau cùng chỉ được cỡ 20 mấy tỷ. Nói thất bại thì không hẳn vì có nhiều phim khác còn không được đến 1 tỷ. Cù Lao Xác Sống 10 tỷ ngay ngày đầu tiên tức là sự ủng hộ của khán giả với chủ đề “zombie đầu tiên của Việt Nam” rất lớn. Nhưng rốt cuộc tại sao phim không đi dài được, chiều có 5-6 ngày là bị cắt gần hết suất? Đơn giản vì nó không hay! Phim có quá nhiều cái sai.
Tôi ngồi lại với ê kíp rất nghiêm khắc, thậm chí gây lộn đến rớt nước mắt, không hiểu vì sao bao nhiêu tâm huyết cuối cùng nhận lại như vậy. Bạn đạo diễn thậm chí phải khóa Facebook vì nó quá làn sóng quá khủng khiếp.Thế nhưng rõ ràng bản thân tôi đã từng trải qua như vậy nên tôi chọn trở thành người bạn bên cạnh và ủng hộ Nguyễn Thành Nam.
“Việt Nam nên có một giải Mâm Xôi Vàng của riêng mình”, anh có đồng ý với nhận định này không?
Tôi nghĩ là không nên. Ở khía cạnh cá nhân của tôi, nó là văn hóa của nước ngoài. Thị trường nước ngoài họ được tự do ngôn luận nên làm như vậy được. Còn thị trường Việt Nam của chúng ta, thứ nhất là nó quá bé nhỏ lắm. Thứ hai, tôi thấy nó tiêu cực quá. Cuộc đời đã đầy những điều tiêu cực rồi, thôi thì mình hãy hướng về những thứ tích cực.
Anh cũng bảo rằng nhờ sự xuất hiện của Anh Tú - Diệu Nhi ở Gặp Lại Chị Bầu mà anh có nhiệt huyết lại. Cặp đôi này có điều gì đặc biệt?
Tôi thấy Anh Tú - Diệu Nhi là một cặp đôi tuyệt vời, nhất là trong cuộc sống. Đôi khi bạn chỉ cần nhìn cách sống của một người là tự dưng bạn yêu quý họ nhiều lắm. Còn về khía cạnh làm nghề, tôi tin rằng qua Gặp Lại Chị Bầu, cả hai đã khẳng định mình hơn, đặc biệt là Diệu Nhi. Nhi đã rơi nước mắt tại showcase, muốn mọi người nhìn nhận cô là diễn viên thật sự chứ không chỉ biết diễn hài. Tôi thấy mình may mắn khi được vây quanh bởi nguồn năng lượng tích cực, cũng như mời được hai bạn, ngoài ra còn cả chị Lê Giang, Ngọc Phước, Quốc Khánh và 21 cameo nữa. Tôi tin Anh Tú và Diệu Nhi sẽ còn tiến rất xa.
Theo anh, điều gì ở Gặp Lại Chị Bầu sẽ thu hút khán giả nhất dịp phim Tết này?
Tôi muốn làm một phim để chiếu Tết, và đó là mục tiêu ngay từ đầu của tôi và nhà phát hành. Là một phim gia đình thì chắc chắn phải có sự hài hước, có cảm xúc, nhưng thông điệp mới là quan trọng nhất. Thông điệp phải thật sự chạm đến người xem. Thời gian qua ngồi trong rạp, tôi nhìn thấy rất nhiều khán giả khóc. Khi Anh Tú hỏi ai khóc thì gần như cả rạp giơ tay, và điều đó khiến Diệu Nhi bật khóc tại chỗ. Làm được bộ phim chạm đến cảm xúc người xem khiến tôi vô cùng hạnh phúc, cũng là điều mà ngay từ đầu chúng tôi luôn cố gắng đạt được.
Cảm ơn đạo diễn Nhất Trung vì buổi trò chuyện thú vị!
Gặp Lại Chị Bầu khởi chiếu từ mùng 1 Tết, ngày 10/2/2024.