"Nhà văn và chữ tình gởi lại" là tập ký chân dung mới nhất của nhà văn Trình Quang Phú vừa ra mắt bạn đọc. Tại buổi giới thiệu sách ở Hà Nội vào tháng 7-2022, các nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Bích Ngân, Nguyễn Bình Phương … đã có nhiều nhận xét sâu sắc cho tác phẩm này.

Nét thời gian giữ lại chữ tình

Với 25 chân dung dưới dạng hồi ức và hình ảnh cùng 23 chân dung nhân vật qua ảnh, Trình Quang Phú dựng lại sống động chân dung các nhà văn nổi tiếng một thời của Việt Nam, vừa bày tỏ lòng kính yêu, quý trọng sâu sắc vừa mong muốn đóng góp nhỏ vào bảo tàng động về các nhà văn Việt Nam. Đó là "những nét thời gian được giữ lại, đúng hơn là chữ tình mến yêu của họ gởi lại cho hôm nay và mai sau", như tác giả viết lời mở sách.

bia-sach-nha-van-va-chu-tinh-goi-lai-cua-nha-van-trinh-quang-phu-1661506114207723062102.jpg

Bìa sách "Nhà văn và chữ tình gởi lại" của nhà văn Trình Quang Phú

Trong cuộc đời của nhà văn 82 tuổi Trình Quang Phú, ông có may mắn sống nhiều, đi nhiều, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, trải rộng khắp nhiều vùng miền đất nước và cả nước ngoài. Ông có duyên gặp gỡ, chuyện trò, kết thân với nhiều nhà văn, được họ dành cho nhiều tình cảm ưu ái, quý mến. Từ đó, ông viết nên những dòng hồi ký dung dị, chân thành, có được những ghi chép cùng tâm sự rất thật, cả những điều sâu kín, gan ruột được nhân vật giãi bày cho ông, để hậu thế đọc và hiểu sâu hơn về những "thần tượng" của một thời, của bao người.

Đã gọi là ký chân dung đúng nghĩa, hẳn không thể là bài văn liệt kê, tả cảnh tả tình, mà cái tài của người viết là chỉ qua những nét chấm phá, qua những đặc tả sinh động, người đọc thấy được diện mạo bên ngoài cùng tính cách bên trong của nhân vật. Thậm chí chỉ với một góc nhìn, một phác thảo đậm nhạt trong một mảng sắc màu sáng tối, chân dung nhân vật cũng hiện lên, lúc này có cái đẹp khác, vừa lung linh vừa huyền ảo, vừa xa vừa gần, đem lại nhiều cảm xúc thẩm mỹ cho bạn đọc đối với nhà văn mà họ từng yêu quý.

Đây cũng là một thử thách cho tác giả khi nhiều nhân vật ông dựng chân dung là những nhà văn đã được viết nhiều, được đọc và nghe nhiều. Do đó, làm sao chân dung phải quen mà lạ, lạ mà quen, nghĩa là người đọc thấy đúng đây là nhà văn A., nhà thơ B., song nhà văn, nhà thơ này có những góc khuất trong đời sống và tính cách mà nay qua trang sách của Trình Quang Phú, người đọc mới được hiểu thêm.

Chân thành, tin cậy, tình cảm

Yếu tố quan trọng nhất để tập sách này thành công, theo chúng tôi, chính là lối kể chuyện chân thành, những thông tin, dữ liệu đáng tin cậy, dung lượng tình cảm đong đầy. Những nhà văn nổi tiếng đó, bên cạnh trang viết thì cũng là những con người bình thường trong đời thường với những tình cảm, ứng xử đời thường. Qua ngòi bút Trình Quang Phú, họ không là thánh nhân song cũng không là người phàm và đúng nghĩa là những người nổi tiếng, được công chúng mến yêu, kính phục. Đó cũng là một cách đưa chân dung về gần sát hiện thực, gần gũi với tình cảm của bạn đọc.

nha-van-trinh-quang-phu-giua-va-cac-khach-moi-tai-toa-dam-16615061898511580503164.jpg

Nhà văn Trình Quang Phú (giữa) và các khách mời tại tọa đàm ngày 26-8.

Người đọc sẽ thấy nhà thơ Xuân Diệu không chỉ kỹ lưỡng trong chi tiêu hàng ngày do đời sống thời bao cấp còn hạn hẹp, mà nhà thơ rất tinh tế trong ứng xử. Câu chuyện cô hàng bán thịt cầy ở chợ Hàng Da bán thịt ngon cho nhà thơ lớn và cười cả hai con mắt: "Thưa thi sĩ đây ạ, cho rất nhiều mà nhận chẳng bao nhiêu" khiến nhà thơ xúc động khi cô hàng biết ông và thuộc thơ ông. Là nhà thơ lớn, song ông "biết người biết ta", khi dặn tác giả nên chọn đăng xen kẽ thơ tình và thơ xây dựng đất nước, không muốn đăng riêng một chùm thơ và dặn chưa đăng bài thơ "Bức tượng" vì có những câu thơ buồn, sợ không có lợi cho đại sự của đất nước…

Viết về nhà thơ Bảo Định Giang, tác giả neo người đọc nhớ về chi tiết chiếc gậy Trường Sơn, lưu nét khắc chữ ký của một số nhà văn ở chiến trường, đã sống và viết dưới mưa bom bão đạn. Người đọc hiểu thêm về một vị lãnh đạo văn nghệ tên tuổi lẫy lừng như Bảo Định Giang lại luôn sống gần gũi, chân tình, quan tâm sâu sát đời sống, tâm tư văn nghệ sĩ. Ông chăm lo bồi dưỡng, chọn lựa nhà văn, nghệ sĩ gởi vào các mặt trận miền Nam, đưa văn học nghệ thuật lên tuyến đầu kháng chiến chống Mỹ. Bữa tiệc chia tay văn nghệ sĩ ra chiến trường do ông chỉ đạo trường 105 tổ chức rất vui và cảm động. Bảo Định Giang ôm đàn guitar, đệm cho mọi người hát, ông cũng hát say sưa, chân tình, nhiệt huyết và nói những lời dặn dò, trải lòng theo anh chị em văn nghệ sĩ về miền Nam thân yêu. Một chân dung bình dị mà sâu sắc, một lãnh đạo văn nghệ thấu đáo, chí tình.

Với chân dung Nguyễn Tuân, tác giả cung cấp nhiều thông tin, tư liệu mới về tính cách, lao động của nhà văn. "Những nơi ông viết, chúng tôi cũng đến, cũng thấy, nhưng không nhìn ra như ông"… Nhà văn Nguyễn Tuân động viên tác giả: "Có nhà văn nào lội rừng, leo núi, chui cả vào hang động như các anh đâu. Anh viết đi, người đọc thèm những chi tiết đó lắm".

Cũng là một người có điều kiện gần gũi, thân thiết với nhà thơ Lưu Trọng Lư, tác giả cung cấp cho người đọc nhiều câu chuyện, thông điệp đắt giá về nhà thơ lớn này. Trong "Thi nhân Việt Nam", chân dung Lưu Trọng Lư tài hoa, với những "Nắng mới", "Thơ sầu rụng", "Một mùa đông", "Tiếng thu"… và nói như Hoài Thanh: "Mỗi lúc buồn đến, tôi lại trở về với Lưu Trọng Lư. Bởi vì thơ Lư nhiều bài thật không phải thơ, nghĩa là những công trình nghệ thuật mà chính tiếng lòng thổn thức cùng hòa trong tiếng thổn thức của lòng ta". Nay trong hồi ký chân dung này, tác giả khắc họa Lưu Trọng Lư trong dáng vẻ trầm tư, từ cõi hư vô, mộng tưởng, ông thành người nhiệt huyết. Ông yêu người, yêu đời, yêu nhân loại và trên hết là yêu sự sống, yêu cuộc sống đẹp.

"Khi đi bên anh, tâm tình với anh, nhìn ánh mắt cương nghị và rực ý chí của anh mới hiểu rằng anh nói đến cái chết vì anh triệu lần yêu cuộc sống". "Anh nhìn đời mạnh mẽ, xán lạn và hoàn toàn không ngơ ngác như con nai vàng của những năm ba mươi"… "Tiếng thu là những nốt nhạc đời thấm sâu vào lòng người và vang vọng trong mây trời, sông nước, vọng mãi với thời gian".

Một nhà văn nổi tiếng của đất Quảng Bình trong tập ký chân dung này là nhà thơ Xuân Hoàng, một người tao nhã và lịch lãm, một người yêu biển, day dứt vì sao sống bên biển bạc mà dân vẫn nghèo. "Quê em ngọc điệp bào ngư sẵn/ em lớn trên vàng em biết không". Nhà thơ Xuân Hoàng có công lớn trong việc xây dựng Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình, khi tác giả về thăm Quảng Bình cuối năm 1973 đã được nhà thơ đưa đi thăm Đồng Hới, lúc bom Mỹ đánh đổ nát và được nhà thơ đọc cho nghe bài thơ "Đồng Hới" nổi tiếng của ông:

"Phố nhỏ đổ nhưng lòng ta ở đó/ vẫn ngọt ngào trong nỗi nhớ đầu tiên/ và những chiều xanh xao động hàng dừa/ ta lại về ngồi trên ghế đá/ nhìn những cánh buồm đi trong nắng hạ/ nhắc lại ngày phố đổ năm xưa/ ta sẽ về xây Đồng Hới quê ta/ sẽ trồng lại hoa hồng trên lối cũ/ hoa thược dược đến mùa xuân lại nở/ vàng huân chương trong mỗi một sân nhà"

Và tác giả kết luận: Xuân Hoàng là vậy, nhẹ nhàng nhưng sâu lắng. Anh yêu Quảng Bình, yêu Việt Nam như biển mở chân trời.

Nhiều chi tiết đắt, tư liệu giá trị

Nhà văn, nhà cách mạng Nguyễn Tạo cũng được Trình Quang Phú dành nhiều tình cảm quý mến, trân trọng. Chi tiết đắt giá nhất của chân dung này là năm 1933, Nguyễn Tạo về hoạt động ở hai làng Thúy Bông, An Lạc ở Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình. Thấy dân khổ cực, ông vận động dân ra Tiền Hải khai hoang lập ấp, xây dựng cả đình làng mang tên Thúy Lạc. Mang ơn ông, năm 2011, người dân làng Thúy Lạc, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đón rước chân linh của ông – một nhà văn, một chiến sĩ cộng sản - về thờ tại đình và tôn ông là Thành hoàng.

nha-van-bich-ngan-chu-tich-hoi-nha-van-tp-hcm-tang-hoa-chuc-mung-nha-van-trinh-quang-phu-anh-cong-son-1661506240683512341936.jpg

Nhà văn Bích Ngân, Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM tặng hoa chúc mừng nhà văn Trình Quang Phú

Trong các chân dung được ông khắc họa, người đọc tinh tế nhận ra ông biết khéo léo giấu cái tôi để nhân vật hiện lên rõ, đẹp, đúng lúc, đúng ngữ cảnh để tăng cảm xúc thẩm mỹ. Nói về những ý kiến trái chiều đối với thi phẩm "Tây tiến", nhà thơ Quang Dũng đưa chung rượu lên: "Thôi, mọi chuyện để đời sau phán xử. Thơ văn khi viết ra là của ta, nhưng sống hay chết, hay hoặc dở của tác phẩm là thuộc về người đọc, thuộc về nhân dân"… Anh cụng ly và ực gọn chung rượu.

Cũng uống rượu, nhưng nhà thơ – nhạc sĩ- họa sĩ Văn Cao, sau khi tràn trề cảm xúc với cảnh sắc ở Vườn quốc gia Cúc Phương, đã mời nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Võ An Ninh và tác giả uống rượu. Trả lời câu hỏi rượu đâu, Văn Cao lấy trong áo vest bình rượu nhỏ, dẹp kiểu Tây và rót ra cốc nhỏ, thưởng rượu và chuyện trò vui vẻ.

Trình Quang Phú cũng có những trang viết khắc họa thành công "nhà thơ nông dân" xứ Nghệ Trần Hữu Thung một lòng yêu thơ, yêu Đảng; tình bạn văn chương sâu sắc, cảm động của ông với nhà văn quân đội Nguyễn Thị Như Trang, chở nhau trên xe đạp từ thành Vinh (Nghệ An) về quê đại thi hào Nguyễn Du ở Tiên Điền (Hà Tĩnh); quan tâm thăm hỏi của những bạn văn với nhau lúc ốm đau, bệnh tật. Đặc biệt, ông có những trang viết đầy ắp ân tình với NSNA Võ An Ninh, cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin, tư liệu hấp dẫn. Trình Quang Phú đưa người đọc theo bước chân của Võ An Ninh đến khắp mọi miền đất nước cùng những câu chuyện đời thường như cách ông đối xử ân cần, thương yêu với em bé lặn tôm hùm ở Phú Yên; không nhượng bộ trước yêu cầu vô lối của con một cán bộ cao cấp với chức sắc ngành nhà đất đề nghị NSNA Võ An Ninh nhường nhà được cấp. Chuyện ông cứu người vượt biên ở ngoài khơi Côn Đảo với hình ảnh ông đứng trước mũi thuyền râu tóc bạc phơ đẹp như một ông tiên. Một người trong số đó đã xin làm con nuôi của ông và đến khi qua đời, ông yên nghỉ trên phần đất gia đình của người con nuôi này. Những câu chuyện đó cũng chính là những bài học mà người đọc đúc rút được qua tập ký chân dung này.

Một người bạn quý khác cũng được Trình Quang Phú dành nhiều trang viết để khắc họa, tâm tình. Đó là nhà văn – giáo sư, viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng. Một nhà khoa học luôn trăn trở với nền nông nghiệp, nông dân, cũng là một nhà thơ đau đáu yêu thương. Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng nói: "Đất là máu thịt, là quê hương, là mẹ của Tổ quốc, là gốc của văn hóa". Nhà thơ Vũ Tuyên Hoàng cũng nói rằng: "Cái mãi mãi thanh xuân của đời người là tình yêu và trí tuệ". "Tình yêu là thơ, thơ là tình yêu".

Những bức ảnh chân dung, bút tích quý giá

Bên cạnh những trang viết, có thể nói thành công của "Nhà văn và chữ tình gởi lại" là những bức ảnh chân dung. Những nhân vật nổi tiếng của văn đàn, qua từng giai đoạn của lịch sử kháng chiến của dân tộc hay những khoảnh khắc đời thường sau ngày đất nước thống nhất, trong tập sách hiện ra dung dị, với dáng người, khuôn mặt, ánh nhìn hay bút tích để lại.

Trong nghệ thuật hay thông tin báo chí, những bức ảnh luôn có giá trị riêng, độc đáo, từng bức ảnh nói lên rất nhiều thông điệp chung mà nó chuyển tải hoặc thông điệp riêng từng người xem cảm nhận. Tập sách có hơn 200 bức chân dung và bút tích, chứng tỏ tác giả có nguồn tư liệu phong phú, quý giá. Không gian, thời gian cũng như thần thái từng người được lưu lại, lắng đọng trong khoảnh khắc bấm máy. Từ những tấm ảnh nhà thơ Thanh Hải được gặp Bác Hồ; chân dung nhà thơ Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư, Văn Cao, Anh Thơ, Quang Dũng, Thu Bồn… với những góc, nét đặc tả, đến hình ảnh các nhà văn trong rừng sâu, trèo đèo lội suối cho thấy những gian nan, hiểm nguy và cả sự hy sinh của những nhà văn – anh hùng như Nguyễn Mỹ, Dương Thị Xuân Quý, Lê Anh Xuân… Đó là những giá trị đích thực của nghệ thuật nhiếp ảnh, của những đặc tả chân dung qua ảnh mà Trình Quang Phú đem lại qua tập sách này.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022