Red Hong Yi dự kiến phát hành cuốn sách về hành trình sự nghiệp nghệ thuật How to Paint Without a Brush vào ngày 11/4. Trên Scmp, nghệ sĩ nói về quá trình sáng tạo các tác phẩm, trong đó có bức chân dung Thành Long, thực hiện cách đây tám năm.

red-hong-yi-thuc-hien-chan-dung-thanh-long-1679452940.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=74kbGgAJ0oEd6ZVHQIXuoA
Red Hong Yi thực hiện chân dung Thành Long

Quá trình sáng tạo chân dung Thành Long bằng đũa. Video hiện đạt hơn 1,9 triệu lượt xem. Video: Red Hongyi

Red Hong Yi cho biết được truyền cảm hứng khi xem những tác phẩm kinh điển của diễn viên, trong đó có cảnh đấu đũa mang tính biểu tượng trong Tiểu Quyền quái chiêu (1979) và Cậu bé Karate (2010). Khi bắt gặp những chiếc đũa dùng một lần nằm rải rác trên đường phố, Red Hong Yi nảy ra ý tưởng biến những thứ vứt đi thành tác phẩm nghệ thuật.

Red Hong Yi mất một tháng để thu thập 64.000 chiếc đũa ở Chiết Giang và Bắc Kinh. Cô buộc chúng thành các bó có kích cỡ khác nhau bằng dây, rồi treo lên khung thép. Giá treo được làm bằng dây cáp thép để đảm bảo ổn định về mặt cấu trúc khi có nhiều đũa trên đó.

Ngoài ra, cô dùng 60 chiếc đũa cắm xiên tạo thành chữ "Long" - theo tên tiếng Trung của nghệ sĩ. "Nhìn chính diện, người xem thấy gương mặt nghệ sĩ. Nhìn từ bên hông, họ có thể thấy những làn sóng đũa được buộc thành bó", cô nói.

Tác phẩm được gửi tặng nghệ sĩ vào năm 2014, gây nhiều chú ý. Đây cũng là một trong những bước ngoặt đưa Red Hong Yi từ một kiến trúc sư trở thành nghệ sĩ thị giác hàng đầu.

c66e5316426279-562ab8e935f06-6081-1679454877.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=1V-qatMKEacz-oXTicg13w

Red Hong Yi và Thành Long bên bức chân dung. Ảnh: Mymodernmet

Red Hong Yi sinh năm 1986 ở Malaysia, tốt nghiệp thạc sĩ ngành kiến trúc tại Đại học Melbourne. Cô tự nhận là họa sĩ không dùng cọ, sử dụng các vật phẩm như cà phê, ngũ cốc, đậu, thậm chí cả hải sản, tương tự Gyotaku - phương pháp in ấn của Nhật Bản sử dụng cá và mực.

Cô từng thực hiện chân dung Trương Nghệ Mưu bằng 2.000 chiếc tất, Châu Kiệt Luân với vết ố cà phê hay Adele với hàng nghìn ngọn nến tan chảy. Nghệ sĩ mất hai tháng để buộc 20.000 túi trà cho tác phẩm mô tả người bán hàng rong ở Malaysia đang trà kéo, sử dụng những loại rau củ thành bức tranh thủy mặc phong cảnh Trung Quốc.

* Một số tác phẩm của Red Hong Yi

Cô từng được tạp chí Time mời thực hiện trang bìa số ra ngày 26/4/2021 với chủ đề Khí hậu là tất cả - bản đồ thế giới bằng 50.000 que diêm có đầu màu xanh lá cây, kích thước 2,2x3 m. Nhóm của cô gồm sáu người mất 150 giờ để hoàn thiện. Sau đó, họ đốt tác phẩm chỉ trong hai phút - đại diện cho khủng hoảng khí hậu toàn cầu ảnh hưởng đến con người. "Tôi nhận ra rằng, giống như môi trường, tác phẩm nghệ thuật có thể mất nhiều thời gian để tạo ra, nhưng nó cũng có thể bị phá hủy trong một khoảng thời gian rất ngắn", cô nói trên Scmp.

time-1334-1679454877.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=bWfLnFy_-lGVcOI70-4L0w

Tác phẩm của Hong Yi trên bìa tạp chí Time. Ảnh: Time

Hiểu Nhân

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022