Ngày 21/4, tại Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ (thị xã Thuận Thành, Bắc Ninh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức khai mạc "Không gian trưng bày tái hiện chợ tranh Đông Hồ".
Sự kiện diễn ra từ ngày 21-23/4 với không gian chợ tranh gồm 20 gian hàng mang đặc trưng của chợ tranh Đông Hồ xưa. Tại đây, du khách được tham quan các sản phẩm tranh dân gian và nghe giới thiệu về nghề làm tranh, nguyên liệu, quy trình sản xuất và sản phẩm đặc trưng của làng tranh Đông Hồ.
Các đại biểu cắt băng khai mạc "Không gian trưng bày tái hiện Chợ tranh Đông Hồ". Ảnh: Đỗ Huyền - TTXVN
Đặc biệt, chợ tranh lần này còn diễn ra các hoạt động trình diễn nghệ thuật họa kim sa lấy ý tưởng từ tranh Đông Hồ của các bạn trẻ đến từ Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoa Gấm để cảm nhận sức sống của dòng tranh dân gian độc đáo này. Về với chợ tranh, du khách được hòa mình vào không gian của vùng quê Kinh Bắc với những sản phẩm truyền thống của quê hương.
Ông Nguyễn Văn Luyện, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích và xúc tiến du lịch tỉnh Bắc Ninh khẳng định, hoạt động này nhằm tái hiện một di sản văn hóa quý báu của quê hương cũng như không gian truyền thống. Đây cũng là cơ hội để tạo điểm nhấn cho khách du lịch, định hình xây dựng sản phẩm du lịch của Bắc Ninh.
Các đại biểu tham quan một gian hàng. Ảnh: Đỗ Huyền - TTXVN
Tranh Đông Hồ, tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ - một dòng tranh dân gian Việt Nam có xuất xứ từ làng Đông Hồ (khu Tú Khê, phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Tranh thường được phát hành vào dịp Tết nguyên đán, còn gọi là tranh Tết. Chợ tranh Tết xưa thường diễn ra tại đình Đông Hồ, vào các ngày 6, 11, 16, 21 và 26 tháng Chạp hàng năm. Trong mỗi phiên chợ có hàng nghìn bức tranh các loại được mang ra bày bán. Sau năm 1945, cùng với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc, chợ tranh Đông Hồ không còn được tổ chức.
Hiện nay, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đang đối mặt với nhiều thách thức, thị trường tiêu thụ sản phẩm thu hẹp và nguy cơ mai một thế hệ nghệ nhân cao tuổi. Đông Hồ xưa kia có 17 dòng họ cùng tham gia sản xuất thì nay chỉ còn 3 dòng họ giữ được nghề của cha ông với khoảng 30 người trực tiếp tham gia vào hoạt động làm tranh. Việc bảo vệ, phát triển nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là cần thiết, cấp bách.
Năm 2013, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Năm 2017, nghề tranh Đông Hồ bắt đầu được lập hồ sơ quốc gia đề nghị UNESCO đưa vào danh sách các Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Tháng 3/2020, Việt Nam đệ trình UNESCO hồ sơ "Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ" để được xem xét ghi vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp và dự kiến được xem xét tại Kỳ họp lần thứ 19 của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể vào năm 2024.