TP HCM không phải nơi tôi sinh ra, cũng chưa một lần tôi đặt chân tới. Thế mà giờ tôi lại thấy yêu nơi này mới lạ. Tôi yêu nó bởi tôi yêu anh. Chồng của tôi đã có hơn hai  năm sống và làm việc trên mảnh đất này. Tôi biết đến TP HCM qua những gì anh kể, tôi trân quý người TP HCM bởi chữ tình mà họ đã dành cho  anh – một người tha hương trên đất lạ.

Anh vào TP HCM từ năm 2007, khi tôi mới học năm thứ ba Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương, lúc ấy tôi cũng chưa biết anh là ai hay là người thế nào. Anh được công ty giao cho nhiệm vụ quản lý một chi nhánh trong đó. Anh kể rằng, đây là lần đầu tiên anh làm việc ở một nơi xa nhà đến thế. Tất cả đều lạ lẫm, không bạn bè, không người thân quen. Để tiện cho công việc, anh thuê một nhà trọ nhỏ trong một hẻm vắng cách công ty chừng 2 cây số.

Một thân một mình nơi đất khách, công việc lại vất vả nên anh không nấu nướng gì cả mà ăn uống qua loa, gọn nhẹ: khi thì ăn bữa cơm bụi đạm bạc, khi ăn gói mì tôm, có khi ăn tạm ổ bánh mì cũng xong. Một lần, mải xử lý hàng hóa bị lỗi cho khách hàng, anh về đến phòng trọ cũng gần 23 giờ đêm. Các cửa hàng gần đó đã đóng cửa, nhà chẳng còn gì ăn. Bụng đói cồn cào, lại chủ quan dội nước lạnh, anh bị cảm và ngã nhoài xuống đất, bất tỉnh. Khi anh tỉnh dậy ngơ ngác nhìn xung quanh, ngồi cạnh giường là bà chủ nhà trọ đang ngủ gật gà bên ghế. Có lẽ cả đêm qua phải nằm trông anh nên mệt quá bà thiếp đi. Anh ho hắng vài tiếng làm bà tỉnh dậy. Bà nhìn anh bằng đôi mắt hiền từ vừa thương vừa giận. Bà nói:

- Anh đã tỉnh rồi. Làm gì mà quên cả ăn. Kiếm được tiền mà không có sức khỏe kiếm làm gì.

Sau này, đến bữa bà lại nấu thêm nửa lon gạo cho cả phần của anh. Mỗi khi anh đi làm về cơm nước đã được dọn sẵn, chỉ cần tắm rửa qua là ngồi ăn với bà. Với anh, bà giờ không còn là bà chủ trọ nữa. Anh coi bà như một người thân duy nhất ở thành phố này. Ăn cơm bà nấu, quần áo bà giặt hộ đâu vào đấy. Thế nhưng cuối tháng biếu thêm chút tiền nhất định bà không lấy. Năn nỉ mãi bà chỉ lấy một chút xíu cho anh đỡ áy náy. Bà nói:

- Nhờ có con ăn cùng, bà thấy ngon miệng hơn. Nếu không bà cũng ăn uống thất thường lắm.

mot-ba-chu-nha-tro-luon-quan-tam-giup-do-cong-nhan-o-tro-tai-tp-hcm-anh-hong-dao-16233707236251261081396.jpg

Một bà chủ nhà trọ (bìa trái) luôn quan tâm, giúp đỡ công nhân ở trọ tại TP HCM Ảnh HỒNG ĐÀO

Hai năm chồng tôi sống ở TP hCM trong cái tình đáng quý như thế của bà chủ trọ. Đến năm 2009, trong một lần về quê ăn Tết, anh và tôi gặp nhau. Chúng tôi  gặp nhau đúng thời điểm cả hai đều muốn tìm một bến đỗ an toàn và chữ duyên gắn kết hai người. Sau khi cưới, anh trở lại TP HCM giải quyết nốt phần công việc rồi xin về Hà Nội để gần vợ hơn. Ngày cuối cùng ở TP HCM, bà đã nấu một bữa ăn tươm tất bao gồm các món anh thích. Anh hỏi:

- Khi con đi rồi bà có buồn không?

Bà trả lời:

- Nói không buồn là bà nói dối. Nhưng bà mừng vì con được về gần với cô ấy. Sau này, vô thành phố nhớ ghé thăm bà.

Hôm anh đi, bà không tiễn anh sân bay. Bà chỉ tiễn hết cổng nhà trọ. Đôi mắt bà hoe hoe, giọng nghẹn ngào:

- Từ nay, bà hổng còn ai ăn cơm cùng.

Anh ôm chặt lấy bà như một người con trai dành cho người mẹ. Bà còn gửi anh mang về cho tôi một lá thư. Trong lá thư bà dặn dò kỹ lắm, nào là những món ăn thích, rồi là thói quen của anh trước và sau ăn. Đọc xong lá thư, cả tôi, anh và mẹ chồng tôi đều khóc. Khóc vì cảm động trước cái tình đáng quý của bà chủ trọ ở TP HCM, nơi chồng tôi đã ở đó hai năm.

Bao nhiêu năm chồng tôi chưa có dịp trở lại TP HCM, ghé thăm bà chủ trọ tốt bụng năm xưa. Thỉnh thoảng vợ chồng tôi lại điện thoại thăm hỏi. Giọng bà vẫn ngọt đúng chất người Sài Gòn, cứ ôn tồn dặn dò vợ chồng tôi phải thật cẩn thận trước đại dịch Covid. Tôi biết từ trong cõi lòng anh luôn dành cho người phụ nữ ấy một sự kính trọng khó có thể diễn giải thành lời. Còn tôi, tôi thấy nợ bà – người phụ nữ TP HCM hai chữ ân tình. Tôi yêu anh, yêu TP HCM qua những câu chuyện mà anh kể lại. TP HCM đẹp mãi trong mắt người thương.

Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"

Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải

Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.

Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021).

Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.

Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.

Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".

Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn

BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022