Hà Nội từng có một ngôi chùa với quy mô có thể coi là lớn nhất (?), nhưng cũng lại đoản mệnh nhất, mà đến nay chỉ còn một kiến trúc "khiêm nhường", tọa lạc trên vỉa hè bờ hồ Hoàn Kiếm. Đó là tháp Hòa Phong của chùa Báo Ân.

1. "Báo ân" là một triết lý sống của đạo Phật, khuyên mọi người phải báo đáp "tứ ân" (ơn đất nước, ơn cha mẹ, ơn tam bảo, ơn chúng sinh). Vì thế, nhiều nơi có chùa mang tên "Báo Ân", như ngay ở bên kia sông Hồng trên đất Gia Lâm (xưa thuộc Bắc Ninh) có ngôi chùa dựng từ thời Trần; xa hơn, ở Thiệu Văn, Thanh Hóa có chùa Báo Ân dựng từ thời Lý... và ở nhiều nơi khác nữa.

Chùa Báo Ân có tháp Hòa Phong là ngôi chùa mới xây vào thời Nguyễn, giữa thế kỷ XIX, ngay bên bờ phía Đông hồ Lục Thủy, từ sau khi lưu truyền huyền thuyết đức Lê Thái Tổ trả gươm báu cho rùa thần, thì được quen gọi nhiều hơn là hồ Hoàn Kiếm. Nó được khởi công xây năm 1842 vào thời điểm Hà Nội không còn là kinh đô của triều Nguyễn nữa, mà chỉ là một tỉnh thành.

Vị trí chùa Báo Ân trên bản đồ Hà Nội

Tọa lạc trên 100 mẫu đất của thôn Cựu Lâu, huyện Thọ Xương, quy mô của chùa từng được mô tả là có tới 180 gian và 36 nóc với kiến trúc cầu kỳ và "phá cách" so với những ngôi chùa truyền thống. Cái tên Cựu Lâu gợi cho ta về một kiến trúc từng có ở đó, nay đã không còn nữa, phải chăng đó là lầu Ngũ Long của chúa Trịnh Doanh (1740 - 1767) năm xưa? Chùa còn được gọi là "Liên Trì" vì bao quanh là cả một vùng nước trồng sen.

Chỉ có điều, chùa Báo Ân có một đời sống rất ngắn ngủi. Chỉ 30 năm sau khi chuông chùa cất tiếng, tiếng súng của thực dân Pháp đã tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất (1873), rồi 10 năm sau là lần tấn công thứ hai, triều đình đã ký giấy đầu hàng, chịu sự bảo hộ của nước Pháp. Đến năm 1888, vua Đồng Khánh nhượng hẳn vùng đất lõi của Thăng Long xưa - huyện Thọ Xương - cho Pháp làm nhượng địa để xây thành phố, làm trị sở của người Pháp. Đó cũng là năm chùa Báo Ân bị phá bỏ để nhường chỗ xây dựng trung tâm của thành phố trên dải đất phía Đông hồ Hoàn Kiếm, mở rộng ra bờ Nam sông Hồng. Nơi đó sẽ mọc lên Tòa đốc lý của thành phố, sau đó là dinh của Thống sứ Bắc kỳ, các công sở và hệ thống hạ tầng, cũng như kiến trúc dân sự theo kiểu phương Tây đầu tiên.

Thời gian quá ngắn ngủi khiến sách vở của người Việt chưa kịp ghi nhận bao nhiêu, nhưng thời điểm này người Pháp đã có mặt ngày một đông, lại có cả các nhà báo, các nhà khảo cứu, lại có máy ảnh… nên để lại cho hậu thế chúng ta những mô tả rất trực quan và sống động.

chua2-17004518759561895548468.jpg

Ảnh chụp của bác sĩ Hocquard: tòa tam quan và các tháp tăng

Ấn tượng đầu tiên của những người Âu này là những hình ảnh được tạc trên các vách gỗ lớn nơi cổng chùa mô tả cảnh "thập điện Diêm Vương" theo quan niệm của phương Đông là nỗi khủng khiếp với những kẻ xấu trên trần thế bị đầy xuống địa ngục. Vì vậy ngôi chùa này được người Pháp định danh là "Pagode des Supplices" (dịch là chùa Khổ hình).

Hình ảnh mô tả thì rùng rợn, nhưng trình độ đục chạm và khảm trai của người thợ Việt Nam trên những bức vách và nhiều pho tượng dựng trong chùa được khen là tinh xảo hơn hẳn những chùa của người Tàu ở Quảng Đông mà người Tây đã biết tới. André Masson là người viết những khảo cứu sớm nhất về Hà Nội, đưa ra nhận xét: "Những tác phẩm điêu khắc kỳ hình dị dạng, khó tả nên lời, nhưng không thiếu vẻ tinh xảo vượt xa những tấm bích họa khủng khiếp nhất của các nghệ sĩ châu Âu thời trung cổ".

Còn dân gian thì kịp ghi lại trong ký ức người xưa: "Gần xa nô nức tưng bừng/ Vào chùa Quan Thượng xem bằng động tiên/ Lầu chiêng gác trống hai bên/ Trông xa chợ mới Tràng Tiền kinh đô/ Khen ai khéo họa dư đồ/ Sau lưng Nhị Thủy trước hồ Hoàn Gươm". Riêng câu cuối cho thấy có thể cửa trước của chùa Báo Ân nhìn ra hồ Hoàn Kiếm, trong khi mô tả của bác sĩ Hocquard thì "phía sau chùa Báo Ân là tháp Hòa Phong" (?).

Bài thơ dân gian có nhắc đến một cái tên nữa của chùa Báo Ân là "chùa Quan Thượng". Đó là để nhắc đến tên người đứng ra dựng chùa là người có phẩm hàng đến bậc thượng thư. Đó là tổng đốc Ninh Hà (Bắc Ninh và Hà Nội) Nguyễn Đăng Giai, chức phẩm tương đương đương với thượng thư trong triều. Gốc người Quảng Bình, từng bước dấn thân trên chốn quan trường đến đỉnh điểm là người đứng đầu hai tỉnh Bắc Ninh và Hà Nội, Nguyễn Đăng Giai đã đứng ra hưng công và vận động tín đồ khắp nơi góp sức xây chùa. Việc làm của ông sau này cũng được dư luận đánh giá nhiều chiều, kẻ khen, người chê… Nhưng đáng tiếc là ngôi chùa Báo Ân đoản mệnh nay chỉ để lại một di tích nhỏ.

chua2bis-17004518758981791628904.jpg

Chùa tọa lạc bên hồ Hoàn Kiếm

2. Sau việc phá thành Hà Nội và chùa Báo Ân dưới thời toàn quyền Jean-Marie de Lanessan, các vị toàn quyền tiếp theo bắt đầu nhận ra những giá trị của nền văn minh bản xứ. Không từ bỏ những mục tiêu thực dân, nhưng nhiều giá trị của các di sản quá khứ đã được bảo vệ theo những chuẩn mực và phương pháp của văn minh Tây phương. Điều này đã cứu vãn được không ít những di sản văn hóa của Hà Nội mà ngày nay chúng ta đang kế thừa và phát huy. Đó là một thực tế tích cực của lịch sử, cũng như việc chủ nghĩa thực dân tất yếu phải lùi sâu vào dĩ vãng…

Ngày nay ngôi tháp Hòa Phong nhỏ bé khiêm nhường nép mình trên bờ hồ Hoàn Kiếm với 4 cửa mang bốn cái tên: "Báo Ân môn", "Báo Nghĩa môn", "Báo Đức môn", "Báo Phúc môn" - như những lời nhắc nhở cái đạo lý muôn thuở mà dân ta coi trọng.

Xin được nói thêm một chi tiết chép trong thiên ký sự của một người dân Việt Nam từ phương Nam ra Bắc vào năm Kỷ Hợi 1876 (khi Tây chưa trở lại) là Trương Vĩnh Ký. Sau khi vãn cảnh chùa Báo Ân, nhân sĩ họ Trương vừa khen ngợi lại vừa tỏ ra băn khoăn về một ngôi chùa mới xây chưa đầy 5 thập niên đã tàn tạ khiến phải thốt thành lời: "Phải chi nhà nước lo tu bổ giữ gìn thì ra một cái kiểng (cảnh) rất xinh đẹp. Mà nay thầy chùa, thầy sãi ở đó dỡ ngói, cạy gạch bán lần đi mà ăn, nên hư tệ, uổng quá!".

chua3-17004518759261967547013.jpg

Ảnh chụp mặt trước với hai cây đại lớn

chua4-170045187594121783097.jpg

Phiên bản khắc đồng in trên giấy

chua6-17004518758521734077081.jpg

Một góc nhìn rộng hơn, với những người Pháp trong chùa

chua8-1700451875843665514011.png

Chùa do Nguyễn Đăng Giai, tổng đốc Ninh Hà, xây dựng

chua9-1700451875882163593381.jpg

Thời bắt đầu xuống cấp, dù mới chỉ khánh thành vài chục năm

chua11-1700451875860830565862.jpg

Quang cảnh xung quanh chùa, thập niên 1890

chua12-1700451875824439408122.jpg

Cảnh chùa

18-1700451875835479955698.jpg

Phối cảnh thiết kế của chùa

chua21-1700451875748467167223.jpg

Cảnh chùa nhìn từ Tháp Hòa Phong

chua22-17004518758131309041819.jpg

Chùa ở bên kia hồ

chua24-17004518757881894262979.jpg

Tháp Hòa Phong bên Hồ Hoàn Kiếm xưa

chua25fotor-1700451875682637459148.jpg

Tháp Hòa Phong lúc có phố và đường “chen ngang"

chua28-17004518757661196656553.jpg

Tháp Hòa Phong vẫn đứng khiêm nhường bên Hồ Hoàn Kiếm khi phố xá dần hiện đại

chua29-1700451875756487013391.jpg

“Bối cảnh mới” của tháp Hòa Phong

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 83): Chùa Một Cột và giá trị biểu trưng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022