Trong một bài viết tôi có giải thích lí do vì sao gần như tất cả các Nhà thở cổ ở Việt Nam đều không nằm trong diện di sản. Điều này đến từ tâm lý e ngại của Giáo xứ trước những thủ tục pháp lý nhiều rủi ro về quyền sử dụng, thêm vào đó là cả những khó khăn về phát triển của các Nhà thờ trong điều kiện thiếu quỹ đất. Chúng ta cần giúp đỡ giáo xứ và kiên nhẫn tháo gỡ các vấn đề.
Bên cạnh đó, có nhiều người đã nhận định di sản chỉ được coi là Di sản khi nó nhận được giấy chứng nhận hoặc họ cho rằng vận mệnh của một công trình cũ chỉ có thể được phán quyết bởi đối tượng sở hữu. Những đánh giá này vẫn còn nhiều thiếu sót. Dưới đây, tôi xin chia sẻ một tình huống mà cá nhân tôi từng có trải nghiệm và học hỏi được nhiều điều từ đó.
Nhà thờ Bùi Chu -Ảnh: Hoàng Đông – Zing
Khi chủ sở hữu không có ý định bảo tồn di sản
Điều này xảy ra ở trường hợp hai tượng Phật khổng lồ ở thung lũng Bamiyan. Vào năm 2015, cá nhân tôi thực hiện một đồ án cuộc thi tại đây nhằm đưa ra đề xuất thiết kế cho trung tâm văn hóa Bamiyan. Bộ đề xuất này lọt vào vòng chung kết (danh sách rút gọn 25 bài từ 1070 bài), nhờ vậy tôi và nhóm có cơ hội làm việc sâu hơn với UNESCO và Văn phòng Tổng thống Afghanistan để rồi nắm được nhiều thông tin hơn.
Trước hết, phải nói rằng tượng Phật ở thung lũng Bamiyan là những cấu trúc kì vĩ cao gần 50 mét bằng đá sa thạch được điêu khắc trực tiếp vào trong lòng thung lũng. Chúng là hai tượng Phật lớn nhất Thế giới và được coi là kì quan về chế tác điêu khắc. Trong giai đoạn nội chiến, Taliban đã sử dụng xe tăng và pháo phòng không để phá hủy cấu trúc 1700 năm tuổi này.
Điều kì lạ là trong lần tiếp xúc đầu tiên với Bộ trưởng Ngoại giao, ông Mullah Wakil đã tuyên bố với UNESCO: “Chúng tôi (tức chính phủ Afghanistan) thừa nhận các di tích này là di sản văn hóa của Afghanistan, nhưng nó mâu thuẫn với niềm tin của chúng tôi và chúng tôi không còn cần chúng nữa”.
Đây là một tình huống điển hình khi chủ sở hữu vì một lí do nào đó đã không còn cần đến di sản.
Tất nhiên, nếu áp dụng những lí do cứng nhắc thì UNESCO cũng sẽ rút lui, còn gì để bàn nữa đây? Chủ nhà người ta đã nói đến thế rồi?. Nhưng rõ ràng UNESCO đã không làm vậy. Họ vẫn tìm cách can thiệp để điều chỉnh thái độ của chính phủ Afghanistan theo hướng nhân bản hơn bằng việc tổ chức một cuộc thi để xây dựng một trung tâm văn hóa nằm đối diện với hai tàn tích kể trên. Nhờ vậy mà tôi có dịp được làm việc trong đồ án này. Cuộc thi ở thể thức chuyên nghiệp đã thu hút hơn 1000 đề xuất từ khắp nơi thế giới và làm dấy lên những thảo luận rất nghiêm túc của các chuyên gia hàng đầu cho vấn đề về Bảo tồn ở Bamiyan. Trong cùng thời gian, UNESCO cũng liên tục tác động một cách mềm dẻo đến chính phủ để họ dành sự quan tâm tương xứng.
Có một lần trao đổi với UNESCO, tôi có hỏi về việc này và họ lưu ý tôi rằng không phải chủ sở hữu nào cũng ý thức được chính xác giá trị của di sản mà mình đang có. Khi ấy, nhiệm vụ của UNESCO là cung cấp, vận động hành lang để các chủ sở hữu có cái nhìn đầy đủ hơn. Cuối cùng UNESCO đã chứng minh rằng phương pháp của họ là đúng, bằng chứng là các khoản đầu tư quốc tế vào Bamiyan cũng như sự chuyển dịch trong tầm nhìn của chính quyền Afghan non trẻ.
Những năm chiến tranh loạn lạc không chỉ gây ra tổn thất về nhân mạng, nó còn để lại những lỗ hổng lớn về kiến thức văn hóa cho đối tượng chủ sở hữu di sản. Ngày đó, ở Afghanistan, chúng tôi đã trung thực và thẳng thắn để nhìn vào vấn đề này như vậy.
Tượng phật ở Afghanistan trước và sau phá hủy | Nguồn http://lennonwall.aauni.edu
Vì sao di sản văn hóa luôn dễ bị tổn thương
Từ “Văn hóa” được sử dụng nhằm chỉ những nỗ lực trí tuệ tột cùng để theo đuổi sự hoàn hảo và vẻ đẹp. Nhà phê bình Matthew Arnold đã từng nói “Văn hóa là điều tốt nhất từng được nghĩ ra và biết đến trên thế giới”. Di sản Văn hóa thường được hiểu là di sản xây dựng, di tích liên quan đến Văn hóa như bảo tàng, nhà hát, công trình tôn giáo, công trình kiến trúc cổ xưa… ngoài ra, chúng còn bao gồm cả những đối tượng phi vật chất như những vở kịch, câu chuyện, điệu nhảy, thơ ca, hò vè, công thức nấu ăn, thời tranh, âm nhạc..v.v.
Tất cả các chế độ xã hội, từ khi loài người xuất hiện đến nay. Từ buổi bình minh hoang dã cho đến thời hiện đại, đều có ý thức rõ ràng trong việc bảo tồn di sản văn hóa của họ. Chủ yếu vì lí do trau dồi lịch sử, giáo dục tư tưởng, củng cố bản sắc trước những hiểm họa xung đột và chiến tranh. Có thể khẳng định rằng, không có bản sắc thì không có chiến tranh là vì vậy. Các tòa nhà là Di tích và Biểu tượng Văn hóa dễ nhận ra nhất của loài người trong mọi thời đại. Chính vì lẽ đó, chúng thường trở thành mục tiêu của bạo lực và áp bức nhằm tìm cách thủ tiêu và giày xéo các biểu tượng có giá trị của kẻ thù.
Những gì mà ISIS làm ở Mosul là một ví dụ. Tôi cũng từng giành được một giải thưởng kiến trúc trong một đồ án ở Mosul. Qua nghiên cứu, có thể thấy rằng các bức tượng cổ 3000 năm trong bảo tàng Mosul là những đối tượng đầu tiên bị phá hủy (bằng búa tạ) khi IS chiếm đóng thành phố này. Có cách nào để chiến thắng một dân tộc nhanh bằng việc thủ tiêu toàn bộ những giá trị và bản sắc của dân tộc đó?
Trong thời kì Đại Cách mạng ở Trung Quốc. Mao đã cho Hồng vệ binh phá hủy tất cả các đình, chùa, đền, miếu của Phật giáo mà họ có thể tìm được. Mộ phần Khổng tử bị lật lên dưới bàn tay hung tợn của những thanh niên mười tám đôi mươi. Hàng trăm nghìn trí thức, nhà khoa học, nhà cải cách bị bức tử, bị sát hại dã man, hàng chục nghìn nhà báo bị cầm tù. Có cách nào để thuần hóa một dân tộc nhanh hơn việc tiêu diệt toàn bộ đầu mối tri thức và đức tin ngàn đời của dân tộc đó?
Ở Pháp, hầu hết các tượng trang trí trong các nhà thờ đều mất đầu. Những người cách mạng vô sản Pháp đã làm điều đó, không phải vì vấn đề đức tin, mà là để gửi đi tuyên ngôn chính trị với tầng lớp thống trị.
Ở Đức, dưới thời Quốc xã, Đảng Quốc xã không chỉ tiêu hủy sách và các tác phẩm của các triết gia (với vụ đốt sách khủng khiếp nhất thời hiện đại – diễn ra ở quảng trường Bebelplazt), hơn thế nữa, họ còn chủ động không kích cả những biểu tượng văn hóa của nước khác, nạn nhân điển hình là nước Anh.
Tất cả những việc tương tự như vậy xảy ra ở khắp mọi nơi, dưới mọi chế độ xã hội, trong mọi giai đoạn lịch sử loài người. Tất cả những hoạt động ấy luôn để lại những thiệt hại nặng nề cho con người bởi chúng đã tạo ra những ấn tượng kinh hoàng, nó đánh gục tinh thần những kẻ gan góc nhất.
Trong các tác phẩm điện ảnh có chủ đề Ngày tận thế, các đạo diễn sẽ không mô tả cảnh chết chóc. Thay vào đó, họ sẽ đưa ra hình ảnh về bàn tay cầm đuốc của tượng Nữ thần Tự do nhô lên từ đống đổ nát, một Kim tự tháp chìm trong cát ở Ai cập hoặc hình ảnh tháp Eiffel bị gãy làm đôi. Tất cả những hình dung ấy gây nên ấn tượng khủng khiếp hơn nhiều so với hình ảnh cái chết. Những biểu tượng điêu tàn không chỉ thể hiện sự tận diệt của con người ở thời điểm hiện tại mà chúng còn biểu đạt sự hủy diệt vĩnh viễn đối với các thế hệ ở tương lai và trong quá khứ. Người Mỹ thường làm phim có sức khái quát về hình ảnh như vậy.
Do đó, Di sản có thể thuộc về một chủ sở hữu nhất định nhưng khi xét đến tính biểu tượng thì ta phải cân nhắc nó là của chung. Chúng ta đã từng chứng kiến những làn sóng phản đối lớn từ cộng đồng quốc tế trước những dự án xây dựng và khai thác du lịch bên trong hang Sơn Đo-òng là vì vậy. Đó chính là “thương vay khóc mướn”. Đức chúa Giê -su được tin yêu cũng bởi cái lẽ “thương vay khóc mướn” của Ngài.
Chúng ta cần thận trọng với văn hóa của chính mình
Bài viết đến đây đã dài, ta đã khái quát lí do tại sao các công trình lâu đời, di sản, thường là những đối tượng dễ bị tổn thương trong tất cả các xã hội từ thời loạn đến thời bình. Có những lúc chúng là mục tiêu của Kẻ thù trong chiến tranh, có những lúc chúng là mục tiêu của Giới Chính trị và cả những lúc chúng là mục tiêu của Sự thiếu hiểu biết.
Vì vậy, hãy thận trọng và cùng giúp đỡ nhau, ta có thể tạm gạt bỏ sự khác biệt về ý thức hệ, tạm gác lại chuyện di sản ấy đã được cấp giấy phép hay chưa cấp, tạm gác lại việc công trình đó thuộc về ai và ai mới có quyền định đoạt. Đứng trước những Di sản Văn hóa, đời người thực quá đỗi nhỏ nhoi.
“Văn hóa”- như đã trình bày ở trên, nó là cái chung và mọi người cần nỗ lực để gìn giữ cái thứ mà chúng ta gọi là “những điều tốt đẹp nhất từng được tạo ra và biết đến trên thế giới này”.
Rất mong thông điệp này sẽ được chia sẻ đến bà con giáo dân, các Đức cha và cả bà con bên lương nữa.
Nguồn ảnh: lequang-architect | một ấn phẩm triển lãm tại UNESCO ở Kabul.
Ảnh trên: Tôi vẫn còn nhớ, năm đó nhóm tôi làm việc với VP Tổng thống Afghan thông qua một tình nguyện viên thông dịch là anh Amin. Khi xem bức ảnh đề xuất này, Anh nói với tôi: “nhìn ra tinh thần Afghan lắm”, tôi chỉ cười và bảo anh “Kabul ở trong trái tim tao” (một câu thoại tôi yêu thích sau khi đọc các tác phẩm văn chương Afghan), tôi đã không ngờ rằng đó là lần cuối cùng chúng tôi trao đổi với nhau. Một tháng sau, vào một ngày đầu tháng Năm năm 2015, Armin đã tử nạn trong một vụ đánh bom khi đang trên đường đi công tác. Về sau mỗi khi nhìn vào bức ảnh này, tôi lại nhớ đến anh ấy, một người bạn đạo Hồi đã nỗ lực quên mình cho các hoạt động Bảo tồn hai bức tượng của Phật giáo – một tôn giáo mà anh vốn không thuộc về.