Một người đàn ông ngoại quốc 35 tuổi đã được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đào Viên, trực thuộc Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan (Trung Quốc), sau khi xuất hiện hàng loạt triệu chứng nguy hiểm như buồn nôn, nôn mửa, rối loạn nhận thức và mất khả năng ngôn ngữ. Khi nhập viện, bệnh nhân có biểu hiện kích động dữ dội, buộc phải cố định tay chân để đảm bảo an toàn trong quá trình chăm sóc.
Trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ dáng mắt minion ở Trung Quốc gây tranh luận, CĐM chỉ sợ mắt lúc ngủ khó mà nhắm lại được
Sau nhiều lần xét nghiệm, đội ngũ chuyên khoa truyền nhiễm xác định bệnh nhân mắc một loại bệnh ký sinh trùng hiếm nhưng nguy hiểm có thể gây tử vong là bệnh giun phổi chuột, tên khoa học là Angiostrongyliasis, do nhiễm giun Angiostrongylus cantonensis. May mắn là nhờ điều trị tích cực và có sự phối hợp từ nhiều đơn vị, bệnh nhân đã hồi phục và được hỗ trợ trở về nước.

Tưởng đột quỵ, ai ngờ giun phá não
Bác sĩ Lý Thục Viên, chuyên khoa truyền nhiễm của bệnh viện, cho biết khi tiếp nhận, bệnh nhân rơi vào trạng thái thần trí rối loạn, không thể giao tiếp, có biểu hiện giống viêm màng não hoặc đột quỵ. Kết quả chọc dịch tủy sống cho thấy nồng độ bạch cầu ái toan tăng cao bất thường là một dấu hiệu thường gặp trong nhiễm ký sinh trùng.
Xét nghiệm PCR sau đó xác nhận bệnh nhân nhiễm giun Angiostrongylus cantonensis, một loại ký sinh trùng thường sống trong động mạch phổi của chuột, được thải ra môi trường qua phân và gián tiếp truyền sang người thông qua vật chủ trung gian như ốc sên, ốc bươu, hoặc nước bị ô nhiễm. Khi con người ăn sống hoặc ăn không kỹ những thực phẩm này, nguy cơ nhiễm bệnh sẽ tăng cao.
Bệnh có thời gian ủ từ 1 đến 3 tuần. Ở giai đoạn đầu, người bệnh có thể không có biểu hiện rõ rệt. Tuy nhiên, nếu lượng giun xâm nhập lớn, chúng có thể đi qua ruột, chui lên hệ thần kinh trung ương và gây ra viêm màng não, viêm não với các triệu chứng đặc trưng gồm:
- Buồn nôn, nôn.
- Đau đầu, cứng cổ.
- Rối loạn ý thức, kích động.
- Yếu tay chân, co giật hoặc động kinh.
Trường hợp bệnh nhân nói trên đã rơi vào tình trạng giun tấn công não với mật độ cao. Nhờ thực hiện nhiều lần chọc dịch tủy để giảm áp lực nội sọ, sử dụng thuốc corticosteroid và các liệu pháp điều trị hỗ trợ, bệnh nhân mới dần ổn định.
Từng có cả gia đình tử vong do ăn ốc sên sống
Đây không phải là lần đầu bệnh giun phổi chuột gây hậu quả nghiêm trọng. Năm 1985, một gia đình làm nước tương nổi tiếng tại Đài Loan (Trung Quốc) từng bị nhiễm loại giun này sau khi ăn sống ốc sên chăn nuôi trong nhà với mục đích “ăn sạch để khỏe”. Kết cục đau lòng là cả 5 người trong gia đình đều tử vong, trở thành một trong những ca bệnh điển hình nhất tại khu vực.
Bác sĩ Lý Thục Viên nhấn mạnh: Bệnh không lây từ người sang người, mà chủ yếu do ăn uống thiếu vệ sinh. Để phòng tránh, cần ghi nhớ những nguyên tắc sau:
- Tuyệt đối không ăn sống: ốc sên, ốc bươu, ốc suối, tôm cua nước ngọt...
- Chế biến kỹ thực phẩm: đun chín hoàn toàn để tiêu diệt ký sinh trùng.
- Rửa sạch rau củ quả: nên rửa dưới vòi nước chảy nhiều lần.
- Không ăn đồ không rõ nguồn gốc: đặc biệt là các loài bắt ngoài tự nhiên.
- Giữ gìn vệ sinh môi trường: hạn chế sự sinh sôi của chuột và ốc sên, nhất là trong mùa hè.
Mùa hè là thời điểm ký sinh trùng hoạt động mạnh, nếu không chú ý trong ăn uống và bảo quản thực phẩm, nguy cơ nhiễm bệnh sẽ tăng cao đáng kể.
Nguồn và ảnh: ETToday