Chịu ảnh hưởng sâu đậm từ văn hóa Ấn Độ, người Chăm tiếp thu Ấn giáo và tôn thờ Siva cùng những kiếp hóa thân của vị thần này. Tuy nhiên, hoà nhập cùng tín ngưỡng của cư dân bản địa  tục thờ cúng tổ tiên – tôn giáo này đã được đẩy lên một hình thức thờ phụng mới: thờ thần – vua. Và Katê chính là một diễn xướng dân gian vô cùng đặc sắc đựơc tổ chức hàng năm để tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc, các vị thần nông, thần thủy lợi, các vị vua như PôKlong Garai, vua Pô Rômê… và ông bà tổ tiên, trời đất đã ban cho cư dân Chăm an lành hạnh phúc.

Đến với lễ hội KaTê, chúng ta sẽ thấy được sức sống mãnh liệt của nền văn hóa bản địa Chăm hội nhập cùng văn hóa Đông nam Á. Người tham dự có dịp chiêm ngưỡng không chỉ những đền tháp cổ kính  mà còn hiểu thêm về phong tục tập quán cũng như được thưởng thức một nền ca – múa – nhạc dân gian giàu bản sắc.

Không gian lễ hội Katê khá rộng lớn, trải dài từ đền tháp (Kalan) đến làng (Paley)gia đình (NgaWôm) với diện mạo cực kỳ phong phú, đa dạng. Tron đó, lễ Katê ở đền tháp là quan trọng nhất gồm các bước như sau: Lễ rước y phục – Lễ mở cửa tháp – Lễ mộc dục (lễ tắm tượng thần Siva và tượng vua trong tháp) – Lễ mặc y phục – Đại lễ – Hội. Nếu Katê ở Ninh Thuận, lễ hội sẽ được diễn ra cùng lúc ở đền Pô Nưgar tại Hữu Đức, tháp Pô Klong Garai tại Đô Vinh, tháp Chàm và tháp Pô Rôme tại Hậu Sanh với những nghi thức cơ bản như nhau. Ban tế lễ chức sắc đạo Balamôn sẽ bao gồm Thầy cả sư (Pô Dhia) trụ trì đền tháp làm chủ lễ, thầy kéo đàn Kanhi (Ôn Kadher) hát thánh ca, Bà Bóng (Muk Payâu) dâng lễ vật lên các vị thần, Ông Từ (Camưnay) chủ trì lễ tắm tượng và một số tu sĩ Balamôn (Paseh) cùng phụ lễ.

1.jpg?resize=640%2C381&ssl=1(Hình: Lễ Kate Chăm tại Ninh Thuận)

Khởi đầu cho những ngày hội này là lễ rước y phục được diễn ra rất trọng thể. Tất cả y phục của vua chúa thờ ở tháp Chăm đều do người Raglai cất giữ và cứ mỗi năm một lần, đến lễ Katê, người Chăm phải đón người Raglai chuyển y phục về lại nơi các đền tháp. Trong buổi sáng của ngày lễ rước y vua PôKlong Garai, tại đền thờ Pô Klong Garai ở thôn Phước Đồng, du khách sẽ được chứng kiến cuộc đón rước khi người Raglai trao báu vật của thần cho người Chăm. Sau đó, ông từ giữ đền sẽ dâng cúng lễ vật xin phép thần cho rước y về tháp. Khi lễ đón kết thúc, y phục của vua được đưa lên kiệu và khiêng đi giữa đoàn rước. Dẫn đầu đoàn là 5 người Raglai, theo sau lần lượt là cả sư chủ trì đền tháp, thầy kéo đàn Kanhi, Bà Bóng và đội vũ nhạc. Hai bên là những người cầm cờ và cuối cùng là đoàn người phụ lễ. Tất cả cùng tiến về tháp Pô Klong Garai.

2.jpg?resize=640%2C381&ssl=1(Hình : Đoàn lễ rước y của Vua PôKlong Garai tại Ninh Thuận)

9.jpg?resize=640%2C387&ssl=1(Hình: Kiệu khiêng y phục Vua đi giữa đoàn rước)

Chào đón đoàn rước y, đội múa lễ sẽ múa mừng ngay trước cửa tháp chính.  Kết thúc điệu múa cũng là lúc một nghi thức khác được bắt đầu : lễ mở cửa tháp.

10.jpg?resize=640%2C376&ssl=1

5.jpg?resize=640%2C383&ssl=1(Hình: Múa hát mừng đoàn rước y trước cửa tháp)

Trong giai đoạn này, lễ vật cúng dâng gồm rượu, trầu cau, nước tắm thần có pha trầm hương. Các nghi thức bao gồm: thầy cúng tế hát cầu lễ thần linh trước cửa tháp, ông Camưnay tạt nước tắm thần lên phù điêu Siva trên vòm cửa chính, còn bà Bóng và thầy kéo đàn Kanhi sẽ đến ngồi bên tượng bò Nandi hát xin phép thần cho mở cửa tháp. Ông Từ và bà Bóng sẽ là người mở cửa và với khói hương trầm nghi ngút, Đoàn lễ từ từ tiến vào trong lòng tháp.

Không phải ai cũng được dự lễ tắm tượng thần. Chỉ có Thầy cả sư, thầy kéo đàn Kanhi, bà Bóng, ông Từ và một số tín đồ nhiệt thành thực hiện mà thôi. Bà Bóng rót rượu dâng thần, thầy kéo đàn Kanhi hát lễ còn Ông Từ thì cầm lọ nước đổ lên pho tượng đá. Mọi người cùng tắm thần và đặc biệt là lấy nước từ trên thân tượng bôi lên đầu, lên người như hưởng được ơn mưa móc của thần để cầu mong may mắn, hạnh phúc.

Khi nghi thức lễ đang tiến hành trong tháp thì ngoài sân, các tín đồ lo chuẩn bị mâm cúng tạo nên một không khí rất tất bật. Lúc này du khách sẽ được thấy những sản vật, sản phẩm của nghề trồng lúa và đi biển thông qua lễ vật dâng cúng ấy.

Lễ tắm thần kết thúc, thầy Kanhi sẽ là người hát thánh ca để bắt đầu lễ mặc y phục cho tượng thần. Lời thầy hát lễ đến đâu thì Ông  Từ và Bà bóng mặc váy, mặc áo và đội mão vàng cho thần đến đấy. Khi tượng thần đã mang trên mình bộ long bào lộng lẫy, vật dâng cúng được bày ra trước bệ thờ, thầy cả sư  bắt đầu điều khiển phần  Đại lễ.

6.jpg?resize=640%2C963&ssl=1(Hình :Lễ Katê tại ngôi tháp chính PôKlong Garai ở Ninh Thuận)

Đây là giai đoạn người Chăm mời các vị thần về dự lễ, đấy là nhữngvị thần có công với dân với nước và được suy tôn như thần mẹ xứ sở PôNưgar, thần PôKlong Garai, PôRômê… Với mỗi vị thần, thầy kéo đàn Kanhi sẽ hát một bài hát lễ riêng, Bà Bóng thì dâng cúng lễ vật, Thầy cả sư làm phép đọc kinh cầu nguyện,  còn bà con cúi đầu chắp tay cầu xin thần phù hộ độ trì cho dân làng. Cứ như thế cho đến khi phần cầu nguyện kết thúc. Vũ điệu múa thiêng của Bà Bóng trong lòng tháp đánh dấu phần Đại lễ kết thúc, đó là lúc ngoài sân tháp bắt đầu rộn ràng không khí mở Hội. Du khách sẽ được đắm mình trong nhịp điệu khi những chàng trai cô gái Chăm với sắc phục truyền thống say sưa múa hát theo những làn điệu dân ca, dân vũ với trống Ghinăng, kèn Saranai … tạo nên một không khí thật tưng bừng náo nhiệt cho đến tận chiều hôm.

Về lại với các làng để xem người Chăm chuẩn bị đón Katê, vật cúng tế cũng như việc quét dọn đền thờ, nhà làng, chuẩn bị sân khấu, sân bãi… luôn được người dân phân công nhau và hoàn tất từ trước đó. Vào sáng ngày hội, họ làm lễ cúng Katê ở Nhà Làng để cầu mong thần phù hộ cho sức khoẻ, mùa màng tươi tốt… Mỗi làng có một Thần riêng, cũng tương tự như làng của người Việt thờ thần Thành Hoàng vậy. Chủ làng hoặc già làng có uy tín và tinh thông phong tục sẽ là chủ tế lễ. Khi Katê ở tháp kết thúc, các làng Chăm rộn rịp không khí hội với các trò chơi như thi dệt vải, đội nước, đá bóng, văn nghệ… vẽ lên bức tranh đầy sắc màu của một nền văn hóa Chăm thật độc đáo.

7.jpg?resize=640%2C423&ssl=1

8.jpg?resize=640%2C972&ssl=1(Hình : Bà con người Chăm chuẩn bị đồ cúng tế cho lễ Katê trong sân tháp)

Trong dòng chảy của Katê Chăm, không khí lễ hội ở đền tháp lắng đọng sẽ làm bùng lên sự tưng bừng ở lễ Katê làng và sau đó thổi đến từng gia đình người dân Chăm. Lễ katê gia đình kéo dài 3 ngày, là dịp để mọi thành viên trong gia đình, tộc họ ngồi quây quần bên nhau. Trong dịp này, ngoài lễ vật dâng cúng cho hương hồn tổ tiên để cầu mong gặp nhiều điều may mắn, mỗi gia đình còn chuẩn bị quà bánh để tiếp đón khách khứa khi họ viếng thăm và chúc tụng nhau. Lễ Katê ở gia đình thường do chủ gia đình hoặc trưởng tộc làm chủ tế lễ. Đây cũng là dịp để ông bà, cha mẹ giáo dục các thế hệ con cháu nhớ ơn và kính trọng tổ tiên và cũng là dịp để họ tạm quên đi những vất vả âu lo đời thường của cuộc sống còn bộn bề khó khăn.

Ngày nay, Katê không chỉ là tài sản tinh thần của riêng người Chăm nữa, mỗi khi lễ hội, hàng ngàn du khách từ các nơi đổ về để cùng hòa nhịp với người Chăm trong những khoảnh khắc tâm linh của lễ, trong sự sôi động của hội, để càng hiểu hơn nền văn hóa Chăm vốn phong phú và đặc sắc.

Bài và ảnh: KTS NGUYỄN BÍCH HOÀN

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022