Chúng ta phải học hỏi rất nhiều từ người Pháp, kiến trúc chỉ là một phần. Trong đó có rất nhiều thứ tiên tiến hơn như công nghệ thi công, vật liệu, giải pháp ứng phó với khí hậu, … khiến nhà Pháp và nhà thuộc địa Pháp luôn hiệu quả về công năng sử dụng.
Tòa nhà Chính Phủ tại TP HCM theo lối kiến trúc thuộc địa
Có khi nào bạn tự hỏi, nhờ đâu mà nhà Pháp hay nhà thuộc địa luôn luôn mát hơn những công trình thuần gốc Việt Nam? Lý do nằm ở nhiều khía cạnh mà trong bài viết hôm nay, tôi tóm gọn chúng trong 5 ý sau:
1. Thiên nhiên
Đầu tiên, nhà Pháp luôn là nhà vườn. Xung quanh luôn có vườn cây xanh bao bọc. Điều này khiến nhiệt độ trong nhà không quá cao, kể cả những ngày trời nóng. Trồng cây xanh, che nắng nhiệt đới trực tiếp, tạo ra vi khí hậu êm dịu là một kỹ thuật được áp dụng trong tất cả các biệt thự hay dinh thự Pháp.
Vườn cây xanh mát bao bọc xung quanh căn biệt thự
Thảm thực vật trong các căn nhà luôn được chăm chút cẩn thận. Đặc biệt trong vườn luôn có những cây cao cho bóng mát rất hiệu quả.
2. Tường dày
Các bức tường thời xưa được người Pháp xây dựng rất dày, luôn lớn hơn 220. Để chống nắng nhiệt đới do mặt trời ở phía đông và tây, hướng nhà thường quay mặt về nam hoặc đông nam, tường nhà thường xây dày 330 để ngăn nhiệt xâm nhập (không bao giờ có khái niệm tường 110 như hiện nay).
Có một phương pháp xây dựng khá hay để giảm nhiệt độ từ tường vào trong nhà: xây hai lớp, lớp tường ngoài 110, lớp trong là 220, và giữa hai lớp để trống một khoảng nhỏ giúp nhiệt đối lưu, khiến phía trong không bị hấp thụ nhiệt nhiều.
Tường to và dày là một đặc trưng dễ nhận biết của nhà Pháp. Bên cạnh đó, hệ thống chịu lực dầm cột cũng tỷ lệ thuận với tường.
3. Cửa sổ
Các kiến trúc sư từ lâu đã chú ý tới thiết kế cửa sổ. Hệ thống cửa sổ trong nhà pháp có cấu trúc “trong kính ngoài chớp” :
- Phía trong là lớp cửa kính thông thường
- Phía ngoài là cửa sổ có các chớp che nắng (nhiều loại có thể xoay lật được)
Cửa sổ hiện đại theo phong cách “trong kính ngoài chớp” của người Pháp
Một dàn cửa sổ khác cũng được áp dụng tương tự nhà Pháp cổ
Dàn cửa được chú ý như vậy, không chỉ vì mỹ thuật mà bởi đây là toàn bộ hệ thông thoáng của toà nhà. Khoảng cách tường dày cũng tạo ra một khoảng lùi rất đáng kể cho cửa sổ. Khoảng này rất có ích trong việc che nắng, nhất là những buổi chiều nắng hướng Tây.
Tòa khách sạn Metropole nổi tiếng tại Hà Nội
4. Hiên, ban công và logia
Ở Việt Nam, với đặc thù khí hậu là nóng, mưa nhiều và độ ẩm cao, nên kiến trúc phải giải quyết các thách thức ấy. Đây là hai nhiệm vụ khá mâu thuẫn. Để chống nóng và thoát ẩm, người ta phải mở nhiều cửa cho gió thông thoáng, ngược lại, khi mở như thế lại phải tìm cách che chắn để ngăn không cho nắng mang nhiệt vào nhà và chống mưa hắt nước. Như vậy, căn nhà phải có dàn mái lớn che nắng, mưa, nhưng cần lớp vỏ bọc hở để thoát ẩm và nóng. Do tính chất vừa mở, vừa đóng, nên căn nhà phải vận hành như một bộ lọc thông minh như thể biết thay đổi theo các biến đổi trái ngược nhau của thời tiết. Nhà Pháp giải quyết vấn đề này bằng các hàng hiên (veranda).
Các logia giúp các ngôi nhà thoáng hơn đồng thời hạn chế được ánh nắng gắt, trong khi đó ban công nhô ra đón gió và ánh sáng hướng tốt.
Viện Đại học Đông Dương (cũ) – Nay là Đại học Quốc gia Hà Nội
5. Trần và mái
Mái nhà Pháp là mái dốc bằng gạch ngói cổ điển, dàn mái cao rộng tạo dáng như chiếc nón của người nông dân Việt. Trên mái lại luôn có những ô cửa sổ nhỏ giúp lưu thông gió tự nhiên, làm ngôi nhà luôn trong trạng thái dễ chịu.
Nhà biệt thự Pháp thường phải xây trên một nền cao để hứng gió, tách xa mặt đất để hạn chế nhiệt hắt từ đất lên. Ở trên là một dàn mái lớn lợp ngói với trần cao giúp tạo ra một đệm không khí để ngăn nhiệt thâm nhập từ mái, ở đây còn bố trí các cửa sổ mái để thông thoáng nhiệt cho khoảng không gian đệm giữa trần và mái.
Mái dốc trong nhà thuộc địa Pháp
Những lý do trên đây là các đặc điểm cơ bản nhất của nhà Pháp (kiến trúc Châu Âu) nói chung và nhà thuộc địa Pháp nói riêng. Các ngôi nhà đã được chỉnh sửa – thay đổi khá nhiều về thiết kế và các chi tiết để phù hợp với khí hậu Việt Nam – một đất nước nhiệt đới gió mùa nóng ẩm
Duc Anh – Kienviet.net