Những mùi khó chịu trong phòng ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và có cách nào để xử lý mùi?
Mùi xuất phát từ đâu?
Mùi hương quá nồng có thể làm xáo trộn sự thoải mái về thể chất và tâm lý, thậm chí gây buồn nôn, đau đầu, kích ứng ở mắt, mũi và cổ họng. Nếu duy trì trong một thời gian dài có thể ảnh hưởng đến tâm trạng lo lắng và mức độ căng thẳng. Một nghiên cứu ở Đan Mạch chỉ ra, có dấu hiệu giảm năng suất làm việc khi để một tấm thảm 20 năm tuổi trong phòng gây ra mùi và chất ô nhiễm không khí.
Trung bình, một người trưởng thành hít vào và thở ra khoảng 11.000 lít không khí. Mùi do một hoặc nhiều hợp chất hóa học dễ bay hơi mà con người và động vật có thể cảm nhận được thông qua khứu giác.
Theo Báo cáo Hướng dẫn về yêu cầu thông gió trong tòa nhà, con người cảm nhận được không khí qua hai cách. Đầu tiên, khứu giác nằm trong khoang mũi và nhạy cảm với hàng trăm nghìn chất tạo mùi trong không khí. Thứ hai, giác quan hóa học chung nằm trong mũi và mắt, nhạy cảm với một lượng lớn các chất kích thích trong không khí. Chính sự kết hợp hai yếu tố này giúp bạn phân biệt được không khí trong lành, không mùi hay khó chịu.
Có hai đơn vị đo mùi là olf (tỷ lệ phát thải ô nhiễm) và decipol (mức độ mùi mà người dùng cảm nhận được). Nhưng quan trọng hơn việc xác định cường độ là tìm ra nguồn gốc của mùi. Vì vậy có những thiết bị đo khứu giác cầm tay, cho phép người dùng định lượng và xác định nhanh chóng nguồn gốc của mùi.
Trong các tòa nhà, mùi có thể đến từ bên ngoài hoặc bên trong, tất nhiên các nguồn mùi bên ngoài phức tạp hơn. Chúng có thể bay vào trong tòa nhà thông qua các khe hở, hệ thống làm mới không khí và có thể xuất phát từ hoạt động công nghiệp, trên đường cao tốc, đường phố, cơ sở hạ tầng vệ sinh hoặc thậm chí ô nhiễm đất hóa học.
Các nguồn gây mùi bên trong tòa nhà bao gồm vật liệu xây dựng, sơn tường, sơn tranh, đồ nội thất, hệ thống thoát nước thải, vật liệu xây dựng, vật liệu bảo quản và bảo dưỡng, các sản phẩm phân hủy hoặc người sử dụng và đồ đạc.
Điều quan trọng là phải phân biệt mùi với ô nhiễm không khí trong nhà. Các mùi khó chịu có thể không phải lúc nào cũng là tác nhân gây ô nhiễm, ví dụ như khí đốt nấu ăn phát ra mùi trong trường hợp bị rò rỉ. Nhiều chất ô nhiễm có hại cũng không mùi. Một loại hợp chất ô nhiễm, hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) hay khí formaldehyde từ vật liệu xây dựng cũng được coi là tác nhân gây mùi.
Làm thế nào để cải thiện chất lượng không khí trong nhà?
Mặc dù các sản phẩm tẩy rửa có thể khử mùi nhưng cách tốt nhất để cải thiện chất lượng không khí trong nhà là ngăn chặn nguồn gây ô nhiễm. Một số điểm đáng lưu tâm chính là hệ thống đường ống cống thoát nước, khi không được hút sạch sẽ trở thành nguyên nhân tiềm ẩn gây nên mùi hôi thối. Hơn nữa việc tìm hiểu xem vật liệu xây dựng có nguy cơ “bốc mùi” hay không là điều quan trọng để duy trì chất lượng không khí tốt.
KTS cần giúp ngôi nhà có đầy đủ ánh sáng và hệ thống thông gió tự nhiên để thanh lọc không khí trong môi trường; tạo điều kiện lưu thông không khí giúp cải thiện sự thoải mái về nhiệt và khứu giác trong môi trường. Bạn có thể sử dụng hệ thống thông gió cơ học bằng quạt hoặc điều hòa. Trường hợp dùng điều hòa không khí, lọc không khí đầu vào và đầu ra có thể giúp loại bỏ các phần tử độc hại. Tuy nhiên, bộ lọc không khí cần được bảo trì để ngăn chính hệ thống thông gió trở thành nguồn ô nhiễm.
Một yếu tố khác để cải thiện chất lượng mùi trong nhà chính là thảm thực vật. Chúng không những thải ra khí oxy, loại bỏ độc tố trong không khí mà còn tăng thêm giá trị thẩm mỹ trong không gian. Một số loại đã được chứng minh hiệu quả khử mùi hơn những loại khác. Theo NASA đã nghiên cứu, hoa cúc (Chrysantheium morifolium) có khả năng hấp thụ các khí gây ô nhiễm như carbon monoxide và formaldehyde, đồng thời loại bỏ các yếu tố độc hại như benzene. Hoa lily và cọ cũng hấp thụ một số chất ô nhiễm hay hoa nhài, phong lữ, oải hương và húng quế tiết ra hương thơm dễ chịu, có khả năng trung hòa mùi.
Để mang lại chất lượng sống cho con người một cách tối ưu nhất, hơn hết nên lựa chọn sử dụng vật liệu một cách hợp lý, tạo ra môi trường có mùi trung tính cần thiết và thường xuyên chú ý không gian trong nhà.
Biên dịch | Vũ Hương (Nguồn: Archdaily)
Xem thêm:
- Mô hình nhà tình thương kinh phí thấp được vinh danh “Sáng kiến vì cộng đồng”
- 17 mẫu (templates) dành cho hệ thống xây dựng thường gặp giúp bạn hiện thực hóa dự án của mình
- Các chiến lược cải thiện không gian học tập tại nhà cho trẻ trong bối cảnh đại dịch Covid 19