Kiến trúc tạm được ví như mảnh đất màu mỡ để thử nghiệm ý tưởng, khảo sát địa điểm hay nhân rộng các công nghệ mới, mô hình mới. Hiện nay, ngày càng có nhiều mô hình kiến trúc tạm như triển lãm nhằm mục đích giới thiệu các công trình, tổ chức hội nghị hay phục vụ mục đích giải trí, và kiến trúc tạm như một làn sóng mới mang đến nhiều trải nghiệm thú vị.

kienviet-kien-truc-tam-mang-den-khong-gian-moi-day-tinh-trai-nghiem-va-giai-tri-1.jpgKiến trúc tạm như một làn sóng mới mang đến nhiều trải nghiệm thú vị

Sức hấp dẫn của kiến trúc tạm có thể tìm thấy trong suốt chiều dài lịch sử kiến trúc nhưng nổi bật nhất là Triển lãm lớn về các công trình công nghiệp của tất cả các quốc gia năm 1851, hay còn được gọi là Triển lãm Crystal Palace. Sự kiện này đã truyền cảm hứng lớn cho các kiến trúc tạm phát triển về sau. Nếu như ở thập niên 70 đề cao tính lâu dài để định hình bản chất của kiến trúc thì thế kỉ 21, việc đưa những yếu tố tạm như một làn sóng mới, giúp khám phá nhiều hơn sự mới mẻ trong thiết kế, đánh dấu bằng sự gia tăng của các triển lãm quốc tế, lễ hội thiết kế hay các ứng dụng đáp ứng nhanh nhạy với môi trường.

Dưới đây là một số ứng dụng thú vị từ kiến trúc tạm mang lại:

Quảng cáo ý tưởng

Phá vỡ giới hạn, đơn vị MVRDV đã lắp đặt một công trình cầu thang tạm của Kriterion tại trung tâm thành phố Rotterdam với 180 bậc, cao 29m và dài 57m, dẫn lối lên đài quan sát tạm bao quát Rotterdam Centraal. Cầu thang tạm được làm từ giàn giáo này đã mở rộng không gian công cộng trên mái tòa nhà, đồng thời được coi là minh họa thuyết phục cho sự phát triển của thành phố cũng như là chất xúc tác cho một hướng đi mới về không gian ít được khai thác.

kienviet-kien-truc-tam-mang-den-khong-gian-moi-day-tinh-trai-nghiem-va-giai-tri-8.jpgCầu thang tạm của Kriterion | MVRDV

Với ý tưởng xây dựng dự án tạm này, mới đây, MVRDV tiếp tục mang đến một danh mục các ý tưởng để tận dụng các không gian trên mái trống của Rotterdam.

Thay thế địa điểm tạm thời

Trong một số trường hợp, cấu trúc tạm có thể là sự thay thế khả thi. Ví dụ như việc xây dựng lên công trình kiến trúc tạm Grand Palais Éphémère. Đây sẽ là địa điểm tổ chức các sự kiện nghệ thuật lớn của Paris trong thời gian chờ tu bổ Đại Cung Grand Palais – xây dựng từ thế kỉ 19 tại Paris. Hay như khu chợ tạm Shengli Market ở Trung Quốc, được thiết kế bởi Luo Studio nhằm phục vụ cộng đồng trong khi khu chợ cũ đang được cải tạo. Cả hai dự án đều có thể tháo dỡ, tái chế hoặc tái sử dụng cho các công trình xây dựng khác.

kienviet-kien-truc-tam-mang-den-khong-gian-moi-day-tinh-trai-nghiem-va-giai-tri-9.jpgChợ tạm Shengli | Luo Studio

Khám phá công nghệ mới

Thoát khỏi sự khắt khe của kiến trúc thương mại và các quy định xây dựng, kiến trúc tạm là cơ hội để giới thiệu và quảng bá công nghệ, phương pháp xây dựng mới. Viện thiết kế Tính toán (ICD) và Viện Kết cấu Công trình và Thiết kế Kết cấu (ITKE) đã và đang tạo ra hàng loạt những gian hàng thử nghiệm để phát triển các ứng dụng trong kiến trúc trước khi triển khai rộng trên quy mô lớn.

kienviet-kien-truc-tam-mang-den-khong-gian-moi-day-tinh-trai-nghiem-va-giai-tri-3.jpgDự án của Viện thiết kế Tính toán (ICD) và Viện Kết cấu Công trình và Thiết kế Kết cấu (ITKE)

Can thiệp đô thị

Các cấu trúc tạm cũng có thể thực hiện nhiệm vụ thích ứng, kiểm tra tính hiệu quả của các chiến lược đổi mới đô thị, giúp xác định tiềm năng tái tạo không gian bị lãng quên, củng cố cơ sở hạ tầng của thành phố hoặc cải thiện nhận thức của người dân về địa điểm. Trong sự kiện Manifesta lần thứ 14 của Hội Nghệ thuật Đương đại Châu Âu được tổ chức tại Prishtina, Kosovo, Carlo Ratti Associati được giao nhiệm vụ tạo ra tầm nhìn đô thị cho thành phố đăng cai, tập trung vào các giải pháp bền vững phù hợp với thực trạng. Bằng cách đó, Carlo Ratti Associati đã thiết kế một loạt các biện pháp can thiệp đô thị tạm thời, mở ra những cách khác nhau để khẳng định lại không gian công cộng như một phần của khuôn khổ đô thị. Tiêu biểu như biến không gian không được sử dụng của Nhà máy gạch – địa điểm hậu công nghiệp quan trọng nhất của thành phố thành không gian cộng đồng như một “phòng khách đô thị”; tập trung biến đổi khu vườn trong thư viện Hivzi Sulejmani nơi không thể thực hiện được nhiều chức năng kết nối chung…

kienviet-kien-truc-tam-mang-den-khong-gian-moi-day-tinh-trai-nghiem-va-giai-tri-7.jpgDự án của Carlo Ratti Associati

Tăng trải nghiệm trong mỗi trò chơi

Kết cấu tạm có thể thu hút được một lượng lớn cộng đồng tham gia, làm phong phú thêm trải nghiệm của khu vực công. Bằng chứng là Studio thiết kế Plastique Fantastique có trụ sở tại Berlin đã đưa các cấu trúc khí nén vào không gian vui chơi, tạo ra các khu vực giải trí tạm thời, tăng tính trải nghiệm và vui chơi. Được xây dựng dựa trên tác phẩm của nhóm thiết kế “không tưởng” Haus-Rucker-Co những năm 60, các kết cấu tạm của Plastique Fantastique đã hoàn toàn ăn nhập vào những ranh giới và bối cảnh của cuộc sống thường ngày.

kienviet-kien-truc-tam-mang-den-khong-gian-moi-day-tinh-trai-nghiem-va-giai-tri-6.jpgKết cấu tạm của Plastique Fantastique

Song song với những kiến trúc đi cùng thời gian, thiết kế tạm đối với đương đại sẽ còn cho thấy nhiều sáng tạo mới, mang lại cái nhìn khác lạ trong kiến trúc và chứng tỏ được tầm ảnh hưởng lâu dài.

Dịch: Vũ Hương | Nguồn: Archdaily

XEM THÊM

  • Biến ngôi nhà Nhật Bản truyền thống thành văn phòng làm việc hiện đại
  • Dự đoán 3 xu hướng kiến trúc – xây dựng nổi bật trong năm 2022
  • 8 cách phá bỏ giới hạn của khối hộp trong thiết kế kiến trúc
Bình luận từ Facebook

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022