Bình và chiếc đĩa bị vỡ sau khi sửa có giá từ 300 USD trở lên. |
Nhật Bản nổi tiếng với việc chế tác đồ gốm sứ tinh xảo, độc đáo nhất là cách biến bát đĩa vỡ thành tác phẩm mới. Nghệ thuật Kintsugi (hoặc Kintsukuroi) có nghĩa là "hàn gắn bằng vàng" đã có tuổi đời hàng thế kỷ. Các nghệ nhân sẽ gắn những món đồ gốm sứ bị vỡ bằng hỗn hợp trộn một loại sơn đặc biệt với bột vàng, bạc hoặc bạch kim.
Những đường nối lấp lánh ánh vàng khiến bát đĩa hư hỏng có hình ảnh đẹp hơn cả bản gốc, đem tới cho sản phẩm một cuộc sống mới. Mặt khác, đồ gốm sứ vẫn lưu giữ lại được lịch sử lâu đời của mình. Những vết rạn nứt được tôn lên theo một cách đặc biệt thay vì giấu đi hoặc đem vứt bỏ. Một chiếc bát, đĩa được sửa có giá từ vài trăm cho tới hàng nghìn USD.
Bột vàng được trộn với sơn để làm chất keo dính. |
Nghệ thuật Kintsugi bắt nguồn từ cuối thế kỷ 15. Phương pháp này chịu ảnh hưởng bởi nhiều triết lý của người Nhật. Trong đó có tư tưởng wabi-sabi: Nhìn thấy cái đẹp trong những điều không hoàn hảo. Ngoài ra, đó còn là cảm giác hối tiếc của người Nhật khi thấy một thứ gì đó bị lãng phí.
Có 3 cách để sửa bát đĩa vỡ theo kiểu Kintsugi:
Phương pháp gắn kết: Áp dụng với đồ vỡ vẫn còn nguyên các mảnh. Người thợ dùng hỗn hợp sơn trộn với bột vàng làm keo dính các mảnh vỡ, vết nứt. |
Phương pháp thay thế: Áp dụng với các trường hợp bị mất một mảnh vỡ. Nghệ nhân sẽ dùng hỗn hợp sơn trộn với bột vàng tạo thành một mảnh mới, hoàn thiện chỗ bị thiếu. |
Phương pháp ghép nối: Cũng áp dụng với các trường hợp bị mất một mảnh vỡ. Theo đó, người thợ dùng một mảnh vỡ có họa tiết khác để ghép với sản phẩm gốc. Nhờ đó, sản phẩm mới có sự khác lạ, độc đáo. |
An YênẢnh: Modernmet, Pinterest