Năng lượng gió là dạng năng lượng tái tạo thu được từ gió, nhờ chuyển động của các khối khí từ vùng có áp suất cao đến vùng lân cận có áp suất khí quyển thấp hơn, tốc độ tỷ lệ với từ thông của máy phát. Giữa bối cảnh nhận thức và quan tâm của mọi người đến môi trường ngày càng tăng, năng lượng gió được coi là giải pháp thay thế sạch có thể thay thế các nguồn năng lượng tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính.
Để một dự án kiến trúc sử dụng năng lượng gió, chẳng hạn như tuabin gió mini, yếu tố cần là dự án phải được thiết kế ở nơi đủ gió, không bị che khuất bởi chướng ngại vật cũng như có không gian cần thiết để neo giữ hệ thống. Nếu các quy định của địa phương cho phép, tuabin thậm chí có thể đặt được trong cả khu đô thị dày đặc bằng cách tận dụng các mái nhà mở. Trong mọi trường hợp, cần nghiên cứu sức mạnh của tuabin gió có đủ để tạo ra năng lượng, bằng cách xác định kích thước cánh quạt, chiều cao và dự kiến năng lượng sản sinh. Cách sử dụng năng lượng sạch này sẽ giúp giảm đáng kể mức tiêu thụ hàng tháng của mỗi hộ gia đình hoặc cả tòa nhà.
Dưới đây là một số dự án áp dụng năng lượng gió để tạo nên thiết kế thụ động, thân thiện với môi trường và tận dụng tối đa nguồn năng lượng vô tận này.
1. VR Posto Commando / M2.SENOS
VR Posto Commando là tòa nhà kỹ thuật hỗ trợ hoạt động của một trang trại điện gió nằm tại dãy núi Sierra de Alvão ở Bồ Đào Nha. Tận dụng được chính những khắc nghiệt của địa phương như gió lớn, nhiệt độ khắc nghiệt, công trình hiện đại này vẫn đảm bảo chức năng kép: khu vực bên trong vừa bảo vệ được các thiết bị kỹ thuật của trang trại, bên ngoài vẫn “hòa hợp” cùng thiên nhiên thông qua việc lựa chọn vật liệu như gỗ và đá granit.
2. Bioclimatic Dwelling ở Tenerife / Ruiz Larrea y Asociados
Với định hướng và vật chất tối ưu, ngôi nhà “bioclimatic” này nằm trong cảnh quan bất thường của quần đảo Canary – được hình thành bởi các vụ phun trào núi lửa. Ngôi nhà phải tự bảo vệ mình khỏi áp lực gió rất mạnh đồng thời tận dụng nó như một nguồn tài nguyên tái tạo. Do đó, thiết kế cần phải đảm bảo tính linh hoạt và kết nối với môi trường để biến điểm bất lợi thành thuận lợi từ các nguồn năng lượng tự nhiên.
3. The Houl / Simon Winstanley Architects
The Houl là ngôi nhà đương đại của Anh quốc, được đánh giá là “không carbon” vì đáp ứng các tiêu chuẩn và yếu tố bền vững như: mức độ cách nhiệt cao, hệ thống thông gió thu hồi nhiệt trong toàn bộ tòa nhà, có máy bơm nhiệt nguồn không khí và tuabin gió. Giống như các dự án khác, The Houl tận dụng sức gió hiện có ở thị trấn Castle Douglas để tạo ra điện. Hơn nữa, thông qua cách sắp xếp không gian và kiến trúc, như độ nghiêng của mái và việc sử dụng các cửa sổ lớn, dự án đã tận dụng được những đặc tính độc đáo của cảnh quan.
4. House 2.0 / FARO Architecten
House 2.0 là một ngôi nhà rộng 230m2 nằm ngay trong thành phố Amsterdam. Mặc dù ngôi nhà có giá trị kiến trúc cao nhưng sự độc đáo của nó nằm ở năng lượng trung tính và giảm 100% CO2, cho thấy thiết bị tạo ra năng lượng gió có thể tồn tại bền vững ngay cả trong bối cảnh đông dân cư. Việc giảm thiểu tác động đến môi trường đạt được bằng cách biến ngôi nhà thành nhà thụ động, bao gồm giá trị cách nhiệt Rc = 10 với kính ba lớp, các mối nối chống thấm 100% và bộ trao đổi nhiệt. Năng lượng điện được tạo ra cùng nhau bởi các tế bào quang điện và một cối xay gió được lắp trên mái nhà.
5. Sustainable Residence / Studio 804
Nhà ở bền vững này được định hình là mô hình cư trú hiện đại và bền vững trong vùng lân cận của lõi đô thị Kansas City. Công trình làm bằng gỗ, được xếp vào hạng nhà LEED Platinum (một trong những chứng nhận công trình xanh), nổi bật với việc tìm kiếm các giải pháp bền vững trong suốt quá trình thiết kế từ xây dựng đến vận hành. Trong suốt quá trình thiết kế, các vật liệu địa phương có hàm lượng tái chế, tái sử dụng và sản xuất cao đã được sử dụng, cho phép xây dựng một ngôi nhà tiền chế.
Tương tự như vậy, nhu cầu năng lượng của ngôi nhà được giảm bớt thông qua việc thực hiện các phương tiện năng lượng tái tạo, sử dụng các tấm pin mặt trời quang điện và tuabin gió. Các yếu tố khác có giá trị môi trường trong nhà bao gồm phụ kiện van lưu lượng thấp, hệ thống thu hồi nước mưa, máy bơm nhiệt địa nhiệt, quạt thu hồi năng lượng và hệ thống HVAC hiệu quả cao.
6. Østerild Visitors and Operation Center / Cubo Arkitekter
Dự án này nằm trong Vườn quốc gia Thy ở Đan Mạch, bao gồm một trung tâm nghiên cứu và công nghệ, cho phép công chúng tìm hiểu về lĩnh vực năng lượng gió bằng cách trưng bày các dự án bền vững khác nhau. Ngoài ra, đây còn là khu vực nghiên cứu về tuabin gió. Du khách có thể hình dung các cấu trúc khổng lồ và nắm được cơ chế hoạt động của chúng. Điểm nổi bật nữa trong thiết kế là tác động tối thiểu vào môi trường, thích ứng với sự tuyến tính của cảnh quan.
7. Summer House / DDAANN
Ngôi nhà rộng 176 m2 này nằm trên một cánh đồng ở Trung tâm Bohemia, Cộng hòa Séc. Là một ngôi nhà nghỉ dưỡng, công trình tạo nên không gian gặp gỡ cho cả 3 thế hệ, bao gồm 3 không gian riêng cho mỗi thế hệ và một không gian tụ họp chung. Hòa mình giữa thiên nhiên, Summer House tự duy trì nhờ vào năng lượng sạch từ gió, cư dân còn có thể tự trồng thực phẩm ngay tại nơi thư thái này.
8. Luminary Inspiration Center / Archiproba
Luminaria là trung tâm giáo dục nằm ở làng Khryug ở miền Nam Dagestan nhằm mục đích tăng cường khả năng tiếp cận công nghệ cho người dân địa phương. Dự án mong muốn tạo nên điểm đến trung tâm cho dân cư quanh đây, bao gồm các không gian chức năng như thư viện, phòng ở, phòng thí nghiệm, rạp chiếu phim và xưởng làm việc giữa khung cảnh đầy kích thích. Ngoài mạng lưới cơ sở hạ tầng khổng lồ gồm các phòng, còn có một khu vườn chứa tuabin gió, không chỉ sản xuất năng lượng mà còn có chức năng như yếu tố giáo dục cho trẻ em mô hình tuabin gió và nhà máy điện mặt trời trong phòng thí nghiệm.
Biên dịch | Vũ Hương (Nguồn: Archdaily)
XEM THÊM
- Trung tâm đổi mới INES (Chile): Từ ứng dụng hình học đến sáng tạo kiến trúc phi thường
- Villa 50 – 50: Mở ra những khoảng trời | Studioninedots
- Lacasa Villa – Khoảng không gian trầm ấm | Baris Arch