Chủ đề của Ngày Định cư Thế giới năm nay là Quản Lý Chất Thải Rắn Đô Thị. Theo ước tính năm 2010, mỗi người trên thế giới thải ra 0.8kg rác thải mỗi ngày. Và cũng theo dự đoán, lượng rác thải ra môi trường sẽ tăng gấp 3 lần lên 5.9 tỷ tấn mỗi năm vào năm 2025, do gia tăng tiêu dùng và các chiến lược quản lý không hiệu quả. Các thành phố thường chi một phần lớn ngân sách của họ vào mục tiêu Quản lý Chất thải rắn đô thị – nên là ưu tiên hàng đầu của người dân, thành phố, chính trung ương và địa phương. Các thành phố cần phấn đấu trở thành “Thành phố Khôn ngoan với rác thải”
Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), Thoả thuận Paris và Chương trình Nghị sự Đô thị mới sẽ giải quyết những vấn đề chính về quản lý chất thải rắn. Mục tiêu 11.6 của SDG bao gồm giảm tác động bất lợi đối với môi trường tính trên đầu người của các thành phố, bao gồm tập trung vào yếu tố chất lượng không khí, quản lý rác thải đô thị và chất thải khác với nội dung 11.6.1 bao gồm tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom thường xuyên và xử lý một cách đầy đủ trước khi thải ra trên tổng chất thải rắn đô thị.
Chương trình Nghị sự Đô thị mới đưa ra cam kết về “quản lý theo hướng thân thiện môi trường và giảm thiếu tất cả các loại rác thải”. Trong khuôn khổ Thoả thuận Paris, Đóng góp do các Quốc gia tự quyết định (NDCs) của nhiều quốc gia có bào gồm hành động quản lý rác thải để giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Để có thể chuyển đổi những cam kết chính quyền quốc gia sang các hành động thực tiễn và bền vững ở cấp địa phương, cần có hỗ trợ từ mạng lưới các tác nhân, cùng với sự chỉ đạo từ chính quyền địa phương để tận dụng tối đa các cơ hội hợp tác.
Đặt vấn đề
Các quốc gia đang phát triển thường có hệ thống quản lý rác thải không toàn diện, đó là hệ quả của việc thiếu nguồn tài chính, nhận thức chưa cao, hệ thống quản trị thiếu hiệu quả và những giải pháp ứng dụng công nghệ không phù hợp. Thu gom và xử lý chất thải rắn đô thị không hiệu quả gây ra ngập lụt cục bộ, ô nhiễm nguồn nước và việc chất thải tích tụ sẽ tạo thành nơi sinh sản cho côn trùng lây lan dịch bệnh. Việc thải rác ra biển và xói mòn đất tại các bãi rác ven biển là nguyên nhân góp phần gây ra tình trạng ô nhiễm biển. Việc đốt rác thải không kiểm soát làm gia tăng ô nhiễm không khí, trong khi hệ thống phương tiện vận chuyển rác thải và các địa điểm chôn lấp rác thải xuống cấp góp phần gây ra tình trạng phát thải khí nhà kính.
Các quốc gia có thu nhập cao thải ra nhiều rác hơn các quốc gia có thu nhập thấp (theo đầu người). Ở những khu vực đô thị hoá nhanh, các địa điểm thích hợp cho bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh đang trở nên khan hiếm do giá đất và sự phản đối ngày càng tăng của cộng đồng. Việc sử dụng rộng rãi các sản phẩm điện tử cũ dẫn đến tình trạng “buôn lậu rác thải”, rác thải điện tử từ các nước phát triển được chuyển sang bãi rác của các nước đang phát triển, với tiêu chuẩn môi trường và chi phí lao động thấp hơn.
Các bãi chôn lấp rác quản lý không hiệu quả gây ra nhiều rủi ro về sức khỏe, đặc biệt là những người thu gom rác không chính thức. Các rủi ro này bao gồm ô nhiễm không khí, chấn thương và sập bãi rác. Chỉ riêng năm 2017 đã có trên 130 người, chủ yếu là phụ nữ thiệt mạng trong vụ sập bãi rác ở châu Phi. Trẻ em cũng thường xuyên làm việc trong ngành nghề này, và bị tước đi cơ hội được đến trường.
Việc vận chuyển rác thải xuyên biên giới là một cách để lách luật môi trường liên quan đến xử lý rác thải, và điều này cần phải được hạn chế. Mặc dù hệ thống tái chế rác thải có thể chưa sẵn có tại địa phương, tuy nhiên cần có những nỗ lực để xây dựng các hệ thống đó.
Các đô thị thường dành tới 70% ngân sách cho quản lý rác thải, bao gồm quét rác trên đường phố…Ngoài chi phí đầu tư cho trang thiết bị đắt đỏ, cũng cần rất nhiều nhân sự. Chất lượng hệ thống quản lý rác thải ở thành phố được sử dụng làm thước đo để đánh giá hiệu quả quản lý đô thị. Tuy nhiên, đầu tư của chính quyền trong quản lý chất thải rắn còn thấp so với các lĩnh vực khác, ví dụ như nước và vệ sinh môi trường. Khó khăn chính đến từ việc cung cấp một hệ thống tính phí công bằng. Ngoài ra, quản lý chất thải rắn không phải là ưu tiên của các tổ chức tài chính phát triển. Năm 2012, chỉ có 0,32% nguồn tài chính phát triển toàn cầu là dành cho quản lý chất thải rắn, trong khi nước và vệ sinh môi trường chiếm 31%. Châu Phi là khu vực nhận được ít đầu tư nhất, nếu so với khu vực Mỹ Latinh và châu Á
Giải pháp
Xu hướng tiêu dùng, sản xuất, vòng đời sản xuất sản phẩm, hành vi công chúng, hệ thống quản trị đô thị, năng lực của lãnh đạo thành phố và các mô hình tài chính sáng tạo đều là một phần giải pháp quản lý chất thải rắn. Ngoài ra, sự tham gia một cách minh bạch, hợp pháp của các chủ thể, bao gồm bên phát thải, bên tái chế và bên thu gom cũng là một yếu tố quan trọng. Lồng ghép tái chế rác thải phi chính thức trong nền kinh tế, kết hợp với đảm bảo sức khỏe và tính mạng cho người thu gom rác thải sẽ tạo nên thay đổi cho công việc phi chính thức và nguy hiểm này. Xây dựng thị trường cho các sản phẩm sáng tạo, hấp dẫn được làm từ rác thải sẽ góp phần lồng ghép ngành rác thải phi chính thức vào trong nền kinh tế.
Mỗi đô thị có nhu cầu và phương pháp tiếp cận khác nhau trong vấn đề quản lý rác thải. Nhận thức rõ vấn đề này, UN-Habitat đề xuất xây dựng giải pháp dựa trên nguồn lực, thế mạnh của mỗi đô thị, bất kể là chính thức, phi chính thức hay là doanh nghiệp quy mô nhỏ. Xây dựng mạng lưới chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn tốt sẽ giúp các thành phố học hỏi được lẫn nhau.
Do đó, UN-Habitat thúc đẩy “Khung quản lý Chất thải rắn Tổng hợp”, bao gồm: dịch vụ thu gom rác thải; bảo vệ môi trường thông qua xử lý, thải rác hiệu quả, kết hợp với quản lý tài nguyên; các giải pháp hiệu quả về mặt chi phí, giá rẻ và hòa nhập, công nhận vai trò của khu vực phi chính thức và doanh nghiệp quy mô nhỏ trong mục tiêu hướng tới tỷ lệ tái chế cao.
Các thành phố phải tìm ra được phương pháp chuyển đổi giá trị gia tăng từ đất đai để hướng tới quản lý rác thải tốt hơn. Ví dụ, thành phố có thể đánh giá chi phí thực tế từ cung cấp dịch vụ thu gom rác thải cho các khu dân cư thu nhập cao, mật độ thấp, có tính đến số lượng các bãi chôn lấp cần có để chứa hết lượng rác thải từ khu vực này, sau đó tính phí trên mỗi hộ gia đình dựa trên lượng rác thải thu gom. Một số thành phố có áp dụng biện pháp cải tạo đất đai thông qua xử lý các bãi chôn lấp rác thải, hay tận dụng các khu mỏ bị bỏ hoang thành bãi chôn rác, đây là nhưng giải pháp tiềm năng có thể nghiên cứu và nhân rộng trong tương lai.
Vì những thành phố xanh trong tương lai.
Các hoạt động giáo dục và nâng cao nhận thức đóng vai trò quan trọng, chính quyền địa phương có thể phối hợp với các tổ chức xã hội hay các nhóm vận động chính sách để thực hiện hoạt động nâng cao nhận thức trong trường học. Các nhà sản xuất cần cải thiện quy trình sản xuất bao bì để giảm thiểu lượng rác thải phát sinh, giúp cho việc tái chế rác thải bao bì dễ dàng hơn.
Chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm giữa các quốc gia, thành phố sẽ đem lại giá trị gia tăng.
Dưới đây là một ví dụ điển hình:
Diễn đàn Thành phố Sạch Châu Phi và Dự án Con đường Đô thị Diễn đàn Thành phố Sạch châu Phi (ACCP) là một nền tảng chia sẻ kiến thức và thúc đẩy Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) về quản lý rác thải ở châu Phi, với mục tiêu giúp các quốc gia châu Phi hiện thực hóa mục tiêu thành phố sạch và lành mạnh. Diễn đàn được thành lập vào tháng 04/2017, phối hợp với Bộ Môi trường Nhật Bản, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat) và thành phố Yokohama của Nhật Bản, hiện tại, Diễn đàn có 60 thành viên, là 60 thành phố tại 31 quốc gia của châu Phi. Tại cuộc họp thường niên đầu tiên của ACCP tổ chức tại Maroc vào tháng 06/2018, 32 quốc gia và 48 thành phố đã trình bày các vấn đề của mình về quản lý rác thải đô thi và thảo luận các chiến lược, giải pháp và các dự án tiềm năng. Cuộc họp cũng có sự tham gia Ngân hàng Phát triển châu Phi và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản. UN-Habitat, với sự hỗ trợ của Sáng kiến Khí hậu Quốc tế, CHLB Đức, đang thực hiện Dự án “Con đường Đô thị: Dịch vụ Cacbon thấp cơ bản trong Chương trình Nghị sự Đô thị mới”. Dự án này sẽ hỗ trợ các quốc gia trong đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) và Thỏa thuận Paris. Nâng cao năng lực cho lãnh đạo thành phố, chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn giữa các thành phố là những hoạt động được kỳ vọng, hướng tới sự phát triển của một chuỗi các dự án, bao gồm dự án Quản lý Chất thải rắn và khôi phục tài nguyên.
Kêu gọi hành động – hướng tới “Thành phố Hiệu quả về Rác thải”
• Đô thị hóa và Tăng trưởng Kinh tế đang tạo ra một “quả bom nổ chậm” về quản lý rác thải kém hiệu quả. Nếu không được giải quyết, ngoài vấn đề chi phí, quốc gia sẽ phải đối mặt với tác động lớn lên sức khỏe con người và môi trường; • Các thành phố, bất kể quy mô, năng lực tài chính có thể cải thiện quản lý chất thải rắn, hướng tới “Thành phố Hiệu quả về Rác thải”. Giảm thiểu chi phí vận hành, đồng thời giảm đến mức tối thiểu các tác động tiêu cực lên sức khỏe con người và môi trường; • Các thành phố, chính quyền quốc gia nên trao quyền và làm việc với các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ; • Các thành phố nên học hỏi kinh nghiệm, xem xét một cách cẩn thận các giải pháp công nghệ đang được thực hiện tại các thành phố khác; • Các thành phố nên xây dựng kế hoạch chiến lược đô thị hóa dài hạn, có xem xét đến thải và xử lý rác (bao gồm tái chế), và phân bổ đầy đủ không gian dành cho các bãi chôn lấp hợp vệ sinh trong tương lai; • Các thành phố và chính quyền quốc gia cần xây dựng các cơ chế tài chính, các cơ chế khuyến khích giúp thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn hơn, nền kinh tế dựa trên sử dụng, tái chế và tái sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả, như đã đề cập trong Mục tiêu 12.5 trong SDG về giảm phát thải rác thông qua phòng ngừa, giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng; • Trong tương lai, UN-Habitat sẽ tiếp tục đối thoại về quản lý chất thải rắn với các thành phố, các ngành và khu vực tư nhân, vượt trên khuôn khổ Ngày Định cư Thế giới. Đối thoại sẽ bao gồm xác định phương pháp làm việc với các tổ chức Liên Hợp Quốc trong việc tạo ra một nền tảng chung về quản lý rác thải đô thị, truyền tải thông điệp cho Chính quyền thông qua Đối thoại Chính sách và Hỗ trợ Kỹ thuật từ các dự án cụ thể.
BT: Duc Anh.