Tôi sinh ra trong một gia đình khá giả, bố mẹ làm kinh doanh hàng ăn. Chính vì thế, từ nhỏ tôi đã được bố mẹ dạy nhiều về cách chi tiêu. Sau này, tôi hoạch toán thu chi hàng tháng đâu ra đấy, khoản nào cần chi thì tôi không tiếc nhưng hiếm khi ngẫu hứng thấy thích nên nhích.
Sau này, tôi học tài chính và đang làm cho 1 công ty nước ngoài với mức lương khá cao. Tuy thế, cái tính sòng phẳng hơi quá đà của tôi vẫn chẳng bỏ được. Mỗi lần đi ăn thì tôi bảo share đều cho dễ chơi. Tôi không có quá nhiều đồ nhưng món nào món nấy đều đáng tiền và hay sử dụng. Và không ít người nghĩ tôi chỉ bình thường thôi.
Chính vì thế, khi gặp Thắng anh không hề hay biết tôi là con nhà giàu. Chúng tôi yêu nhau mấy tháng, thậm chí tới khi về ra mắt anh mới ngỡ ngàng: "Nhà em giàu thế? Anh tưởng hàng ăn nhà em cũng vỉa hè be bé..."
Tôi bật cười ha hả vì sự ngây thơ của Thắng, nhưng rồi cũng giải thích thêm: "Nhà em giàu chẳng quan trọng. Bởi vì tính em thì anh biết đấy, em không nhận 1 đồng nào từ bố mẹ, tiền em làm ra, em tiêu thôi!"
Bố mẹ tôi thấy Thắng là chàng trai cũng tốt tính, có tài, lại điển trai nên không phản đối. Còn bố mẹ Thắng, họ ở quê nên khi nghe tôi là con gái Hà Nội cũng khá niềm nở. Và đám cưới của chúng tôi diễn ra 7 tháng yêu.
(Ảnh minh họa)
Khi yêu hay cưới, tôi vẫn luôn ăn mặc khá đơn giản. Nhất là khi phải về quê chồng, tôi lại cố gắng giản dị nhất có thể vì nghĩ phải phụ giúp bố mẹ chồng lau dọn nhà cửa, bếp núc, vườn tược. Bố mẹ chồng tôi khá hiền, vì thế họ chẳng ý kiến gì, thậm chí lúc nào cũng vui vẻ và niềm nở với con dâu.
Nhưng mọi chuyện lại đến từ những bà cô, ông chú 2 bên họ hàng. Hôm vừa rồi, nhân ngày giỗ của bà nội Thắng nên chúng tôi cùng về. Do được mẹ chồng dặn dò, tôi chuẩn bị 1 bộ quần áo thoải mái, rộng rãi tiện cho làm việc.
Vậy mà khi họ hàng, khách khứa tới, tôi mới nhận ra các cô gái trẻ ở quê giờ sành điệu hơn tôi rất nhiều. Họ make-up lồng lộn, quần quần áo áo chẳng khác gì đi trình diễn thời trang. Và giữa 1 đám gái trẻ, tôi là đứa xuề xòa nhất đương nhiên thường xuyên bị sai vặt. Đã luôn chân luôn tay thì chớ, tôi còn nghe được những lời bàn tán, dè bỉu. Đại loại là: "Thằng Thắng đẹp trai thế mà lấy cô vợ chẳng ra sao", "Tưởng gái phố thế nào, còn không bằng gái quê mình", "Có mỗi hôm cưới xinh", "Ôi giời, thủ đô cũng có dăm bảy loại thủ đô, đầy người ngoại thành nhà bé tí tẹo, nghèo đói gấp vạn lần mình"...
Tôi tức lắm rồi, nhưng vì cứ hễ thấy tôi là họ im lặng. Chẳng lẽ tôi lại ra đó bù lu bù loa thì cũng không hay. Tuy nhiên, tới lúc ăn xong, mấy chị em trẻ tuổi như tôi lẩn mất tăm, còn mình tôi phải rửa bát. Tôi đã bực lắm rồi, mở cửa phòng ngủ tìm thì thấy họ đang túm tụm nói xấu mình.
Mọi thứ dồn lại, tôi ức chế nên đáp trả: "Các chị nhìn bộ quần áo để đánh giá 1 con người thì các chị còn ngây ngô lắm đấy ạ. Mà nhìn còn không biết đồ của em là hàng hiệu, giá trị bao nhiêu thì chứng tỏ các chị cũng chẳng sành điệu lắm! Em nói mọi người nghe nè, em giàu cũng được, nghèo cũng xong, em hưởng. Nhưng việc rửa bát là của chung, mọi người ra phụ em đi!"
Tôi nói xong khiến ai nấy tức lộn ruột. Nhưng thay vì cãi vã, họ nhìn tôi chằm chằm như thể dò xét xem đúng tôi đang diện hàng hiệu hay không. Đúng lúc đó, mẹ chồng tôi vào thì họ mới bật dậy đi làm. Cộng thêm nghe bà xác nhận về nghề nghiệp, gia cảnh của tôi, ai nấy rối rít xin lỗi vì đã có thái độ không đúng mực.