Louise Harvey (36 tuổi) là một bà mẹ trẻ sống ở thành phố Norwich (Anh). Cô không may đã qua đời vào ngày mùng 5/7 năm ngoái sau khi trải qua ca phẫu thuật kép tại một viện thẩm mỹ ở thủ đô London.
Louise Harvey (36 tuổi)
Một cuộc điều tra về cái chết của Louise diễn ra ngay sau đó và kết quả cho biết, cô qua đời vì chứng thuyên tắc phổi do xuất hiện cục máu đông trong các mạch máu ở phổi. Cảnh sát đã hỏi trực tiếp mẹ của Louise về ca phẫu thuật cô thực hiện trước đó. Mẹ của Louise - bà Linda Harvey (53 tuổi) cho hay, con gái bà đã làm một ca phẫu thuật kép gồm nâng ngực và loại bỏ da thừa dưới vùng bụng. Do nghe lời quảng cáo nếu thực hiện 2 cuộc phẫu thuật cùng nhau sẽ được cắt giảm chi phí nên con gái bà đã ký cam kết đồng ý.
Tuy nhiên, điều đáng nói là gia đình nhà bà Linda có tiền sử mắc bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu (có thể dẫn đến biến chứng thuyên tắc phổi) nhưng con gái bà vẫn tin tưởng thực hiện vì nghĩ không có vấn đề gì cho sức khỏe của bản thân. Gần 2 tuần sau ca phẫu thuật kép giá rẻ, Louise cảm thấy khó thở, mệt mỏi đến nỗi phải nằm liệt giường tại nhà. Sau đó, cô được đưa tới bệnh viện nhưng không qua khỏi.
Bà Linda cho biết, theo thông tin trên toa thuốc của Louise, con gái bà được kê thuốc chống đông máu sau ca phẫu thuật 4 tiếng nhưng thực tế phải sau 8 tiếng cô mới nhận được thuốc. "Tôi muốn đòi lại công lý cho con gái mình. Họ nói rằng sẽ không có vấn đề gì nếu vẫn song hanh việc tập luyện sau khi ca phẫu thuật kết thúc. Họ nói rằng con tôi sẽ không có chuyện phải vào phòng gây mê lần thứ 2.
Con gái tôi thường đến phòng tập để loại bỏ lớp mỡ bụng dư thừa và lấy lại vóc dáng gọn gàng sau khi sinh con lần thứ 3. Thế rồi, nó phải trả giá quá đắt sau khi thực hiện ca phẫu thuật này" - mẹ Louise cho hay.
Mối nguy hại tiềm ẩn khi thực hiện phẫu thuật nâng ngực ở những nơi thiếu uy tín
Theo ông Naveen Cavale (chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ và là thành viên của BAAPS) cho biết, hầu hết các tác dụng phụ của những ca phẫu thuật kép sẽ đến từ chính thuốc gây mê như làm chảy máu trong (loãng máu), nhiễm trùng, các vấn đề về thương tích... thay vì những gì bạn được ghép lên người.
Đặc biệt, vị chuyên gia này cũng chia sẻ thêm, trước khi nâng ngực cần phải khai báo đầy đủ tiền sử bệnh lý của bản thân. Nếu giấu giếm bệnh sẽ vô cùng nguy hiểm cho tính mạng. Không riêng gì Louise Harvey, đã có rất nhiều trường hợp tử vong sau phẫu thuật do mắc bệnh về tim mạch, huyết áp cao, sử dụng thuốc tê, thuốc gây mê... gặp phải biến chứng.
Trong quá trình gây tê, nếu không thử thuốc trước sẽ tiềm ẩn nguy cơ bị sốc phản vệ. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo trước khi đi phẫu thuật, hãy lựa chọn những bệnh viện lớn, cơ sở phẫu thuật cung cấp đầy đủ trang thiết bị và có đội ngũ bác sĩ với bằng cấp uy tín.
Theo NHS, bất kỳ loại phẫu thuật nào cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ gây chảy máu trong, phản ứng dị ứng với thuốc mê, xuất hiện cục máu đông ở các khối tĩnh mạch sâu... Bên cạnh đó, NHS cũng cảnh báo mối liên hệ giữa nâng ngực và một loại ung thư tế bào hệ miễn dịch hiếm gặp (ung thư hạch tế bào lớn anaplastic) có thể xảy ra.
Source (Nguồn): Dailymail, Mirror, BBC