Tôi và anh trai cách nhau 5 tuổi, từ nhỏ đã không hợp nhau. Anh tôi tính nóng nảy, ưa thể hiện, còn tôi thì trầm tính, ít nói. Nhiều lần cãi nhau, đánh lộn, mẹ phải đứng ra can ngăn. Có lần hai anh em giành nhau chiếc điều khiển tivi, anh ấy nóng lên ném thẳng chiếc điều khiển vào đầu tôi, trán tôi rách một đường dài, máu chảy đầm đìa. Mẹ hốt hoảng bế tôi đi viện, suốt đường cứ lẩm bẩm: "Lớn lên phải biết thương yêu nhau, đừng để mẹ phải lo lắng thế này nữa".

Nhưng tính anh trai vẫn không thay đổi, càng lớn càng bướng bỉnh. Khi tôi lên cấp 2, anh học cấp 3, hai anh em gần như không nói chuyện với nhau nữa, gặp nhau là lạnh mặt, thậm chí né tránh nhau. Mẹ thấy vậy thì buồn lắm, nhiều đêm tôi nghe tiếng mẹ thở dài trong bếp, chốc chốc lại mở cửa phòng tôi, nhìn vào rồi lặng lẽ quay đi.

Khi anh tôi lên đại học, một lần, anh đưa bạn gái về nhà chơi, nhưng đúng lúc ấy tôi cũng dẫn bạn về ôn bài. Hai nhóm vô tình gặp nhau trong phòng khách, chật chội, nóng nực. Anh khó chịu, nói tôi cản trở không gian riêng tư của anh, hai bên lời qua tiếng lại, cuối cùng anh đẩy mạnh tôi ngã dúi dụi vào góc bàn. Tôi vừa đau, vừa xấu hổ với bạn bè nên đã quát lại anh một câu rồi khóc òa lên, bỏ chạy khỏi nhà, đến tận giờ cơm tôi mới về.

Sau lần đó, tôi cũng chẳng còn muốn nhìn mặt anh. Nhưng rồi chuyện không ngờ xảy ra vào một buổi chiều mùa đông, khi tôi đang trên đường về nhà từ trường học. Một nhóm thanh niên lạ mặt bất ngờ chặn đường, xông vào đánh tôi tới tấp. Tôi không hiểu chuyện gì xảy ra, chỉ kịp nghe loáng thoáng một thằng trong nhóm quát lớn: "Thằng anh mày gây chuyện với đại ca bọn tao, giờ mày phải trả giá". Tôi cố vùng vẫy, nhưng bị bọn chúng đấm đá tới tấp, cả người ê ẩm, mắt mờ dần vì máu chảy xuống từ trán.

Đúng lúc tôi tưởng mình không thể chịu nổi nữa, bỗng một giọng quát vang lên: "Chúng mày dừng lại ngay". Anh trai tôi lao tới như một cơn lốc, hất tung 2 thằng đang đánh tôi, đấm mạnh vào mặt tên cầm đầu, rồi đứng chắn trước mặt tôi, gào lên: "Đứa nào dám đụng đến em tao, nay tao liều chết với chúng mày".

Lần đầu tiên trong đời tôi thấy anh trai dữ dội như thế, đôi mắt anh đỏ ngầu, hai tay siết chặt như sẵn sàng liều mạng. Nhóm thanh niên kia có vẻ bất ngờ trước sự quyết liệt của anh, chần chừ vài giây rồi lùi lại, mắng vài câu rồi kéo nhau bỏ đi.

Anh trai quay lại, đỡ tôi dậy, giọng khàn khàn: "Có sao không? Chảy máu rồi, có choáng không?". Tôi gật đầu, không nói được lời nào, mắt mờ đi không biết vì đau hay vì cảm xúc dồn nén bấy lâu nay. Anh đỡ tôi lên xe rồi chở về.

314-17467657895881060483774-1746847019482-1746847019578885524163-1746879816384-17468798164461079914187.jpg

Ảnh minh họa

Sau buổi tối ấy, tôi thấy anh ít cáu gắt hơn, đôi lúc còn chủ động hỏi han tôi, dù giọng điệu vẫn cộc cằn. Mấy tháng sau, tôi bị tai nạn xe, gãy chân phải nằm viện cả tháng. Anh trai là người đầu tiên lao vào phòng cấp cứu, mặt tái mét. Suốt một tháng sau đó, anh xin nghỉ học, ở lại viện chăm tôi từng bữa cơm, từng cốc nước.

Mùa xuân năm thứ 3 tôi học đại học thì mẹ ốm nặng. Anh trai và chị dâu thay nhau chăm sóc mẹ, tôi chỉ có thể về nhà vào cuối tuần. Có một lần, mẹ gọi cả 2 anh em vào cạnh giường, bà kể lại từng chuyện thời chúng tôi còn bé, cùng mẹ đi chợ, cùng nhau bốc thăm mua quà vặt, rồi những lần đắp chăn chung khi mất điện, cả những ngày rét cắt da cắt thịt mà hai anh em thay nhau xoa dầu cho nhau khi ốm. Mẹ kể chậm rãi, giọng nghèn nghẹn, mắt đỏ hoe. Cuối cùng, mẹ nhìn thẳng vào mắt chúng tôi: "Mẹ chỉ mong hai đứa biết thương nhau, đùm bọc nhau mà sống, đừng để mẹ phải lo lắng thêm nữa".

Một thời gian ngắn sau thì mẹ mất, mẹ để lại một lá thư dưới gối, chữ run run nhưng ý tứ rõ ràng: "Mẹ không để lại tài sản gì nhiều, chỉ mong hai con luôn nương tựa, bảo ban nhau mà sống. Đừng vì những tranh chấp nhỏ nhặt mà xa cách, mẹ sẽ mãi dõi theo các con, như những ngày còn bên nhau".

Đọc xong lá thư ấy, tôi và anh trai lặng lẽ nhìn nhau, rồi cùng quỳ trước bàn thờ mẹ.

Giờ đây, anh em tôi đều có cuộc sống riêng nhưng Tết năm nào, anh em tôi cũng sẽ cùng nhau ra viếng mộ mẹ và ngồi lại với nhau 1 ngày, ăn cơm, trò chuyện, hỏi han. Chính nhờ sự cơ trí của mẹ mà chúng tôi mới đoàn kết, thương yêu nhau được như thế!

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022