Khói hương cũng có thể gây hại cho sức khỏe
Thắp hương trên bàn thờ gia tiên đã là tập quán lâu đời của người Việt mang ý nghĩa bày tỏ thành kính với tổ tiên. Tuy nhiên, nhiều người không biết rằng khói hương cũng có thể gây hại cho sức khỏe.
Một nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Công nghệ Nam Trung Quốc chia sẻ: Mọi người cần phải có nhận thức về các rủi ro sức khỏe liên quan đến việc đốt nhang trong môi trường trong nhà.
Mâm cúng ông Công ông Táo của người Việt. Ảnh minh họa
Các chuyên gia đã thử nghiệm hương thơm từ trầm hương và gỗ đàn hương, đây đều là những thành phần phổ biến nhất thường được sử dụng để làm ra sản phẩm này. Các thử nghiệm trên động vật cho thấy khói hương có chứa các đặc tính hóa học, có khả năng thay đổi vật liệu di truyền như DNA và do đó gây đột biến. Thậm chí, khói hương còn gây độc tế bào, gây độc gen còn nhiều hơn thuốc lá.
Các chất gây đột biến, độc tố gen và tế bào này đều có liên quan đến sự phát triển của bệnh ung thư. Tổng hợp lại, các nhà nghiên cứu cho thấy những mẫu khói nhang được tìm hiểu đều chứa 64 hợp chất. Mặc dù một số loại hương chỉ chứa chất gây kích ứng hoặc chỉ có hại nhẹ, nhưng có tới 2 mẫu hương được nghiên cứu chứa độc tính cao. Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí của Springer.
Trả lời về mức độ nguy hiểm của khói nhang trên truyền thông, bác sĩ Hoàng Xuân Đại (chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế) đã chia sẻ như sau: Hiện tại, chưa có nhiều công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của khói nhang tới sức khỏe con người nhưng thực tế cho thấy nó có những tác động nhất định.
Đã có nhiều người cảm thấy cay mắt, choáng váng, khó thở, nhức đầu khi tiếp xúc với khói nhang. Thậm chí, nếu liên tục tiếp xúc với khói nhang, mọi người có thể chịu tổn thương về da, hệ hô hấp, hệ thần kinh...
Ảnh minh họa
Vị bác sĩ chia sẻ, dù khói nhang không chứa nicotin như thuốc lá nhưng lại chứa chất rất độc là carbon dioxide. Đáng nói, carbon dioxide kết hợp với hương liệu hóa chất tẩm ướp tạo mùi cho nhang là benzen thì sẽ sản sinh ra một số chất mà về lâu dài có khả năng gây ung thư.
Độc tố của khói nhang sẽ càng nghiêm trọng hơn nếu đó là loại nhang tẩm hóa chất, không rõ nguồn gốc. Theo bác sĩ Đại, những loại nhang sử dụng nguyên liệu là gỗ trầm, quế... thì sẽ ít gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên ngày nay các nguyên liệu này ngày càng khan hiếm, do đó các cơ sở sản xuất đã sử dụng hóa chất để tạo mùi hương, gây nguy hiểm cho cơ thể.
Tại Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai cũng từng tiếp nhận các bệnh nhân bị hen dị ứng, dấu hiệu khó thở, chóng mặt, buồn nôn... do tiếp xúc quá lâu với khói nhang.
Ngày Tết nên thắp hương thế nào để không gây hại cho sức khỏe?
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn (khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) cho biết, dù có nhiều nghiên cứu cho thấy khói nhang gây độc thế nhưng chất độc không quá nghiêm trọng. Nhang nếu mua được các sản phẩm chất lượng tốt, làm từ gỗ trầm, quế, hương bài, long não... thì không gây hại, bởi theo Đông y thì đây là các vị thuốc tạo cảm giác thư thái. Tốt nhất là người dân nên tìm mua nhang ở những cơ sở uy tín.
Ảnh minh họa
Ngoài ra, trong lúc đốt nhang mà cảm thấy dấu hiệu ho, sặc, khó thở, cay mắt... thì nên thoát khỏi khu vực đó càng sớm càng tốt.
Khi thắp nhang, các gia đình phải luôn mở cửa thoáng để khói không bị tụ lại một chỗ.
Lưu ý rằng không nên thiết kế nơi đốt nhang gần chỗ có người ngủ, nghỉ. Chỉ nên thắp 1-3 cây nhang/ngày.
Trẻ em và người có bệnh về hô hấp, có cơ địa dị ứng nên tránh tiếp xúc với khói nhang.