Tôi là Thùy, 33 tuổi, lấy chồng xa từ năm 25. Cũng không phải xa xôi gì, chỉ cách nhà khoảng hơn trăm cây số, nhưng với mẹ tôi, có lẽ khoảng cách đó đủ để bà "quên" mất tôi là con gái ruột của mình.
Gia đình tôi có hai anh em, tôi là chị cả, còn em trai tôi tên Vũ – nhỏ hơn tôi 4 tuổi, nghề nghiệp thì nay làm mai nghỉ, tháng này kiếm được năm triệu thì tháng sau lại thất nghiệp, quanh năm chạy xe ôm, giao hàng linh tinh. Ấy vậy mà bố mẹ tôi, đặc biệt là mẹ, thương Vũ như thể bà "mắc nợ" Vũ vậy.
Từ hồi tôi đi lấy chồng, tháng nào cũng gửi tiền về cho mẹ. Lúc thì 5 triệu, lúc thì 10 triệu, tuỳ khi chồng có công trình nhiều hay ít. Ban đầu tôi chỉ nghĩ đơn giản bố mẹ già rồi, mình là con, có điều kiện hơn thì phụ giúp một chút. Nhưng càng ngày tôi càng nhận ra tiền tôi gửi không dùng cho mẹ, mà là để… “nuôi” em trai tôi.
Lần gần nhất, mẹ gọi điện cho tôi, giọng hào hứng lắm: "Vũ nó thích cái xe tay ga ấy con, có 40 triệu thôi, mẹ đã gom được 20 rồi. Con cho mẹ xin thêm 20 triệu nữa để mẹ mua cho em nó".
Tôi im lặng một lúc rồi nói nhẹ nhàng: "Mẹ ơi, con vừa đóng học cho bé Bin, chỗ bếp nhà con cũng vừa sửa lại mất hơn 50 triệu, giờ con không xoay đâu ra được 20 triệu nữa đâu mẹ".
Bên kia đầu dây, mẹ tôi thở dài rõ to, rồi cụp giọng hẳn: "Ừ… thôi… mẹ biết thân biết phận rồi… có con trai mà cũng không lo được cho nó cái xe cho bằng bạn bằng bè".

Ảnh minh họa
Tôi tắt máy mà nghẹn cổ họng. Tôi là con gái, có chồng rồi, lo cho gia đình riêng là chuyện hiển nhiên, nhưng chưa bao giờ tôi quay lưng với nhà đẻ, vẫn cố gắng gửi tiền về báo hiếu bố mẹ. Chỉ là… đến lúc này, tôi không thể chấp nhận nổi sự thiên vị đến vô lý của mẹ.
Sau đó tôi có gọi điện cho mẹ vài lần nhưng bà đều bảo bận, không nghe máy được, chắc bà giận tôi. Bẵng đi nửa tháng thì bỗng mẹ gọi cho tôi báo tin bà bị ốm.
Nghe thế, tôi vội về thăm, mang theo túi lớn đồ ăn bổ dưỡng, nào tổ yến, hồng sâm, sữa bột, canxi, trái cây nhập khẩu... Tưởng mẹ mừng lắm, ai dè vừa thấy tôi đặt túi quà xuống, bà đã nói: "Thôi thôi, sao không để tiền ấy cho thằng Vũ mua xe? Mẹ ăn uống có bao nhiêu mà lại mua nhiều, tốn kém thế kia. Mang hết ra cửa hàng trả lại đi con, lấy tiền mà giúp em nó".
Tôi chết lặng.
Mẹ không biết những thứ tôi mua không đáng bao nhiêu so với tình cảm mà tôi muốn gửi gắm. Tôi về thăm mẹ, đi mấy tiếng đồng hồ trên xe, đứng chờ mua từng món cho vừa ý mẹ, để rồi nhận lại câu nói "để tiền cho thằng Vũ".

Ảnh minh họa
Tôi không trách em mình – nó sống như thế, tôi hiểu. Nhưng tôi không hiểu nổi mẹ. Từ bé đến lớn, tôi là đứa luôn cố gắng, luôn vâng lời, luôn chịu thiệt để em mình được phần hơn. Vậy mà đến giờ, tôi vẫn là "đứa con gái đi lấy chồng như bát nước hắt đi" trong mắt mẹ.
Tối hôm đó, tôi ngồi một mình ngoài sân, nghe tiếng mẹ ho khù khụ trong nhà mà nước mắt cứ trào ra. Tôi vẫn yêu mẹ, vẫn muốn chăm sóc mẹ, nhưng không biết phải làm sao để mẹ thấy được, rằng tôi cũng là con của mẹ. Rằng tôi cũng cần được công bằng. Rằng tình yêu thương không phải là dồn hết cho một người mà bỏ quên những người còn lại. Bố tôi thì cứ thở dài bảo tôi đừng giận mẹ, bà cũng vì thương Vũ quá nên mới như vậy.
Trên đường về lại nhà chồng, tôi suy nghĩ mãi. Tôi nên tiếp tục cố gắng làm một đứa con gái hiếu thảo nữa không, có nên tiếp tục gửi tiền về cho bố mẹ dù biết ông bà chẳng dám ăn tiêu, lại gom góp cho hết Vũ? Ông bà càng làm thế, Vũ càng ỷ lại và chẳng bao giờ tự đứng trên đôi chân của mình được.
Tôi không muốn buông bỏ, nhưng cũng chẳng biết nên níu giữ tình cảm gia đình ấy bằng cách nào nữa. Phải chăng, đôi khi người ta vẫn cứ phải học cách làm ngơ… để trái tim đỡ nhói?