Tôi đứng trước gương, nhìn kỹ từng đường nét trên khuôn mặt mình. Đôi mắt hơi sụp mí nhưng to và sáng, chiếc mũi không cao nhưng thẳng, đôi môi mỏng nhưng cân đối. "Mình đâu đến nỗi nào", tôi tự nhủ. Nhưng ngay lập tức, giọng nói chua chát của mẹ vang lên trong đầu: "Cái mặt xấu như thế mà cứ soi gương hoài!".
Bữa sáng nào cũng vậy, vừa ngồi vào bàn ăn là tôi lại được "thưởng thức" món đặc sản của mẹ - những lời chê bai. "Ăn uống thô lỗ thế! Con nhà người ta ăn uống tế nhị biết bao", mẹ nhăn mặt khi thấy tôi cầm đũa. Chiếc áo mới tôi mặc, mẹ liếc nhìn rồi bĩu môi: "Mặc vào trông như con nhà quê!".
Đến bữa trưa, khi tôi giúp mẹ dọn cơm, tiếng mắng lại vang lên: "Đồ hậu đậu! Cầm bát mà như suýt đánh rơi". Tối đến, lúc tôi ngồi học bài, mẹ đứng ở cửa lẩm bẩm: "Có học thì cũng chỉ đứng bét lớp, phí tiền đi học".
Tôi nhớ như in ngày nhận giấy khen học sinh giỏi năm lớp 5. Hồi hộp chạy về khoe mẹ, nào ngờ nhận được câu: "Lớp mày toàn đứa dốt nên mày mới được giỏi đấy thôi!". Tờ giấy khen ấy tôi giấu kỹ trong ngăn bàn, không dám treo lên tường như các bạn.
Lần khác, khi tôi mặc chiếc váy trắng đi dự lễ tốt nghiệp cấp 3, mẹ nhìn tôi từ đầu đến chân rồi thở dài: "Người béo phì nộn như mày mà mặc váy trắng trông không khác gì cái thùng phuy!". Cả buổi lễ hôm đó, tôi chỉ muốn thu mình lại, không dám đứng gần ai.
Đỉnh điểm là khi tôi bắt đầu đi làm. Một lần, sếp nam đưa tôi về nhà sau khi làm thêm giờ. Sáng hôm sau, mẹ gọi điện cho dì tôi: "Ôi dì ơi hôm qua tao nhìn thấy con Ly nó đi về với thằng nào già như bố nó luôn! Có khi lại cặp kè với thằng có vợ con, rồi thế nào cũng có ngày nó bôi tro trát trấu vào mặt mẹ nó". Tôi chết lặng khi nghe tin này lan truyền trong họ hàng.

Tôi cố gắng giải thích, nhưng mẹ cười nhạt: "Không có lửa làm sao có khói! Mày tử tế đàng hoàng thì ai nói đến mày". Kể từ đó, mỗi khi có ai đó nhắc đến công việc của tôi, mẹ lại nói: "Lương ba cọc ba đồng, nhưng giỏi la liếm các sếp!".
Thế nhưng sự thật là dù có dùng tất cả những lời lẽ cay nghiệt nhất với tôi nhưng bà chưa từng để tôi thiếu thốn thứ gì. Kể cả khi bố tôi bỏ nhà đi với nhân tình, bà ngày ngày nói những lời lẽ nghiệt ngã với tôi những vẫn nhịn ăn nhịn mặc để tôi học hành đàng hoàng, thậm chí là ăn ngon mặc đẹp.
Có lẽ mẹ không cố ý làm tổn thương tôi. Chỉ là bà không biết cách yêu thương nào khác ngoài những lời chì chiết. Mẹ nghĩ chê bai sẽ khiến tôi trở nên tốt hơn, mà không hiểu rằng nó đang dần giết chết lòng tự trọng của tôi.
Sau nhiều năm chịu đựng, tôi quyết định thay đổi. Tôi học cách lọc những lời nói của mẹ, chỉ tiếp nhận phần có ích. Tôi bắt đầu tự khen bản thân mỗi ngày. Tôi tìm đến bác sĩ tâm lý để giải tỏa những tổn thương của bản thân.
Tôi không biết rốt cuộc thì mẹ yêu hay ghét tôi nhưng tôi không bỏ được bà. Dù mỗi ngày bà đều nói với tôi những từ ngữ mạt sát, tổn thương ghê gớm, thì sự thật là mỗi ngày bà đang già đi và yếu đuối hơn. Tôi không thể bỏ bà khi bên cạnh bà chẳng còn có ai.
Giờ đây, mỗi khi mẹ chê bai, tôi đã biết mỉm cười: "Con biết mẹ muốn tốt cho con. Nhưng con cũng có nhiều điểm tốt mà mẹ chưa thấy đấy ạ". Thỉnh thoảng tôi nửa đùa nửa thật: "Con gái mẹ đẻ ra thì làm gì có chuyện xấu xí, kém cỏi được". Đôi khi, tôi thấy ánh mắt mẹ ngạc nhiên, có lẽ vì không ngờ tôi phản ứng như vậy.
Tôi hiểu rằng mình không thể thay đổi mẹ, nhưng có thể thay đổi cách tiếp nhận. Và quan trọng nhất, tôi học được cách yêu thương chính mình - điều mà mẹ chưa bao giờ dạy tôi.