Lấy chồng 3 năm thì cả 2 năm đầu ấy cứ đến Tết là 2 vợ chồng tôi đều vì công việc mà không có mặt ở nhà. Tôi và chồng đều làm trong ngành y nên với chúng tôi ngày lễ Tết hay ngày thường thì vẫn phải ưu tiên công việc hàng đầu.
Năm nay là năm đầu tiên mà cả tôi và chồng đều không bận công việc nên 2 đứa khá là háo hức chuẩn bị Tết nhất. Mang tiếng đi làm dâu 3 năm mà năm nay tôi mới sang được nhà bố mẹ chồng để biếu quà cáp trước Tết, mọi năm thì tôi và chồng chia nhau ra để đi Tết nội ngoại.
Tết đến, nhà nhà náo nức, người người hân hoan chuẩn bị đón một năm mới. Tôi cũng không ngoại lệ, những ngày cuối năm luôn mang đến cho tôi cảm giác hối hả nhưng cũng đầy phấn khởi. Tôi có nói với chồng là năm nay 2 đứa đổi vai, chồng tôi sang nhà bố mẹ vợ còn tôi sẽ mang quà cáp sang biếu bố mẹ chồng.
Chồng tôi không hợp bố mẹ lắm nên anh ít khi về nhà và cũng không đưa vợ về nhà luôn, bố mẹ chồng hiện tại đang sống cùng anh chồng chị dâu và cháu nội. Tôi có nghe chồng mình nói qua về việc ông bà chiều chuộng cháu đích tôn như thế nào nhưng thiết nghĩ đấy là việc của bố mẹ nên tôi cũng không ý kiến gì.
Năm nay tôi quà cáp cẩn thận mang đến, bố mẹ chồng tuy không quá niềm nở nhưng cũng không đến nỗi nào nên tâm trạng tôi khá thoải mái. Mọi việc có vẻ thuận lợi, tôi đang chuẩn bị đứng lên đi về thì anh chị chồng cũng vừa hay về đến nhà.
Tôi chào hỏi anh chị đàng hoàng nhưng tôi cũng tinh ý nhận ra con trai của anh chị không hề chào tôi tiếng nào. Bất ngờ, chị dâu bảo tôi chào cháu trước vì con trai chị chỉ chào lại khi người lớn làm gương chào nó trước mà thôi. Tôi lấy làm lạ vì thường thì trẻ con chào hỏi người lớn là lẽ đương nhiên, còn người lớn phải chào trẻ con trước thì đúng là tôi mới thấy lần đầu.
Tình huống bắt đầu phức tạp hơn khi thằng bé chạy ra xin tôi tiền tiêu Tết, thằng bé này cũng đã 10 tuổi rồi, không có bất kỳ bất thường nào về tâm lý hay phát triển nhưng lại có hành động rất không phù hợp với lứa tuổi. Tôi bị bất ngờ nên theo phản xạ liền nhìn về phía anh chị, theo lẽ thường thì bố mẹ sẽ có hành động ngăn cản khi con mình xin tiền người khác như thế, ấy vậy nhưng anh chị có vẻ như không hề có ý định đó.
Trước tình huống này, tôi quyết định rút ví đưa cho thằng bé 500 nghìn, một khoản tiền tôi nghĩ là khá đối với một đứa trẻ và phù hợp vứi tình hình hiện tại. Nhưng không ngờ tờ tiền vừa đưa ra thì tôi liền nhận về 1 chuỗi nhận cú sốc liên hoàn không ngừng nghỉ.
Thằng bé không những không cảm ơn mà còn nhìn chằm chằm vào tờ tiền rồi nhìn tôi bĩu môi sau đó giật tờ tiền rồi ném tiền vào mặt tôi. Thằng bé luôn mồm chê bai là ít, thấy tôi không có phản ứng gì thì bắt đầu văng tục, chửi bậy trước mặt tôi và cả bố mẹ nó. Tôi đứng hình, không biết phải phản ứng thế nào trước sự việc trước mắt.
Tôi đã cố gắng kiềm chế và nghiêm giọng nhắc nhở cháu, nhưng điều khiến tôi sốc văn hóa lại tiếp tục xuất hiện. Thay vì dạy dỗ con trai hỗn láo của mình, họ nhảy dựng lên quát vào mặt tôi vì dám dạy dỗ con mình, anh chị bắt đầu hát bài "trẻ con nó biết cái gì" đầy quen thuộc mà tôi vẫn đọc trên mạng nhưng đây là lần đầu được chứng kiến.
Chưa hết! Trong lúc tôi vẫn còn lùng bùng đầu óc chưa hiểu chuyện gì vừa xảy ra thì thằng bé liền chạy đi mách với bà nội, nó bịa đặt ra chuyện tôi đã tát vào mặt nó chỉ vì nó xin tôi tiền. Bố mẹ thằng bé đứng đó từ đầu đến cuối, chứng kiến tất cả sự việc nhưng không hề lên tiếng về những lời lẽ dối trá của con trai mình.
Mẹ chồng tôi, như đã nói là người bênh cháu nội bất chấp đúng sai, vừa nghe thấy thằng bé nói thế liền đã nổi giận đùng đùng rồi đuổi cổ tôi ra khỏi nhà.
Đến tận lúc lên xe để đi về nhà, tôi vẫn không hiểu nổi chuỗi sự việc vừa diễn ra. Bố mẹ tôi là những người rất nghiêm khắc trong việc dạy dỗ con cái, chuyện như thế này chắc chắn chưa từng xảy ra ở nhà tôi nên tôi thật sự vẫn không hiểu vì sao 1 đứa trẻ con có thể làm ra những hành động như thế và vì sao người lớn lại có thể để yên cho nó làm vậy.
Tôi mang chuyện này nói lại toàn bộ cho chồng trong trạng thái vẫn hoang mang khó hiểu còn chồng tôi thì lắc đầu chán nản rồi chỉ biết xin lỗi vợ vì đã để tôi phải rơi vào tình huống như vậy.
Mặc dù không muốn bận tâm nhưng tôi bất giác nghĩ, với cách nuôi dạy đó thì đứa trẻ lớn sẽ thành người như thế nào đây?