Bạn cần cư xử tinh tế để buổi gặp mặt giữa nửa kia và gia đình diễn ra thuận lợi. Ảnh minh họa: Samson Katt/Pexels.
Không chỉ phải đối mặt với những câu hỏi “khó nhằn” của gia đình, họ hàng, người trẻ còn cảm thấy áp lực khi giới thiệu bạn trai/bạn gái với người thân dịp lễ Tết.
Việc đứng giữa bố mẹ và nửa kia khiến nhiều người cảm thấy khó xử. Những tình huống gặp gỡ này đòi hỏi bạn cư xử khéo léo, đối thoại tinh tế để tránh mất lòng đôi bên.
Hiểu vấn đề này, Huffpost đã đưa ra một số lời khuyên hữu ích cho bạn khi dẫn nửa kia về thăm nhà Tết Nguyên đán.
Thông báo với đôi bên
Đây không phải dịp thích hợp để tạo ra một tình huống gặp mặt bất ngờ. Trách nhiệm của bạn là thông báo cho cả gia đình và người yêu về cuộc gặp gỡ trong Tết.
Từ đó, những người thân yêu của bạn có thể dành thời gian chuẩn bị để buổi gặp diễn ra thuận lợi, suôn sẻ.
Khi dẫn nửa kia về ra mắt, bạn nên thông báo trước cho gia đình và đối phương để hai bên chuẩn bị trước. Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels.
Sắp xếp địa điểm ăn, ở
Khi về thăm nhà bạn, nửa kia thường được gia đình mời dùng bữa hoặc ở lại qua đêm. Hành động này thể hiện thiện chí, lòng hiếu khách của bố mẹ, ông bà.
Tuy nhiên, bạn cũng cần hỏi ý kiến người yêu trước về nơi ăn, chốn ở. Nếu họ không cảm thấy thoải mái khi lưu lại lâu tại nhà đối phương, bạn có thể thuê trước homestay hoặc khách sạn gần đó cho cả hai.
Trao đổi trước với hai bên
Trước buổi gặp, bạn cần cung cấp thông tin cơ bản về các thành viên trong gia đình cho nửa kia. Đối phương cần biết cách xưng hô với ông bà, bố mẹ, cô chú và anh chị em họ của bạn.
Ngược lại, bạn cũng nên cho gia đình biết về độ tuổi, quê quán, nghề nghiệp của nửa kia. Như vậy, phụ huynh sẽ không đặt ra những câu hỏi khó trả lời cho người yêu của bạn.
Phổ biến về nghi thức của gia đình
Mỗi gia đình đều có truyền thống, nghi thức đặc biệt trong dịp lễ hội. Để giúp nửa kia dễ dàng “nhập gia tùy tục”, bạn cần giới thiệu và giải thích trước về một số thông lệ đáng chú ý trong nhà.
Ví dụ, nếu gia đình có thói quen ăn bữa cơm tất niên đoàn viên, bạn cần khuyến khích người yêu tham gia với tinh thần vui vẻ, phấn chấn. Sự chân thành, nhiệt tình của người ấy có thể ghi điểm trong mắt phụ huynh.
Bạn cần trở thành cầu nối giữa gia đình và người yêu, giúp đối phương "nhập gia tùy tục" thuận lợi. Ảnh minh họa: Kevin Malik/Pexels
Tư vấn quà tặng
Nửa kia có thể cảm thấy hoang mang khi phải lựa chọn quà tặng cho các thành viên trong gia đình bạn. Là người thấu hiểu mong muốn và nhu cầu của phụ huynh, bạn nên đưa ra những gợi ý, lời khuyên hữu ích.
Đồng thời, những món quà mà bạn tư vấn cũng phải phù hợp với khả năng tài chính của đối phương, tránh gây ra áp lực kinh tế.
Cho phép nửa kia tận hưởng không gian riêng tư
Thay vì ép buộc đối phương liên tục tiếp xúc với phụ huynh, bạn cần tạo không gian riêng tư cho hai đứa. Điều này khiến nửa kia cảm thấy dễ chịu, bớt áp lực, căng thẳng hơn.
Mục đích của buổi gặp mặt chính là tạo ra những kỷ niệm vui vẻ, đáng nhớ. Kỳ nghỉ lễ sẽ trở nên ấm áp, vui vẻ khi mọi người đều thoải mái.
Theo Zing