Hồn nhiên theo định nghĩa thì là sự thành thật, tự nhiên. Điều mà hồi còn nhỏ chúng ta ai cũng có sự hồn nhiên ấy.
Nhưng rồi khi lớn khôn, sự hồn nhiên dần mất đi. Thậm chí, nó còn bị hiểu theo nghĩa tiêu cực: Hồn nhiên như con điên. Chúng ta từ chối hồn nhiên chứ chẳng phải sự hồn nhiên rời bỏ chúng ta.
Ảnh minh họa.
Ta từ chối sống hồn nhiên vì sợ những thiệt thòi, sợ bị lợi dụng, sợ bị đánh giá… Càng lớn ta càng có nhiều nỗi sợ khiến ta không muốn sống hồn nhiên nữa. Đến cả nụ cười ta cũng chẳng dám cười thành tiếng.
Đến cả câu hỏi ta cũng sợ hỏi ra bị nói là ngốc, là đần, là kém cỏi. Ta sợ bị đánh giá bởi ngoài kia ai cũng chỉ phán mà không xét, chỉ đúng sai tốt xấu theo chuẩn của họ.
Và rồi ta cứ cố mà sống cho vừa lòng người này, vừa mắt người nọ, vừa ý đám đông, vừa tầm đánh giá. Ta chẳng còn hồn nhiên được là chính ta nữa.
Hồn nhiên là sống thành thật một cách tự nhiên. Nhưng không phải là hồn nhiên theo kiểu bạ đâu nói đấy, ai nói gì cũng tin là thật, ưa ngọt ghét đắng.
Hồn nhiên kiểu đó thì đúng là hồn nhiên như thằng điên thật. Bởi hồn nhiên kiểu đó là thứ hồn nhiên mãi không chịu lớn rồi. Hồn nhiên của người trưởng thành là coi nhẹ hơn thua (trẻ con đâu mà muốn tranh thắng).
Hồn nhiên của người trưởng thành là nhìn mọi thứ trong trẻo hơn thay vì xám ngoét của những nghi ngờ, của lòng đố kỵ, của thiệt hơn. Bởi kẻ hồn nhiên luôn tin vào điều tốt đẹp sẽ đến khi ta sống tốt đẹp.
Và ngay cả gặp những chuyện xấu xí, kẻ hồn nhiên vẫn sẽ chưng cất chúng thành những thứ tốt đẹp rút ra cho mình. Hồn nhiên sẽ không đau đớn lâu vì kẻ hồn nhiên luôn biết làm mình vui vẻ trở lại.
Nhưng không phải ai cũng có thể hồn nhiên mà sống được đâu. Bởi hồn nhiên cần cả lòng tin vào mình, cần sự can đảm để đặt lòng tin vào người.
Khi bạn chưa đủ cái dũng khí ấy, chưa đủ lòng tin vào chính đôi cánh của mình thì mọi cành cây bạn đậu đều sẽ thành cong trong mắt bạn.
Hôm nay, tôi vẫn sẽ chọn hồn nhiên mà sống vì tôi còn tin vào mình, vào đời này, vào những người quanh tôi!
Theo Người Đưa Tin