Ngày 4/12, đại diện Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho biết bệnh nhân nhập viện khi đau bụng, ra máu âm đạo nhiều. Người bệnh kể 3 tháng gần đây âm đạo tiết nhiều dịch vàng song nghĩ tự hết nên không đi khám. Mới đây, bà bị rong kinh kéo dài 20 ngày kèm đau bụng nên đi kiểm tra.

Bác sĩ chỉ định siêu âm tử cung, buồng trứng, phát hiện tổn thương và có khối u vùng cổ tử cung, ứ dịch lòng tử cung. Kết quả sinh thiết phát hiện ung thư cổ tử cung giai đoạn bệnh lý IB2. Ở giai đoạn này, khối u có kích thước lớn hơn nhưng còn giới hạn tại cổ tử cung, chưa di căn xa, tổn thương có độ sâu ≥ 5 mm và độ rộng từ 2-5 cm.

Sau hội chẩn, bác sĩ xác định bệnh nhân đã qua độ tuổi sinh sản nên cắt toàn bộ tử cung là lựa chọn điều trị tốt nhất để triệt căn khối u.

Hậu phẫu, bệnh nhân khỏe, hết tình trạng ra huyết, ăn uống và sinh hoạt bình thường. Theo kế hoạch, người bệnh sẽ được xạ trị bổ trợ để loại bỏ bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại nhằm ngăn ngừa bệnh tái phát.

ekip-pha-u-thua-t-2-jpg-173328-1445-6227-1733286146.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Ld3562ES9vkbSJg2lDxVxg

Bác sĩ phẫu thuật cắt toàn bộ tử cung để triệt căn khối u. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Gần như tất cả bệnh nhân ung thư cổ tử cung đều nhiễm HPV, một nhóm virus phổ biến lây truyền qua quan hệ tình dục, không để lại triệu chứng. Các chuyên gia ghi nhận vaccine ngừa HPV được triển khai kể từ năm 2008 giúp giảm số phụ nữ mắc căn bệnh này. Tuy nhiên, giống với tất cả vaccine khác, các mũi tiêm không hiệu quả 100%.

Triệu chứng phổ biến nhất của ung thư cổ tử cung là chảy máu âm đạo bất thường, chẳng hạn giữa kỳ kinh, khi quan hệ tình dục hoặc sau khi mãn kinh. Các dấu hiệu khác gồm đau khi quan hệ tình dục, dịch tiết âm đạo có mùi, đau xương chậu.

Bên cạnh HPV, các nguyên nhân khác gây ung thư cổ tử cung là độ tuổi, thói quen hút thuốc, sử dụng thuốc tránh thai, mang thai và tiền sử gia đình mắc bệnh.

"Đa số trường hợp ung thư cổ tử cung đều phát hiện muộn do người bệnh không thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ", BS.CK1 Huỳnh Thị Đào - Trưởng Khoa Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho biết, thêm rằng ở trường hợp này, nếu không kịp thời phát hiện và cắt bỏ khối u, khả năng cao khối u sẽ xâm lấn và di căn tới các bộ phận khác của cơ thể.

Bác sĩ Đào cũng khuyến cáo chị em cần nên quan tâm đến việc thăm khám sức khỏe định kỳ cũng như sức khỏe sinh sản. Đặc biệt, với phụ nữ đã lập gia đình, có quan hệ tình dục, các chuyên gia cũng khuyên nên chủ động khám sàng lọc ung thư cổ tử cung.

Sàng lọc ung thư thường dành cho phụ nữ từ 25 đến 64 tuổi, kiểm tra những thay đổi đối với các tế bào ung thư cổ tử cung. Nếu tìm thấy sớm, bác sĩ có thể điều trị và loại bỏ các tế bào này trước khi chúng biến thành ung thư. Hoặc có thể phát hiện sớm những bất thường, và điều trị kịp thời, tăng tỷ lệ thành công cũng như tiết kiệm chi phí, bảo tồn sức khỏe và cơ hội sống cho người bệnh.

Mỹ Ý

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022