Bạn nghĩ sao khi 1 trong 2 người luôn giấu quỹ đen? Khi tiền bạc trong hôn nhân không chỉ là con số, mà là niềm tin, phụ nữ sẽ tự biết "nắn chỉnh" mọi thứ vào quỹ đạo.

Đưa 10 triệu là quá đủ rồi, em còn đòi hỏi gì nữa?

Chị Linh (35 tuổi, nhân viên văn phòng ở TP.HCM) kể về cuộc hôn nhân mà suốt 4 năm chị luôn cảm thấy… mình sống trong một "vùng mờ".

"Chồng tôi là kỹ sư phần mềm, thu nhập chắc chắn không tệ. Nhưng tháng nào anh cũng chỉ chuyển cho tôi đúng 10 triệu: 5 triệu nuôi con, 5 triệu chi tiêu nhà. Ngoài ra, tôi không biết anh tiêu gì, tiết kiệm hay đầu tư gì, cũng chẳng bao giờ bàn với tôi chuyện tài chính".

Thời gian đầu, chị nghĩ đàn ông thích riêng tư tài chính, mình không nên kiểm soát. Nhưng càng về sau, khi con bệnh, bố mẹ hai bên cần viện phí, hay mua nhà cần tiền, anh vẫn chỉ lắc đầu: "Anh hết khả năng rồi". Mọi chi phí phát sinh là chị lo.

Chị tâm sự: "Tôi bắt đầu thấy mình... không phải là bạn đời mà giống người giữ nhà hộ. Có khi tôi còn không biết chồng mình có bao nhiêu tiền".

quy-den-khong-phai-luc-nao-211645118261-1752228341302-1752228341711466009539-1752246729757-17522467298832122404600.jpg

Ảnh minh họa

Không hỏi nữa, tôi chỉ âm thầm làm một việc

Thay vì cãi vã, chị Linh bắt đầu thay đổi chiến thuật.

Ghi chép chi tiết mọi khoản chi tiêu trong gia đình, phân loại rõ: ăn uống, học hành, y tế, thăm nội – ngoại, sinh hoạt cố định…

In bảng chi, các loại hóa đơn dán ở cửa tủ lạnh, ghi rõ tháng này vượt bao nhiêu, tiết kiệm được bao nhiêu, phần chị góp bao nhiêu – phần chồng chuyển chỉ là một phần trong đó.

Cuối mỗi tháng, chị gửi ảnh bảng chi tiêu qua Zalo cho chồng, kèm lời nhắn: "Đây là những gì em đang gồng một mình. Không phải để trách anh, chỉ là để anh biết".

Ban đầu, anh không phản hồi gì. Đến tháng thứ ba, chị bất ngờ thấy chồng chuyển khoản 20 triệu, không nói một lời.

Tối hôm đó, anh nói nhỏ: "Anh xin lỗi. Anh cứ nghĩ đưa 10 triệu là đủ rồi. Giờ anh mới thấy em đã cố thế nào".

Tiền không chia – lòng người chia mới đáng lo

Nhiều người chồng không cố ý giấu tiền mà họ chỉ sợ bị kiểm soát, mất quyền tự do. Nhưng nếu không chia sẻ tài chính, lâu dài sẽ gây mất niềm tin mà niềm tin mất thì hôn nhân cũng lung lay.

photo-1-1623892563964849534774-1752228403825-17522284040651128478796-1752246730557-17522467308801202138469.jpg

Ảnh minh họa

3 bước xử lý khi chồng không minh bạch tài chính mà không cần đối đầu:

Bước 1: Ghi chép – minh bạch chi tiêu

Trước khi đòi hỏi sự rõ ràng từ chồng, người vợ nên chủ động lập bảng chi tiêu cụ thể từng khoản trong gia đình: tiền ăn uống, học hành, sinh hoạt, hiếu hỉ... Việc này không chỉ giúp bản thân kiểm soát tốt ngân sách mà còn là cơ sở để chứng minh cho chồng thấy: chi tiêu gia đình không hề đơn giản và cần có sự chung tay. Có thể sử dụng các ứng dụng hỗ trợ như MoneyLover, Sổ thu chi Misa để theo dõi tiện lợi.

Bước 2: Truyền thông nhẹ nhàng

Thay vì chất vấn hay đòi hỏi thu nhập của chồng một cách trực diện (dễ khiến họ cảm thấy bị kiểm soát), người vợ nên chọn cách chia sẻ thông tin tài chính gia đình đều đặn qua tin nhắn hoặc trao đổi vào thời điểm thích hợp. Ví dụ, gửi bảng chi tiêu cuối tháng kèm lời nhắn trung tính: "Tháng này chi thế này, mình đang bị âm X triệu, chắc phải cân đối lại" sẽ tạo cảm giác bạn không gây áp lực mà vẫn khiến chồng nhận thức được thực tế.

Bước 3: Đưa chồng vào vai người đồng hành

Thay vì coi anh ấy là người cần phải “bị khai báo tài chính”, hãy biến anh thành người có trách nhiệm cùng quyết định. Hỏi ý kiến khi cần chi khoản lớn như học phí con, mua đồ điện tử, hỗ trợ ông bà... sẽ khiến chồng có cảm giác mình là người được tôn trọng, từ đó dễ cởi mở hơn trong việc chia sẻ tài chính.

Không phải cứ hỏi "Anh lương bao nhiêu?" là ra câu trả lời. Nhưng nếu bạn cho thấy bạn minh bạch, bạn có quyền đòi hỏi sự minh bạch tương tự.

Hôn nhân không đòi hỏi chia hết mọi thứ nhưng không thể sống hạnh phúc nếu một người giấu hết, người còn lại gồng hết. Có những thay đổi không cần lời to tiếng lớn mà chỉ cần bạn bắt đầu... ghi lại, chia sẻ và kiên nhẫn chờ một người đàn ông tử tế hiểu ra điều đúng.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022