Tôi lấy chồng là người thành phố, nhà chồng tôi cũng khá giả. Bố mẹ chồng về hưu chỉ ở nhà trông cháu và tham gia sinh hoạt hội người cao tuổi nên khá nhàn.
Nhà có 3 anh em, chồng tôi là con út, kinh tế vợ chồng tôi có lẽ kém hơn anh chị. Chồng tôi làm bất động sản, nghe anh nói cũng khó khăn lắm nên tháng thì được hơn chục triệu một chút, có tháng không được chục. Lương của tôi cũng tầm đó. Sống ở thành phố nên tôi phải học cách tiết kiệm.
Làm dâu thành phố, một cô gái quê như tôi phải học nhiều, nhất là chữ "nhẫn". Ở chung với bố mẹ chồng, nhiều cái bất tiện, mẹ chồng hay dò xét nhưng tôi đành cam chịu vì biết sao bây giờ.
Chồng tôi hay dặn dò tâm sự, nên nhẫn nhịn để mọi chuyện yên ấm, đôi co thì người thiệt là tôi lại mang tiếng bố mẹ đẻ, rồi anh cũng khó xử nữa. Thôi thì tôi nghe chồng, phận làm dâu ngàn đời nay có ai bảo sướng đâu chứ.
Ảnh minh họa
Cũng may, chồng tôi cũng khá tâm lý, hiểu vợ nên tôi cũng bớt tủi, chỉ có điều thu nhập của hai đứa thấp nên cuộc sống còn vất vả.
Bố mẹ đẻ tôi ở quê chỉ có ruộng đồng, quanh năm cấy hái, trồng hoa màu nên thóc gạo, rau củ nhiều chẳng lo thiếu. Thương tôi phải tốn tiền mua gạo, rau hay thức ăn nên lần nào lên chơi với cháu, mẹ cũng mang đùm lớn, đùm bé cho con cháu.
Riêng khoản gạo, mẹ bảo để mẹ gửi hàng tháng lên cho, nhà trồng được nên mang lên cho con cháu gạo quê ăn cho sạch chứ gạo mua không biết đâu mà lần.
Đúng là bố mẹ vẫn lo cho tôi như ngày tôi còn chưa lấy chồng.
Nói thêm một chút về nhà đẻ tôi, bố mẹ tôi sinh được hai chị em nhưng chỉ có tôi là học hành đàng hoàng, còn thằng em trai thì lêu lổng, chơi bời.
Cứ vài tháng lại bắt đầu báo cho bố mẹ mấy chục triệu tiền nợ khiến ông bà không biết bao lần khóc hết nước mắt vì đứa con bất trị.
Đỉnh điểm là 2 năm trước, hồi ấy tôi chuẩn bị lấy chồng thì em trai tôi báo nợ lên đến 700 triệu khiến cả gia đình tôi điêu đứng. Bố tôi định bán hết đất cát nhà cửa để cứu nó, nhưng kể cả có bán hết thì cũng chẳng được là bao.
Thế rồi sau đó nghe mẹ tôi kể nó được một người bạn giúp đỡ, trả hết nợ và giờ nó đi làm tận trong Sài Gòn để kiếm tiền trả lại cho người ta.
Thi thoảng tôi vẫn gọi điện cho em trai và nó nói sau cú ngã ấy thì giờ nó đã tránh xa cá độ, cờ bạc. Cũng may nó tỉnh sớm để bố mẹ tôi bớt khổ. Nhiều lần tôi nói với nó ân nhân giúp đỡ nó lúc khó khăn thì nhớ phải sống đàng hoàng mà trả ơn người ta, tôi cũng bảo nó cho địa chỉ hay số điện thoại để tôi qua thay mặt bố mẹ cảm ơn người ta nhưng nó bảo việc đó nó lo được.
Sinh thêm đứa thứ 2 tôi cũng bận bịu nên cũng không còn quan tâm đến những chuyện đó nữa. Hôm rồi lớp đại học tôi họp mặt sau 8 năm ra trường tôi có dẫn chồng đi cùng.
Tình cờ là một đứa bạn trong lớp đại học tôi lại làm cùng công ty của chồng tôi, nó kéo tay tôi ra một góc và xuýt xoa bảo rằng tôi là sướng nhất, chồng đẹp trai lại giỏi kiếm tiền nên phải giữ cho chắc.
Tôi cười bảo lương tháng chục triệu thì giỏi nỗi gì, lúc ấy đứa bạn đại học tôi mới nói nửa năm trước chồng tôi đã được lên chức trưởng phòng kinh doanh, thu nhập tháng nào cũng 50-60 triệu.
Tôi cứ ngỡ bạn mình nói đùa nhưng nó mở mấy hình ảnh chồng tôi khao nhân viên mỗi khi ký được hợp đồng lớn thì lửa giận trong tôi bốc lên ngùn ngụt vì nghi ngờ chồng ỉm lương.
Sau buổi họp lớp hôm ấy, tôi khóc lóc với chồng rằng anh không tin tôi nên giấu lương bao năm nay, rằng tôi hi sinh cả thanh xuân vì gia đình nhỏ nhưng thứ nhận lại là sự giả dối của anh.
Lúc này chồng tôi mới kể lại chuyện năm xưa khi em trai tôi nợ nần, chính anh là người đứng ra vay bạn bè số tiền ấy lo cho em tôi.
Cũng chính anh là người giúp nó nhận ra cờ bạc, cá độ chỉ là trò lừa bịp, anh thừa nhận thu nhập của anh cao nhưng mỗi tháng phải bỏ tiền ra trả dần cho bạn anh món nợ năm xưa anh lo cho em trai tôi.
Anh ôm tôi và bảo tôi yên tâm vì chỉ còn một chút nữa là anh trả xong món nợ ấy thì gia đình tôi không phải sống tiết kiệm như giờ nữa, anh sẽ phấn đấu làm nhiều hơn để mua một chiếc xe ô tô thi thoảng đưa mẹ con tôi đi chơi.
Nghe những lời chồng nói tôi chỉ biết ôm chặt lấy anh và nói cảm ơn anh, người chồng luôn đứng về phía tôi và lo cho gia đình nhà tôi....
Theo Infonet