Tôi từng nghĩ, nếu lấy một người chồng hiền lành, tử tế, ít nói thì cuộc đời sẽ yên ổn. Hóa ra, tôi nhầm! Bởi có những người đàn ông càng im lặng thì càng giấu trong mình những điều không ai ngờ tới.

Chiếc hộp gỗ dưới gầm giường

Anh làm hành chính văn phòng, ngày nào cũng đúng giờ, ăn mặc gọn gàng, không bạn bè nhậu nhẹt, không mạng xã hội. Sau đám cưới, chúng tôi dọn về sống chung với mẹ anh – một người phụ nữ hay đau ốm, khó gần và hầu như không nói chuyện với tôi.

14081120e648718191fe61c401f1a1cb-1747988245205-17479882461551686587991-1748012069264-17480120693411905133471.jpg

Tranh minh họa

Có lần tôi hỏi về những chuyện ngày xưa trong gia đình anh, về mẹ thì anh cứ cáu gắt rồi bảo tôi không cần biết. Lúc đầu tôi ức vì thấy chồng coi mình như người ngoài nhưng rồi tôi không quan tâm nhiều nữa. Chỉ cần chồng yêu thương, còn lại tôi nghĩ mình chịu đựng được.

Nhưng hôn nhân không phải là bài toán chỉ cần một vế. Nó giống như một căn phòng có những cánh cửa khóa kín và người ta chỉ bắt đầu hoang mang khi tiếng động sau cánh cửa ngày một rõ ràng hơn.

Chiều đó chồng tôi về muộn. Tôi dọn phòng thì phát hiện hộp gỗ cũ, khoá số, thứ mà trước đó dọn nhà rất nhiều lần mà tôi chưa từng nhìn thấy. Linh cảm kỳ lạ trỗi dậy. Tôi không phải kiểu người thích lục lọi nhưng có gì đó thôi thúc tôi phải mở. Những vết bụi bị xô lệch trên nền nhà khiến tôi tin ai đó vừa động vào nó rồi cất vội ở đây.

Tôi thử vài con số: ngày cưới, ngày sinh chồng, ngày mất của ba chồng… tất cả đều không đúng. Đến khi thử ngày sinh nhật mẹ chồng, chiếc khoá bật mở.

Trong hộp là những lá thư cũ, một xấp ảnh mờ, một cuốn sổ và một bản trích lục khai sinh. Tôi đọc tất cả thông tin trong đó rồi chết lặng.

Mẹ chồng nhập viện và sự thật được phơi bày

Rồi 1 ngày, mẹ chồng tôi phải nhập viện trong tình trạng sức khỏe tâm thần bất ổn. Khi mẹ chồng hôn mê, chồng tôi mới chịu nói ra mọi chuyện.

4f41f2251ec8039b6a968eda28221b3d-1747988455314-1747988455574121719028-1748012069987-17480120700602029115624.jpg

Tranh minh họa

Anh không phải là con ruột của ông Trí – người tôi luôn gọi là "ba chồng". Mẹ anh từng là người giúp việc trong một gia đình giàu có, bị ông chủ ép buộc, có thai rồi bị bà chủ đuổi ra khỏi nhà. Người đàn ông cưới bà sau này đồng ý "làm cha" trên giấy tờ nhưng chưa bao giờ thương yêu con riêng của vợ.

Từ nhỏ, chồng tôi đã sống trong câm lặng. Không ai biết chuyện này ngoài anh và mẹ. Ông Trí thầm yêu mẹ anh đã lâu nhưng vì đắn đo nhiều thứ, vì xa cách nên ngập ngừng không bày tỏ. Ngày mẹ anh về làng ôm theo cái bụng bầu, ông vừa thương vừa hận. Ông đã cố gom hết sự bao dung và tình yêu để chấp nhận trở thành "kẻ đổ vỏ", rồi ông chẳng thắng được sự ích kỉ, sĩ diện của chính mình.

Ngày anh ra đời, người làng bảo trông thằng nhỏ chả giống bố mấy, ông Trí càng tỏ thái độ với mẹ con anh hơn. Ông cho họ 1 mái ấm nhưng buộc chặt hạnh phúc và tự do của họ bằng cái gọi là "trả ơn".

Cả đời anh là chuỗi ngày cố gắng sống gọn gàng, im lặng, không làm phiền như cách mẹ từng dạy để "đừng khiến ai ghét bỏ thêm".

Lần đầu tiên tôi thấy chồng khóc

"Anh sợ nếu em biết, em sẽ coi anh là người không xứng đáng… sợ gia đình em đánh giá mẹ là người không đàng hoàng và sinh ra anh. Anh muốn giữ bình yên cho em và cả cho mẹ…".

Tôi không nói gì vì tôi biết anh cũng mệt rồi.

Tôi bắt đầu nghĩ lại mọi chi tiết suốt 5 năm qua: Vì sao anh không bao giờ ngồi mâm trên trong những buổi giỗ; vì sao không dám bế con đi dự đầy tháng nhà người quen; vì sao mỗi khi ai đó về ba, anh luôn cười trừ.

8a34b0b4a6e224e376a394f764763659-1747988588846-174798859013611827189-1748012070482-17480120705691005968340.jpg

Tranh minh họa

Chúng tôi không tan vỡ sau bí mật đó. Nhưng có một khoảng cách lặng lẽ đã hình thành như một vết nứt nhỏ, không ai dám động vào.

Tôi bắt đầu đưa anh đi trị liệu cùng tôi. Trong một buổi trò chuyện nhóm, chuyên gia nói: "Chúng ta không chọn được nơi mình sinh ra. Nhưng ta có quyền không sống mãi trong nỗi xấu hổ của người khác".

Đó là lần đầu tiên tôi thấy chồng mình khóc. Bao đau đớn, dằn vặt, uất hận… đủ mọi cung bậc cảm xúc dồn nén từ tuổi thơ đến bây giờ bung trào. Hơn 30 năm anh không được và không cho phép bản thân yếu đuối.

Tôi từng nghĩ yêu là bảo vệ nhau khỏi tổn thương. Nhưng yêu còn là dũng cảm chia sẻ phần đổ vỡ bên trong mình, để người kia được bước vào và cùng chữa lành. Tôi trách vì chồng giấu tôi chuyện lớn nhưng sau tất cả tôi thấy thương anh nhiều hơn. Mong rằng tôi có thể dùng tình yêu của mình để chữa lành cho 1 người đàn ông cả tuổi thơ không được yêu thương.

Lời nhắn từ trái tim: Nếu bạn đang mang một bí mật khiến mình sợ hãi hoặc sống bên một người luôn giữ khoảng cách mơ hồ hãy bắt đầu bằng một cuộc trò chuyện, có thể với người bạn đời, có thể với chuyên gia tâm lý.

Đừng giấu nỗi đau dưới gầm giường, hãy học cách đặt nó lên bàn và cùng nhau đối diện. Vì hôn nhân không cần hoàn hảo, chỉ cần chân thật và yêu thương.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022