Phụng dưỡng cha mẹ già, đặc biệt là khi ốm đau, bệnh tật là tình cảm và cũng là nghĩa vụ của con cái. Tôi biết rằng không nên so sánh, tính toán trong chuyện này, nhưng vẫn không thể không chạnh lòng, khổ tâm vì sự thiên vị, bất công của bố mẹ.

Nhà tôi có 4 chị em, tôi là em út, cũng là con trai duy nhất. Theo phong tục tập quán của người Việt, con trai là người gánh trách nhiệm với dòng tộc, gia đình, sống cùng và phụng dưỡng cha mẹ khi về già, lo chu tất chuyện hậu sự sau đó. Tôi xác định ngay từ đầu rằng đấy là nghĩa vụ của mình, không hề trông đợi hay đòi hỏi các chị phải góp công hay góp của. Ba chị của tôi thì đều lấy chồng xa, người gần nhất cũng cách nhà hơn 200km, không có cơ hội thăm nom cha mẹ thường xuyên.

Để chăm sóc tốt cho hai đấng sinh thành, tôi quyết định ở lại quê nhà và lấy vợ sớm, khi mới 22 tuổi. Chúng tôi sống trong ngôi nhà cấp 4 trên miếng vườn rộng khoảng 500m². Khi đó, hai người cũng đều đã ngoài 65 tuổi.

chatgpt-image-may-22-2025-032039-pm-15210821-1747992118362-1747992119454397911861.png

Cha mẹ qua đời, 3 chị đòi chia đất thành 4 phần dù họ không hề phụng dưỡng. (Ảnh minh họa: AI)

Sau đám cưới, vợ chồng tôi mở một tiệm tạp hóa nhỏ gần nhà. Công việc hàng ngày không quá nhiều nên cũng thuận lợi cho việc thu xếp thời gian chăm sóc cha mẹ. Suốt 15 năm qua, tôi và vợ vẫn luôn làm tròn bổn phận báo hiếu và trách nghiệm với gia đình. Việc họ tộc có gì thì tôi là người đại diện gia đình tham gia. Bất cứ khoản nào cần đóng góp cho dòng họ, tôi đều đứng ra trả chứ chưa từng ngỏ lời với các chị. Khi trong xã hay thân quyến có chuyện ma chay hiếu hỷ, tôi đều bỏ tiền mừng không phải tư cách cá nhân mà là cả đại gia đình.

Theo thời gian, cha mẹ tôi ngày một già yếu và cần nhiều thời gian chăm sóc hơn. 5 năm trước, cha tôi bị tai biến, phải nằm một chỗ. Tôi bảo vợ ở hẳn nhà, dành toàn bộ thời gian lo việc nhà và cơm cháo thuốc thang cho bố. Mẹ tôi cũng dần mắc các bệnh tuổi già như mờ mắt, lãng tai, hay quên. Nhiều khi bà còn khó tính, cộc cằn với con cái. Tôi và vợ cũng không bao giờ kể hay phàn nàn với các chị, vì dù gì đó cũng là trách nhiệm của con cái.

Mỗi dịp lễ Tết, các chị cũng về thăm cha mẹ, mang theo quà cáp đắt tiền và những lời hỏi thăm ngắn gọn. Mọi người thường chỉ ở lại một, hai ngày rồi lại vội vàng rời đi. Trong lời nói, đôi khi tôi có cảm nhận họ có chút coi thường cuộc sống của những người ở làng, xã.

Tuy nhiên, điều tôi buồn hơn là cha mẹ luôn đối đãi với vợ chồng con cái 3 chị tốt hơn hẳn vợ chồng tôi. Chúng tôi hầu hạ quanh năm thì ông bà xem là bình thường, khi không hài lòng thì cằn nhằn, trách mắng. Nhưng các chị đưa về một chút quà thì bố mẹ tôi xuýt xoa hạnh phúc, đi khoe khắp nơi. Ông bà cũng luôn dành sẵn quà và cho tiền các cháu ngoại, còn cháu nội thì chẳng bao giờ có gì, thậm chí còn mắng và bảo vợ chồng tôi đánh mắng khi chúng có lỗi.

Khi thấy bố mẹ già yếu, tôi bàn chuyện sang tên nhà cửa đất đai cho tôi để sau này gia đình không vướng phải những rắc rối tranh chấp phức tạp như nhiều nhà khác, nhưng cả hai đều né tránh không muốn nhắc đến. Những lần tôi nhắc đến sau đó cũng vậy. Tôi nghĩ đằng nào tài sản cũng truyền cho tôi, hợp thức hóa trước, khi bố mẹ còn minh mẫn, tỉnh táo thì vẫn hơn.

Không chỉ tôi, nhiều cô chú, anh em thân thiết nhất trong họ cũng nhiều lần khuyên bố mẹ nên sang tên nhà đất cho tôi, hoặc lập di chúc cho tôi thừa kế. Tôi là con trai duy nhất, một mình gánh vác nghĩa vụ phụng dưỡng, bao nhiêu năm luôn hiếu thảo, cũng vì chăm sóc cha mẹ mà lấy vợ, sống ở quê chứ không theo đuổi việc lập nghiệp trên thành phố. Các chị thì đều khả giả hơn rất nhiều, cũng chẳng cần chia phần mảnh đất ở quê làm gì...

Họ nhắc cha mẹ tôi rằng nếu không sang tên cũng không để lại di chúc, và nếu 3 người con gái không từ bỏ quyền thừa kế, mảnh đất của ông bà sẽ bị chia 4 phần, tranh chấp sẽ rất phức tạp, có thể dẫn đến tan nát gia đình. Bố mẹ tôi gật gù nhưng rồi chẳng làm gì cả. Tôi chỉ còn hy vọng ba chị sẽ không tranh giành phần gia sản này với em trai, dù sao tôi cũng đã một mình gánh vác trách nhiệm báo hiếu, 1/4 mảnh đất ở quê cũng chẳng là gì so với tài sản của các chị ở thành phố.

3 năm trước, cha tôi nhẹ nhàng qua đời trong một giấc ngủ. Năm ngoái, mẹ tôi cũng theo bước cha rời bỏ cõi tạm. Họ không để lại di chúc. Sau lễ 100 ngày mẹ, các chị tôi đặt vấn đề chia đất. Tôi biết rõ theo luật thì những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau mà không phụ thuộc vào giới tính hay công lao.

Mảnh vườn 500m² được chia thành 4, mỗi người nhận một phần như nhau. Tôi nhận phần đất có sẵn ngôi nhà đang ở. Các chị tôi yêu cầu ký giấy tách thửa, rồi bán lại phần đất đó cho người ngoài. Khi tôi nói đến những khổ lao của mình những năm qua, các chị nói rất khó nghe, bảo tôi tham lam, báo hiếu cha mẹ có mục đích. Chị cả còn bảo tôi được ở với cha mẹ là may mắn hơn các chị đi làm dâu xa nhiều lắm rồi.

Nhìn lại cơ ngơi của cha mẹ ngày xưa giờ chỉ còn vuông đất bé tẹo với ngôi nhà cũ, phần còn lại đều đã bán, tôi rất khổ tâm, và tủi thân rất nhiều. Bố mẹ đã đi xa, oán trách cũng không ích gì, nhưng buồn vô cùng vì bị đối xử bất công. Tôi biết cha mẹ luôn thiên vị con gái, thương con gái lấy chồng xa, nhưng công lao và tấm lòng của vợ chồng tôi cũng cần được ghi nhận mà!

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022