Tôi là người miền Nam, lấy chồng ngoài Bắc. Lúc quyết định theo anh ra Hà Nội sống, nhiều người thân khuyên tôi cân nhắc, bảo văn hóa hai miền khác biệt, lại làm dâu xa xứ, chắc chắn sẽ có lúc tủi thân. Nhưng hồi đó, tôi trẻ và yêu, nghĩ đơn giản: "Chỉ cần vợ chồng thương nhau, mọi chuyện đều vượt qua được".
Thật ra, mẹ chồng tôi rất hiền. Bà ít nói, sống nền nếp, không xét nét. Chị chồng tôi thì lại là người khó lường hơn. Từ khi tôi về làm dâu, tuần nào chị cũng gửi đồ ăn qua, toàn là mắm ruốc, cá lóc khô, bún nước lèo, bánh tét toàn đặc sản miền Nam.
Lúc đầu tôi xúc động. Tôi đâu có kể nhiều về quê mình, vậy mà chị quan tâm đến vậy. Mẹ chồng cũng khen chị: "Biết em dâu nhớ quê, chị nó gửi đồ cho ăn lấy chút hương vị".
Tôi cũng ngại, bảo chị không cần gửi nhiều, tôi cũng rất thích đồ ăn ở đây. Nhưng lần nào cũng vậy, chị lại cười cười, giọng nửa đùa nửa thật: "Ừ, biết đâu em nhớ quê vì nhớ người ta chứ không phải vì đồ ăn".

Ảnh minh họa
Tôi khựng lại. Câu nói nghe bâng quơ nhưng lặp đi lặp lại vài lần thì không thể không suy nghĩ. Nhất là khi có lần, chị gọi điện cho tôi, bảo: "Món bánh tét này là nhân mặn, em thích nhân mặn hơn nhân ngọt, đúng không? Nghe nói em cũng hay được nhà người ta gửi bánh cho mỗi tuần".
Tôi chết lặng. Nhà người ta là nhà nào?
Ngày còn ở quê, tôi từng có một mối tình nghiêm túc, hai bên gia đình cũng đã dạm ngõ. Nhưng vì một số lý do tế nhị, đám cưới không thành. Tôi không bao giờ giấu chồng nhưng cũng không kể với ai bên nhà chồng. Vậy mà chị chồng lại biết rành rọt như thể ai đó đã ngồi kể cho chị từng chi tiết.
Tôi đem chuyện kể với chồng. Anh an ủi tôi đừng nghĩ nhiều. Tôi hỏi anh có nên nói rõ mọi chuyện với mẹ và chị không, để khỏi bị hiểu sai. Anh lắc đầu:
" Không cần thiết. Người biết rồi cũng không muốn tin điều tốt thì em giải thích cũng vô ích. Vả lại, mình sống ở Hà Nội, hai nhà cách nhau cả nghìn cây số. Mọi thứ đã là quá khứ, mình phải sống cho hiện tại và tương lai chứ".
Tôi nghe mà cay mắt, không phải vì tủi thân, mà vì thấy chồng hiểu chuyện, biết cách bảo vệ mình.
Sau hôm đó, tôi để ý hơn. Hóa ra, thời điểm chị chồng bắt đầu "nhắc khéo" chuyện cũ, cũng là lúc bố mẹ chồng đang bàn tính chuyện chia đất cho các con. Có lẽ, khi ai đó kể cho chị nghe một quá khứ chưa từng được nhắc, chị đã bắt đầu có cái nhìn khác về tôi và những món ăn gửi xuống không còn là tình cảm, mà là một cách nhắc khéo, mỉa mai đầy chủ ý, để mẹ chồng bớt yêu thương tôi hơn.
Tôi học cách chọn lọc những thứ giữ lại và những lời nên quên đi. Bởi vì tôi hiểu: không phải ai tốt với mình cũng vì yêu thương và không phải cứ im lặng là không nhìn ra được điều gì.
Quá khứ là điều không thể xoá, nhưng nó không nên trở thành cái cớ để ai đó định giá người khác. Chúng ta có quyền sống vì hiện tại miễn là mình sống tử tế và đủ vững lòng tin vào người bên cạnh.