Tôi vẫn nhớ như in cái ngày bố dắt về nhà một người phụ nữ lạ cùng em bé gái nhỏ. Lúc ấy tôi mới 10 tuổi, đứng nép sau cánh cửa phòng nghe bố nói: "Từ nay con có em rồi, phải biết nhường nhịn em nhé!". Giọng bố tràn đầy vui sướng, nhưng với tôi, đó là khoảnh khắc báo hiệu một thế giới hoàn toàn khác.
Sau khi bố mẹ ly hôn, tôi sống với bố. Tôi luôn tự nhủ mình phải ngoan, phải giỏi để bố không phiền lòng. Nhưng từ khi có thêm gia đình mới, tôi như trở thành cái bóng trong chính ngôi nhà của mình. Em gái tôi - con của bố và mẹ kế - trở thành trung tâm của mọi sự chú ý.
Mỗi sáng, trong khi em được bố chở đi học bằng xe máy mới, tôi phải tự đi bộ đến trường. Những bữa cơm gia đình giờ chỉ còn là khoảng thời gian tôi ngồi im lặng, nhìn ba người họ vui vẻ kể chuyện. Tôi nhớ có lần em làm đổ ly sữa, bố vội vàng lau dọn rồi dỗ dành: "Không sao đâu, bố thương!". Cùng ngày hôm đó, tôi vô ý làm rơi chiếc đĩa, bố quát mắng: "Miếng ăn đến mồm rồi còn không xong!".
Thế rồi bố tôi và mẹ kế cũng không sống được với nhau, mẹ kế trẻ hơn bố nhiều tuổi. Thời điểm cô ấy đến với bố là vì vật chất nên khi tiếng gọi vật chất khác hấp dẫn hơn xuất hiện, cô ấy chẳng ngại ngần mà rời đi.

Sau cuộc hôn nhân thứ hai thất bại, bố tôi 1 mình nuôi 2 đứa con gái.
Điều khiến tôi tổn thương nhất là sự khác biệt trong cách đối xử với hai chị em. Cùng là những đứa trẻ không có mẹ bên cạnh, nhưng em được bố yêu chiều hết mực. Sinh nhật em năm nào cũng được tổ chức linh đình, trong khi tôi may mắn lắm mới được bố nhớ đến. Em được học đàn, học vẽ, còn tôi phải tự mày mò học tập vì bố bảo "nhà không có điều kiện".
Khi bố và mẹ kế ly hôn, trong tâm trí của 1 đứa trẻ, tôi ngây thơ nghĩ mình sẽ nhận được nhiều tình cảm hơn từ bố. Nhưng không, tất cả tình yêu thương của bố dồn cả vào em gái. Tôi trở thành đứa con thừa. Bố sẵn sàng bỏ công bỏ việc để chiều theo ý của em gái nhưng tôi ốm sốt đến nhập viện thì bố cũng chỉ có mặt lúc thanh toán viện phí.
Có lần tôi hỏi thẳng bố: "Con cũng không biết rốt cuộc thì mình làm sai gì mà bố ghét con đến vậy?" . Bố trừng mắt: "Từng này tuổi rồi mà còn tị nạnh với em à?" . Nhưng bố không hiểu rằng, dù tôi có lớn thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn là con gái của bố, vẫn muốn nhận được sự quan tâm từ chính người cha của mình.
Giờ đây, khi đã trưởng thành, tôi hiểu rằng mình không thể thay đổi được quá khứ. Nhưng những vết thương lòng ấy ảnh hưởng đến tôi không hề nhỏ, tôi không dám sinh con thứ 2 vì sợ rằng chồng mình và chính mình không đủ tinh tế để có thể yêu thương đủ đầy với cả 2 đứa trẻ.
Tôi hiểu tình cảm là thứ không thể kiểm soát được. Khi còn nhỏ thì bố luôn miệng nói em bé, phải nhường em nhưng ngay cả khi em gái tôi đã trưởng thành thì bố vẫn quan tâm và dành cho nó tất cả sự tốt đẹp nhất.
Tôi và bố giờ đây gần như không liên lạc, không phải vì tôi giận dỗi bố mà tôi nhận ra rằng bố không thích sự xuất hiện của tôi. Dần dần tôi và bố còn xa lạ hơn cả những người xa lạ. Tôi không chào bố khi vô tình gặp trên đường vì kể cả có chào hỏi bố cũng rất miễn cưỡng mà gật đầu.
Cuối cùng, tôi chọn tách biệt hoàn toàn như những gì mà bố mong muốn. Kể từ đó, tôi sống chết ra sao, chưa bao giờ là điều mà bố bận tâm.
Cách đây vài ngày, tôi phát hiện ra bố đã sang tên cho em gái căn nhà mà bố đang ở. Tôi không có cảm xúc gì vì tôi biết thừa đó là điều chắc chắn sẽ xảy ra.