photo1702367614211-17023676145871998622482.png

BÁC SĨ HUỲNH MINH NHỰT

Tác giả bài viết

  • Bác sĩ tốt nghiệp Trường ĐH Y Dược Cần Thơ.

  • Bác sĩ khoa Nội Nhiễm - BV đa khoa Khu vực Thủ Đức

  • Kinh nghiệm công tác:

  • Bác sĩ điều trị Hệ thống nhi khoa Dr.Phước.

  • Đại biểu Đại hội Liên Chi Hội Gan Mật TP.HCM nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Thủy đậu là bệnh nhiễm trùng cấp tính rất dễ lây truyền do virus Varicella Zoster gây nên, bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc gần với bóng nước thủy đậu. Bệnh đặc trưng bởi phát ban dạng bóng nước ở da và niêm mạc.

Bệnh thủy đậu sẽ xuất hiện 10 - 14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, khởi phát bệnh thường đột ngột với triệu chứng nổi mụn nước ở vùng đầu, mặt, chi và thân, mụn nước xuất hiện rất nhanh trong vòng 12 - 24 giờ có thể nổi toàn thân. Mụn nước có kích thước đường kính từ 1 - 3 mm, chứa dịch trong, tuy nhiên những trường hợp nặng mụn nước sẽ to hơn hay khi nhiễm thêm vi trùng mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ. Ngoài ra còn có một số triệu chứng toàn thân như: sốt, đau bụng hoặc ăn mất ngon, nhức đầu nhẹ, cảm giác lo lắng và khó chịu, ho khan, v.v.

Biến chứng nguy hiểm của thủy đậu

Trong 3 tháng vừa qua, tại phòng khám nhiệt đới bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức tiếp nhận nhiều trường mắc thủy đậu phải nhập viện, trong đó có nhiều trường hợp là người trẻ không bệnh lý nền.

photo-2-17023675841851468315497.png

Đơn cử như trường hợp nam thanh niên Trần. M. T - 22 tuổi, sinh viên, vào viện với nhiều bóng nước ở thân mình, tay chân, mưng mủ, lừ đừ, sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ nhanh chóng kiểm tra toàn diện cho bệnh nhân và chẩn đoán thủy đậu bội nhiễm vi khuẩn.

Sau 7 ngày điều trị kháng sinh, kháng virus, cách ly hiện tại tình trạng sức khỏe bệnh ổn định, các bóng nước khô đóng mày, ăn uống khá hơn. Mặc dù thủy đậu là một bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những hồng ban mụn nước.

Tuy nhiên người bệnh cũng có thể gặp các biến chứng nặng như viêm phổi suy hô hấp, nhiễm trùng da từ sang thương thủy đậu, nhiễm trùng huyết, viêm não… Đây là các biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng hay để lại di chứng sau này nếu không phát hiện sớm và theo dõi kịp thời.

Phòng tránh bệnh thủy đậu

Thủy đậu là một bệnh có thể chủ động phòng ngừa bằng vắc xin, hiện nay để phòng tránh thủy đậu Bộ y tế khuyến cáo thực hiện một số biện pháp sau: hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.

Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý.

Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường. Tiêm vắc xin ngừa thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.

photo-1-17023675830601108252801.png

Nếu đã được chủng ngừa vaccine thủy đậu thì đại đa số từ 80-90% có khả năng phòng bệnh tuyệt đối. Tuy nhiên, cũng còn khoảng 10% còn lại là có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt đậu, khoảng dưới 50 nốt, và thường là không bị biến chứng.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022