bac-si-1.jpg

Đầu giờ sáng, các hàng ghế chờ tại Khoa Hỗ trợ sinh sản - Nam học, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã gần kín chỗ, trong đó có nhiều cặp đôi trẻ. Đây là cảnh tượng "quen thuộc" tại nơi đây từ nửa cuối năm ngoái đến nay.

bac-si-2.jpgbac-si-3.jpg

Phụ trách một phòng khám trong khoa, ThS.BS Đỗ Đức Dũng cho biết, mỗi ngày thăm khám 30-40 bệnh nhân có nhu cầu được hỗ trợ sinh sản. Theo ước lượng của nam bác sĩ này, lượng bệnh nhân thăm khám tăng đến 30% so với bình thường.

bac-si-4.jpg

"Bệnh nhân đông, ra vào liên tục từ sáng đến chiều", BS Dũng cho hay.

Theo BSCKII Phạm Thúy Nga, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản - Nam học, lượng bệnh nhân đến khoa luôn có xu hướng năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, từ năm 2023 đến nay, số lượng bệnh nhân đến khoa tăng vọt.

bac-si-5.jpg

Chuyên gia này nhận định, nguyên nhân chính đến từ cơn sốt "săn rồng vàng".

"Ngay khi kết thúc kỳ nghỉ Tết, chúng tôi đã phải chạy hết công suất trở lại vì lượng bệnh nhân quá đông", BS Nga cho hay.

bac-si-6.jpg

Trung bình một ngày, Khoa Hỗ trợ sinh sản - Nam học tiếp nhận hơn 100 cặp vợ chồng đến thăm khám. Mỗi tháng, cơ sở này cũng thực hiện hơn 100 ca hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) và thụ tinh ống nghiệm (IVF), dự đoán tiếp tục gia tăng.

"Chúng tôi tiếp nhận nhiều trường hợp có nhu cầu sinh con năm rồng nhưng sau một thời gian không thể thụ thai tự nhiên nên tìm đến các phương pháp hỗ trợ sinh sản. Ở thời điểm hiện tại, chỉ còn 1-2 chu kỳ chuyển phôi để có thể kịp săn rồng vàng", BS Nga cho biết.

bac-si-7.jpg

Kết hôn được 4 tháng, Ngọc (tên nhân vật đã được thay đổi), 24 tuổi và chồng vẫn chưa thể có con. Với mong muốn có em bé trong năm Giáp Thìn, hai vợ chồng quyết định đến Khoa Hỗ trợ sinh sản - Nam học để thăm khám.

"Có kết quả siêu âm tử cung, buồng trứng hoàn toàn bình thường, bác sĩ chỉ định cho tôi làm thêm một số xét nghiệm để có thể đánh giá tổng quát sức khỏe sinh sản", Ngọc chia sẻ.

bac-si-8.jpgbac-si-9.jpg

BS Dũng cho biết, các bác sĩ sẽ dựa trên kết quả thăm khám, xét nghiệm của cả vợ và chồng để tìm ra nguyên nhân chưa có con. Dựa theo tình trạng gây ra vô sinh để có thể tư vấn phương pháp hỗ trợ sinh sản phù hợp.

"Không phải cứ vô sinh là nhất thiết phải làm IVF, bởi thủ thuật này có chi phí rất lớn. Nếu nguyên nhân đến từ rối loạn rụng trứng, chúng tôi có thể điều chỉnh rụng trứng được để làm IUI là có thể thụ thai.

Trong trường hợp vợ bị tắc cả 2 vòi trứng hoặc chồng không có tinh trùng (vẫn có thể hút được tinh trùng trong tinh hoàn) thì mới tính đến phương án làm IVF", BS Dũng phân tích.

Đáng chú ý, theo BS Đỗ Đức Dũng, theo ghi nhận thực tế, nhiều cặp vợ chồng trẻ dù chỉ mới "mong con" trong 2-3 tháng, nhưng vì áp lực phải sinh con năm rồng từ chính bản thân và gia đình nên đến thăm khám.

bac-si-10.jpg

Không ít trường hợp, dù kết quả kiểm tra sức khỏe sinh sản hoàn toàn bình thường, nhưng đã đề nghị bác sĩ được thực hiện IUI hoặc IVF để "chắc ăn" có con tuổi rồng.

"Thậm chí có trường hợp vợ chồng sinh năm 2000, chỉ mới mong con vài tháng đã đến chúng tôi chủ động đề nghị làm IVF. Phía gia đình còn cho biết trong trường hợp chuyển phôi lần đầu không được sẽ ngay lập tức ra nước ngoài để làm IVF", BS Dũng cho biết.

Theo BS Dũng, với những trường hợp bắt đầu làm IVF từ bây giờ, sớm nhất sau một tháng nữa có thể chuyển phôi. Nếu thành công, sản phụ có thể sinh con vào khoảng tháng 11 âm lịch.

Với trường hợp chỉ cần làm IUI, từ lúc kích trứng hoặc theo dõi chu kỳ tự nhiên đến lúc bơm tinh trùng vào buồng tử cung sẽ trong khoảng 10-15 ngày.

Về cơn sốt săn rồng vàng, BS Phạm Thúy Nga nhấn mạnh, một thai kỳ an toàn là điều quan trọng nhất.

"Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của khám sức khỏe tiền hôn nhân, kiểm tra sức khỏe sinh sản để đảm bảo một thai kỳ an toàn. Nếu muốn có thai thật sớm để săn "rồng vàng" nhưng lại bỏ qua sức khỏe của người mẹ sẽ tạo ra nguy cơ biến chứng trong thai kỳ rất cao", BS Nga cho hay.

Theo chuyên gia này, trước khi có thai, các cặp đôi cần được thăm khám và tư vấn đầy đủ từ bác sĩ. Quá trình kiểm tra sẽ giúp phát hiện các vấn đề (nếu có) và có hướng điều trị kịp thời.

"Bên cạnh đó, khi đã mang thai, các cặp vợ chồng không được bỏ qua bước khám thai định kỳ, vì luôn tiềm ẩn nguy cơ biến chứng trong thai kỳ như tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật. Nếu không tầm soát đầy đủ, các bác sĩ không thể phát hiện sớm các vấn đề để dự phòng, điều trị kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của mẹ và bé", BS Nga khuyến cáo.

hon-nhan.jpg?width=150Yêu
Lấy chồng lương 80 triệu đồng/tháng, tôi rợn người ám ảnh hành động của anh ấy lúc nửa đêm

Theo Dân Trí

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022