3 hành vi khi ăn canh gây hại cho sức khoẻ
1. Ăn canh quá nóng
Nhiều người thường có thói quen thích ăn canh nóng hổi vì cảm giác sẽ có thể nhanh chóng làm ấm cơ thể, đặc biệt vào mùa đông cũng như tăng cảm giác ngon miệng. Mặc dù vậy, thói quen này có thể dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm, thậm chí là ung thư.
Bởi niêm mạc đường tiêu hoá của con người chỉ có thể chịu được nhiệt độ tối đa khoảng 60 độ C. Nếu vượt quá ngưỡng này có thể gây tổn thương niêm mạc, từ đó dẫn đến nhiều bệnh lý khác nhau và làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.
Không chỉ canh, việc nhiều người có thói quen uống trà, cà phê nóng mỗi ngày cũng cần lưu ý. Vì nhiệt độ nước sôi để pha trà và cà phê đều đạt đến 100 độ C. Nếu lập tức uống ngay sau vừa pha có thể gây nguy hiểm cho thực quản. Chính vì vậy, nên chờ canh cũng như trà và cà phê đạt nhiệt độ thích hợp vừa phải mới nên sử dụng để đảm bảo sức khoẻ.
Ngoài việc ăn canh, uống trà, cà phê quá nóng, những thói quen như hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng nhiều thực phẩm muối và hun khói... cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.
2. Ăn canh quá nhiều
Canh là món ăn khá dễ ăn và không phải nhai quá nhiều. Điều này vô tình khiến chúng ta dễ hấp thụ một lượng lớn thức ăn trong thời gian ngắn. Cùng với đó, các loại canh đều chứa khá nhiều chất dinh dưỡng cũng như muối và calo. Điều này dễ dẫn đến ăn quá nhiều và tăng nguy cơ béo phì, gây hại cho sức khoẻ.
Chính vì vậy, nên uống canh chậm rãi để chúng có thời gian tiêu hoá, hấp thụ cũng như truyền tín hiệu cơ thể đã no đến đại não.
Nếu muốn uống canh trước lúc ăn nhằm làm ấm dạ dày thì nên giới hạn ở mức khoảng 200 ml. Điều này sẽ hỗ trợ quá trình tiêu hoá hiệu quả cũng như tăng cường hấp thụ dinh dưỡng từ thức ăn. Nếu ăn canh sau bữa ăn, chỉ nên dùng một bát, tránh ăn quá nhiều.
3. Ăn cơm và canh cùng nhau
Nhiều người thích ăn cơm cùng canh để "dễ nuốt". Tuy nhiên, điều này sẽ làm giảm khả năng nhai. Cơm cùng canh khi không được nhai kỹ có thể ảnh hưởng đến sự phân hủy thức ăn của quá trình tiêu hóa sau đó. Khiến các thành phần dinh dưỡng không được chuyển hóa đến cùng và sẽ chỉ được hấp thu một phần.
Cùng với đó cũng sẽ gây ra chứng khó tiêu, đặc biệt với thực phẩm giàu carbohydrate như cơm gạo cần được tiêu hóa kỹ. Khi nhai không kỹ, thức ăn xuống đến dạ dày vẫn còn kích thước lớn, gây khó khăn cho quá trình tiêu hóa và dễ dẫn đến các bệnh lý về đường tiêu hoá.
Đồng thời, với những người có tiền sử bệnh gút, nên lưu ý khi ăn các món canh như xương hầm, gà vịt hầm... vì chúng chứa hàm lượng purine và axit amin cao, dễ khiến bệnh tình trở nên trầm trọng.
4 điểm lưu ý khi nấu canh đảm bảo dinh dưỡng
1. Ăn canh theo mùa:
Mùa đông thời tiết lạnh thích hợp uống các loại canh như canh gà, canh chân giò... hầm cùng các loại rau, thảo mộc tốt cho sức khoẻ khác. Vào mùa hè khí hậu oi bức nên ăn những loại canh rau có tính ôn như canh bí đao, củ sen... có tác dụng giải nhiệt.
2. Tỷ lệ nấu canh
Tỷ lệ nguyên liệu nấu canh với nước nên ở mức 1:3 hoặc 1:4. Việc kiểm soát lượng nước này khá quan trọng vì nó sẽ ảnh hưởng đến không chỉ khẩu vị mà còn có giá trị dinh dưỡng trong canh.
3. Thời gian nấu lâu nhất là 1,5 tiếng
Nhiều người cho rằng nấu canh càng lâu thì giá trị dinh dưỡng sẽ càng cao, đây là một quan niệm sai lầm. Việc đun nóng trong thời gian dài dễ làm mất đi chất dinh dưỡng có trong nguyên liệu. Chính vì vậy, để đảm bảo giá trị dinh dưỡng có trong canh, tốt nhất nên nấu trong khoảng từ 1 - 1,5 giờ.
4. Chần qua thịt trước khi nấu canh
Nên chần thịt trước để loại bỏ hết máu, vi khuẩn và tạp chất có trong các loại thịt, xương... Cùng với đó, khi nấu canh, nhiều người cũng có thói quen đợi nước sôi mới cho nguyên liệu vào hầm. Điều này sẽ vô tình khiến protein đông đặc và giảm giá trị dinh dưỡng. Chính vì vậy, nên cho nguyên liệu hầm canh ngay từ khi nước còn lạnh để giữ được nhiều dưỡng chất nhất cho canh.