tohai2758.jpgNhạc sỹ Tố Hải. (Ảnh: Hội VHNT Khánh Hòa)

Theo thông tin từ gia đình, nhạc sỹ Tố Hải - cha đẻ ca khúc “Sông Đăkrông mùa Xuân vềđã qua đời ngày 4/7, hưởng thọ 86 tuổi.

Nhạc sỹ Tố Hải tên thật là Tô Trấp, sinh ngày 20/12/1937 ở Bắc Bình, Bình Thuận. Ông sống ở Nha Trang, Khánh Hòa và là thành viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa…

Theo lời kể của nhà văn Hoàng Nhật Tuyên, Nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa thì nhạc sỹ Tố Hải mê ca hát từ khi còn nhỏ.

Năm lên 12 tuổi, Tố Hải tham gia làm liên lạc cho Ủy ban kháng chiến hành chính huyện, sau đó đến năm 1953, khi có một đơn vị bộ đội chủ lực thuộc Trung đoàn 812 (Quân khu 5) đi ngang qua làng mình, Tố Hải liền trốn nhà đi theo. Vào bộ đội, Tố Hải được phân công làm giao liên, và có lẽ thấy anh mê hát ca nên các đồng chí lãnh đạo giao thêm nhiệm vụ chép nhạc, kẻ nhạc cho đơn vị.

Cũng từ đây, với niềm đam mê ca hát vốn có, lại được tiếp xúc với những người lính vệ quốc vui tính, hay hát ca, nên chàng trai của vùng quê Bắc Bình bắt đầu tự học nhạc và ấp ủ hy vọng một ngày nào đó mình sẽ viết được ca khúc.

Năm 1955, sau khi Hiệp định Genève được ký kết, Tố Hải tập kết ra Bắc, rồi 6 năm sau, theo tiếng gọi thiêng liêng của quê hương, chàng trai mê âm nhạc lại vượt Trường Sơn trở về miền Nam và trở thành một thành viên của Đoàn văn công Quân giải phóng Khu 5, mang tiếng hát đến với các chiến sỹ.

Dạo ấy, phong trào cách mạng ở các vùng đồng bằng Quảng Nam bị chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp rất dã man. Tuy nhiên, không ít cán bộ, chiến sỹ và đồng bào ta vẫn một lòng giữ vững niềm tin vào Đảng, vào cách mạng. Trong số những tấm gương bất khuất ấy, có chị Trần Thị Vân, người con gái của vùng đất Gò Nổi (Điện Bàn). Dù bị địch tra khảo, chết đi sống lại với những ngón đòn rất man rợ, nhưng chị vẫn bảo vệ cơ sở cách mạng đến cùng.

[Chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn với chủ đề "Huế-Sài Gòn-Hà Nội"]

Câu chuyện kể về chị Vân đã trở thành ca từ trong ca khúc “Lời ca không tắt” – sáng tác đầu tiên của nhạc sỹ Tố Hải.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi ra đời, “Lời ca không tắt” được chuyển ra Bắc và được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Rồi đến năm 1965, một niềm vui lớn đã đến với Tố Hải khi ca khúc này được tặng Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam.

Sau đó, nhạc sỹ cho ra đời một loạt các ca khúc khác như “Bài ca trung đoàn thép,” “Phan Hành Sơn và trận đánh,”“Tiếng đàn Klông Pút tặng anh” và đặc biệt là “Sông Đắkrông mùa Xuân về.”

Sau ngày thống nhất đất nước, nhạc sỹ Tố Hải cùng gia đình về sống và làm việc tại Nha Trang. Đến nay, ông đã sáng tác hàng trăm ca khúc thuộc nhiều đề tài khác nhau, trong đó có những tác phẩm trữ tình như “Ta còn mắc nợ Hồ Tây,” “Gửi Hà Nội nhớ,” “Gửi em Hà Nội tình yêu”...

Năm 2012, nhạc sỹ Tố Hải được trao tặng Giải thưởng Nhà nước cho một cụm tác phẩm và tất nhiên trong đó có 2 ca khúc nổi tiếng là “Lời ca không tắt”“Sông Đắkrông mùa Xuân về.”

Ông còn được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương chiến công hạng Nhất, Huân chương chiến sỹ vẻ vang, Huân chương Giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba./.

Ca sỹ Trọng Tấn thể hiện bài hát "Sông Đắkrông mùa Xuân về":

Minh Thu (Vietnam+)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022