Theo New York Times, nhà mốt thông báo Hanae Mori mất hôm 11/8, sau khi đổ bệnh trước đó hai ngày. Hanae Mori có hai con trai, một con gái, bảy cháu và nhiều chắt. Chồng bà, Ken Mori, qua đời năm 1996.

Hanae-Mori-8234-1660817451.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=kgLJ4XaXu2tH_s1e76ebSQ

Nhà thiết kế Hanae Mori bên các người mẫu trong show Thu Đông 1998. Ảnh: AFP

Hanae Mori được mệnh danh "Bà hoàng cánh bướm" khi phát triển mạnh họa tiết này trong các bộ sưu tập suốt 50 sự nghiệp. Bà là người Nhật Bản đầu tiên được công nhận là nhà thiết kế Haute Couture ở Paris từ năm 1977. Nhà nghiên cứu và giám tuyển thời trang Akiko Fukai nói với Kyodo: "Bà ấy là người tiên phong trong lĩnh vực thời trang ở Nhật Bản. Vào thời điểm ngành công nghiệp trong nước đang nhen nhóm, bà đã định hình được ý nghĩa của việc làm nhà thiết kế".

Sinh năm 1926 tại vùng nông thôn tỉnh Shimane, miền Tây Nhật Bản, Mori theo học ngành văn học tại Đại học Cơ đốc giáo Tokyo. Sau tốt nghiệp, bà học nghề may và mở cửa hàng đầu tiên Hiyoshiya cạnh một tiệm mì ở Tokyo năm 1951. Bà bắt đầu thiết kế hàng trăm bộ quần áo cho các diễn viên điện ảnh.

show-hanae-mori-thu-dong-2000-1660817360.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=aXTU81aqZQTrPCPV4FAlyA
Show Hanae Mori Thu Đông 2000

Show Hanae Mori Thu Đông 2000 (từ đầu tới 1:14). Video: AP

Việc mở rộng kinh doanh nhanh chóng của Mori phản ánh tốc độ phát triển kinh tế của Nhật Bản sau chiến tranh những năm 1960. Bà tới Paris và New York thử vận may theo lời khuyên của chồng và đối tác kinh doanh. Tại đây, cuộc gặp gỡ với Coco Chanel đã tạo ra bước ngoặt trong sự nghiệp của Mori.

Nhà thiết kế từng nói trong cuộc phỏng vấn với Washington Post: "Chanel đề nghị tôi mặc đồ có màu cam sáng để tương phản với mái tóc đen của mình. Tôi đột nhiên nhận ra mình nên thay đổi cách tiếp cận và làm những chiếc váy giúp phụ nữ nổi bật hơn".

Năm 1965, Mori giới thiệu bộ sưu tập đầu tiên ở New York với chủ đề "Đông Tây hội ngộ". Các thiết kế của bà kết hợp hoa văn truyền thống như chim hạc, hoa anh đào và bướm. Năm 1985, bà ra mắt bộ sưu tập nổi tiếng "Madame Butterfly" tại La Scala ở Milan, gây tiếng vang. Năm 1992, bà kết hợp kimono truyền thống lên trang phục phương Tây, làm nên đồng phục cho các tiếp viên của Japan Airlines và đội tuyển Nhật Bản trong lễ khai mạc Thế vận hội Barcelona. Trong thập niên 1950, 1960, bà thiết kế phục trang cho hàng trăm bộ phim và nhà hát Noh, Kabuki.

Hanae-Mori-1-4130-1660817451.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=hOvTtTLRRMeoLpIQoRS_OA

Các người mẫu trình diễn bộ sưu tập Thu Đông 2004 tại Paris. Ảnh: AFP

Nhiều nhân vật tầm cỡ trong và ngoài nước chuộng các thiết kế của bà. Nhắc tới Hanae Mori là nhắc tới váy trắng trang trí hoa hồng của hoàng hậu Masako trong hôn lễ với thái tử Naruhito năm 1993. Bà cũng thiết kế cho công nương Grace Kelly và cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Nancy Reagan.

Ngoài trang phục, đế chế toàn cầu của Mori mở rộng sang nước hoa, túi xách, ô, khăn quàng cổ. Các thiết kế thường được trang trí bằng những con bướm nhiều màu sắc. Việc kinh doanh phát đạt khiến Mori trở thành thành viên nữ đầu tiên của Hiệp hội các nhà điều hành doanh nghiệp Nhật Bản năm 1986 - điều hiếm thấy ở nước này.

Những cống hiến của bà được chính phủ Nhật Bản công nhận. Bà được trao tặng Huân chương Ruy băng Tím vào năm 1988, ghi nhận những đóng góp cho nghệ thuật. Năm 2002, bà được trao tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh của Pháp, ở cấp bậc sĩ quan.

Họa Mi (theo Guardian)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022