Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Stroke cho thấy việc đo nồng độ của mạng lưới các phân tử gây viêm trong máu có thể giúp bác sĩ tính toán điểm rủi ro của các vấn đề liên quan mạch máu nhỏ trong não, nguyên nhân phổ biến dẫn đến đột quỵ và suy giảm nhận thức.
Để thực hiện điều đó, nhóm tác giả từ UCLA Health, mạng lưới y tế phi lợi nhuận của Trường Đại học California ở Los Angeles - Mỹ, đã phát triển một xét nghiệm máu đơn giản, dễ tiếp cận.
Xét nghiệm máu mới giúp dự đoán mức rủi ro đột quỵ của một người - Ảnh đồ họa AI
TS Jason Hinman từ UCLA, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết hiện tại, cách duy nhất để xác định nguy cơ mắc bệnh mạch máu não của một người là sử dụng kết hợp các hình ảnh như chụp MRI, tiền sử gia đình, các biến số nhân khẩu học, đánh giá các nguy cơ khác...
Còn trong thực hành lâm sàng, các nhà thần kinh học chỉ có thể phát hiện bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh sau khi họ bị đột quỵ hoặc một biến cố não cảnh báo về điều đó.
Vì vậy, TS Hinman và các cộng sự đã nỗ lực tìm kiếm một cách thức đơn giản hơn để dự báo đột quỵ và suy giảm nhận thức, thông qua nguy cơ gặp vấn đề về mạch máu não của từng người.
Điều này được ông Hinman so sánh với các xét nghiệm cholesterol nhằm ước đoán nguy cơ đau tim.
Sơ cứu đột quỵ sao cho đúng cách?
Trời nóng, nhiệt độ thay đổi liên tục - cảnh báo dấu hiệu đột quỵ ở người trẻ tuổi
Đối với "xét nghiệm dự đoán đột quỵ", các tác giả đã tập trung vào mạng lưới các phân tử gây viêm được kết nối sinh học, được gọi là mạng interleukin-18 (IL-18), bao gồm các protein và phân tử tín hiệu được sử dụng để chống lại các bệnh nhiễm trùng khác nhau.
Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2020 từ Đại học California cho thấy 6 phân tử trong mạng IL-18 liên quan sự hiện diện của chấn thương mạch máu não trong quá trình quét MRI.
Dựa trên những phát hiện trên, nhóm của TS Hinman đã phát triển công cụ để nhận diện mức độ các phân tử gây hại này tồn tại trong mỗi người, từ đó tính điểm rủi ro.
Trong số hơn 2.200 tình nguyện viên tham gia nghiên cứu, những người có điểm rủi ro nằm trong top 25% có 84% nguy cơ bị đột quỵ trong suốt cuộc đời.
Nhìn chung, điểm rủi ro tăng cao có liên quan đến nguy cơ đột quỵ tăng 51%.
Biết trước rủi ro nhiều năm là cách mỗi người có thể đẩy lùi rủi ro đó, thông qua chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh hơn nhằm cải thiện sức khỏe, cũng như để họ lưu tâm hơn và tìm đến bác sĩ kịp thời khi những dấu hiệu đầu tiên của sự cố xuất hiện.