Ngày 10/11/2023, Hội Phụ sản Việt Nam (VAGO) chủ trì, phối hợp cùng Tổng cục Dân số Kế hoạch hoá Gia đình (Bộ Y tế) và Công ty TNHH Merck Healthcare Việt Nam tổ chức Hội thảo "Mức sinh thấp tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp" tại Hà Nội.

3984248538417858707403557548042131110747231n-1699609701409969464017.jpg

Hội Phụ sản Việt Nam (VAGO) chủ trì, phối hợp cùng Tổng cục Dân số Kế hoạch hoá Gia đình (Bộ Y tế) và Công ty TNHH Merck Healthcare Việt Nam tổ chức Hội thảo "Mức sinh thấp tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp" tại Hà Nội.

Việt Nam có mức sinh thấp ảnh hưởng tới cơ cấu dân số, thiếu hụt nguồn lao động

Theo thông tin đưa trong Hội thảo, tại Việt Nam, nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hoá Gia đình, đã đạt mức sinh thay thế với trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ 15-49 tuổi có 2,1 con từ năm 2006 và duy trì cho đến nay. Tuy nhiên, mức sinh lại chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, tỉnh, thành phố, đặc biệt là xuất hiện xu hướng mức sinh thấp. 

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2021, mức sinh của khu vực thành thị, toàn bộ các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ (trừ Bình Phước) và vùng đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thực tế đều dưới mức sinh thay thế. Trong đó một số tỉnh, thành phố có mức sinh rất thấp tới 1,48 con.

Mức sinh thấp tác động trực tiếp, sâu sắc tới cơ cấu dân số, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động, tác động mạnh vào quá trình di cư, tăng nhanh quá trình già hóa dân số, suy giảm quy mô dân số. Đồng thời tác động sâu sắc tới cấu trúc gia đình, đời sống văn hóa - xã hội, kinh tế, lao động, việc làm và an sinh xã hội.

Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 nhấn mạnh mục tiêu "duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng". Đây là những định hướng chính sách về dân số rất kịp thời, nhằm cải thiện thực trạng mức sinh thấp tại một số vùng, tỉnh, thành phố, đặc biệt là nơi xuất hiện xu hướng mức sinh thấp. Để đạt được điều này đòi hỏi phải có chính sách, chiến lược hỗ trợ công tác dân số trong thời gian tới.

Việt Nam là một trong các quốc gia có tỉ lệ vô sinh cao, ảnh hưởng đến quy mô và cơ cấu dân số

Cũng tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Việt Nam là một trong các quốc gia có tỉ lệ vô sinh cao, ảnh hưởng đến quy mô và cơ cấu dân số trong tương lai, cũng như hàng triệu cá nhân, cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn chờ mong hạnh phúc làm cha, mẹ. 

39846419312478720525748871082316569987189576n-16996097014151722142341.jpg

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo

Ước tính mỗi năm có khoảng hơn 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, tỷ lệ khoảng 7,7%. Trong số này, khoảng 50% là cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30. Đặc biệt, tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) đang gia tăng đến 15-20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh.

GS. TS. Nguyễn Viết Tiến, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam cũng cho biết thêm, một trong những vấn đề quan trọng là tỷ lệ vô sinh của Việt Nam ở mức cao, chúng ta cần thảo luận những giải pháp can thiệp, hỗ trợ trong thời gian tới để giúp cho cá nhân, cặp vợ chồng hiếm muộn được hưởng hạnh phúc làm cha mẹ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ông Alexandre de Muralt, Phó Chủ tịch Châu Á - Thái Bình Dương, Merck Healthcare, chia sẻ với tư cách là công ty dược phẩm về lĩnh vực điều trị hỗ trợ sinh sản, góp phần tạo ra sự sống với hơn 5 triệu em bé đã ra đời bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm, tương đương với gần một nửa số em bé đã ra đời bằng phương pháp này trên toàn cầu kể từ năm 1978 đến nay, Merck Healthcare luôn mong muốn đóng góp vào việc tạo ra những tác động xã hội tích cực và giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022