Thông tin được bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn Thực phẩm TP HCM, nói tại hội nghị tổng kết năm 2024, ngày 10/1. Đây cũng là lý do góp phần đưa tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm ở TP HCM giảm so với các năm.
Cụ thể, các cơ sở vi phạm bị phạt hơn 812 triệu đồng, nhiều sản phẩm bị thu hồi như bánh kem, cà phê đóng bình, rau câu, trái cây... Cơ quan chức năng cũng tiêu hủy 1,5 tấn thực phẩm, kiểm dịch lại 349 con lợn và 1.310 kg thịt lợn.
Sở đã lấy hơn 5.300 mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm như thủy sản, thịt, nước đá, rau củ quả tại chợ đầu mối, siêu thị, chợ truyền thống, ghi nhận khoảng 15% vi phạm hóa lý, vi sinh. Năm tới, lực lượng chức năng sẽ tập trung kiểm tra các sản phẩm nguy cơ cao như nước uống đóng chai, nước đá, thủy hải sản...
Số vụ ngộ độc thực phẩm giảm cả về số lượng và quy mô, với 5 vụ được ghi nhận, không có vụ nào trên 30 người. Các vụ chủ yếu xảy ra tại bữa ăn gia đình, hàng rong trước cổng trường và một công ty ở Khu chế xuất Tân Thuận. Công tác phòng ngừa ngộ độc được đẩy mạnh tại bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp với nhiều đợt tập huấn, kiểm tra đột xuất.
Người dân mua sắm tại siêu thị TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
Bà Lan cho biết bên cạnh chống thực phẩm bẩn, Sở tập trung xây dựng thực phẩm sạch với việc hỗ trợ phát triển chuỗi thực phẩm sạch, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các cơ sở kinh doanh.
Tuy nhiên, khó khăn lớn là thiếu quy định quản lý thực phẩm trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội, cùng tình trạng kinh doanh không phép, hàng rong, buôn bán tự phát tại khu vực đông người như trường học, bệnh viện, chợ. Ý thức người dân cũng là thách thức, khi nhiều người vẫn chọn thực phẩm trôi nổi vì giá rẻ, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Sở sẽ tiếp tục tăng cường thanh kiểm tra, xử lý vi phạm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, điểm tập kết, vận chuyển thực phẩm tự phát, đảm bảo trật tự an toàn thực phẩm.
Sở An toàn Thực phẩm TP HCM chính thức thành lập ngày 1/1/2024, thay thế mô hình thí điểm Ban Quản lý An toàn Thực phẩm. Đây là cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND TP HCM, chịu trách nhiệm tham mưu, quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật. Những nhiệm vụ này trước đây thuộc các Sở Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương.
Thành phố đang đề xuất tiếp tục thí điểm Sở An toàn thực phẩm theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98.
Lê Phương