
Theo tạp chí y khoa Cureus vào ngày 15, một bệnh viện ở Bồ Đào Nha đã báo cáo trường hợp một bệnh nhân bị đau vai và đau đầu do nghiến răng.
Bệnh nhân là một phụ nữ 19 tuổi, liên tục bị đau vai, đau đầu và mệt mỏi mà không có bất kỳ chấn thương hay hoạt động thể chất quá mức nào. Ban đầu, việc xác định nguyên nhân của các triệu chứng này gặp nhiều khó khăn.
Kết quả khám lâm sàng cho thấy bệnh nhân bị đau ở vùng cổ và vai, đồng thời có dấu hiệu mòn rõ rệt trên bề mặt răng. Sau đó, bệnh nhân nhận ra rằng mình đã vô thức nghiến răng không chỉ khi ngủ mà còn cả khi thức.

Tiền sử bệnh lý của bệnh nhân bao gồm chứng rối loạn lo âu, và cô đang sử dụng thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRI). Bệnh nhân cũng đã từng điều trị tâm lý và tư vấn tâm lý không thường xuyên.
Sau 2 tuần điều trị bằng thuốc và đeo máng nhai (thiết bị ổn định khớp cắn) được thiết kế riêng, các triệu chứng lo âu, đau đầu và đau cơ của bệnh nhân đã giảm đáng kể. Chất lượng giấc ngủ của cô cũng được cải thiện và cơn đau dần biến mất.
Các bác sĩ cho biết: "Vì nghiến răng thường xảy ra mà bệnh nhân không nhận thức được nên việc chẩn đoán sớm là vô cùng quan trọng. Việc kiểm tra kỹ lưỡng tình trạng răng miệng, tiền sử sức khỏe tâm thần là cần thiết để chẩn đoán chính xác" .

Nghiến răng khi ngủ là gì?
Nghiến răng khi ngủ là tình trạng hai hàm răng siết chặt vào nhau hoặc nghiến qua lại một cách vô thức trong lúc ngủ. Âm thanh ken két do răng cọ xát vào nhau có thể đủ lớn để làm phiền người ngủ bên cạnh, nhưng đôi khi lại diễn ra âm thầm mà chính người bệnh không hề hay biết cho đến khi xuất hiện các triệu chứng hoặc biến chứng. Nghiến răng khi ngủ được xếp vào một dạng rối loạn vận động trong giấc ngủ.
Mức độ nguy hiểm của thói quen nghiến răng khi ngủ
Mặc dù một số trường hợp nghiến răng chỉ ở mức độ nhẹ và không gây biến chứng nghiêm trọng, nhưng nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên, kéo dài và nặng, nó có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe đáng lo ngại:
Tổn thương răng miệng nghiêm trọng
Hậu quả rõ ràng nhất của nghiến răng là tổn thương trực tiếp đến răng. Lực siết mạnh và liên tục (có thể lên tới hàng trăm kg) sẽ bào mòn lớp men răng cứng chắc, làm lộ ngà răng bên trong, gây ê buốt răng khi ăn nóng, lạnh, chua, ngọt.
Nghiêm trọng hơn, răng có thể bị nứt, mẻ, gãy vỡ, đặc biệt là những răng đã có miếng trám hoặc mão sứ. Về lâu dài, nghiến răng còn có thể khiến răng bị lung lay và thậm chí là mất răng. Không chỉ vậy, các phục hình nha khoa như trám răng, mão răng, cầu răng hay implant cũng dễ bị hư hại do áp lực này.

Rối loạn khớp thái dương hàm
Nghiến răng liên tục gây áp lực và căng thẳng quá mức lên khớp thái dương hàm – khớp nối xương hàm dưới với xương sọ, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc ăn, nói. Điều này dẫn đến các triệu chứng khó chịu như: Đau mỏi hàm, khó há miệng, đau lan, phì đại cơ cắn...
Đau đầu
Nghiến răng cũng là nguyên nhân phổ biến gây ra đau đầu mãn tính, đặc biệt là đau đầu căng thẳng thường xuất hiện vào buổi sáng, tập trung ở vùng thái dương. Các cơ mặt và cổ căng thẳng liên tục cũng dẫn đến đau mặt.
Nếu bạn hoặc người thân thường xuyên bị đau hàm, đau đầu vào buổi sáng, răng bị mòn, nứt, ê buốt bất thường, hoặc nghe thấy tiếng nghiến răng, hãy đến gặp nha sĩ hoặc bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Nghiến răng không chỉ do các yếu tố sinh học mà còn do sự kết hợp của căng thẳng tâm lý, lo lắng và thói quen. Do đó, việc điều trị cần một phương pháp tiếp cận đa ngành, bao gồm tâm thần học, tư vấn tâm lý và điều trị nha khoa, thay vì chỉ dựa vào một phương pháp đơn lẻ. Trường hợp của bệnh nhân này đã được điều trị bằng cách điều chỉnh thuốc, trị liệu tâm lý và đeo máng nhai, và chỉ sau 2 tuần đã thấy hiệu quả giảm đau và kiểm soát lo âu rõ rệt.