Nghiên cứu do Đại học Duke và Đại học Vanderbilt thực hiện, được công bố trên Tạp chí Y học New England ngày 17/7. Các chuyên gia mô tả kỹ thuật đơn giản nhằm đánh giá và bảo quản tim từ người ngừng tuần hoàn (DCD). Đây là các trường hợp người bệnh không còn khả năng phục hồi nhưng não chưa chết hoàn toàn, gia đình đồng ý rút thiết bị hỗ trợ sự sống. Tim sẽ ngừng đập sau vài phút, khiến việc sử dụng nội tạng trở nên phức tạp hơn.

"Những quả tim DCD hoạt động tốt như tim từ người hiến tặng chết não", bác sĩ Aaron M. Williams, trưởng nhóm nghiên cứu tại Vanderbilt, khẳng định.

Cách truyền thống bảo quản tim hiến tặng

Hiện nay, phần lớn tim hiến được lấy từ người chết não và vẫn duy trì sự sống nhờ máy thở. Tuy nhiên, trong trường hợp tử vong do ngừng tuần hoàn, tim có thể bị tổn thương vì thiếu oxy. Để xử lý, một số trung tâm sử dụng kỹ thuật tưới máu nhiệt độ bình thường (NRP), tức bơm máu có oxy trở lại các cơ quan sau khi ngừng tim nhưng không cung cấp lên não. Phương pháp này vẫn gây tranh cãi về đạo đức và bị cấm tại một số bệnh viện.

Ngoài ra, có thể hồi sinh tim DCD bằng cách đưa vào máy bơm chất dinh dưỡng và máu trong quá trình vận chuyển, nhưng thiết bị này đắt đỏ và không phù hợp với trẻ sơ sinh.

Cách tiếp cận mới tại Duke và Vanderbilt

Để khắc phục, nhóm tại Duke đã thử nghiệm một kỹ thuật đơn giản hơn: lấy tim ra, đặt lên bàn phẫu thuật vô trùng, nối với một hệ thống ống truyền máu và oxy để kiểm tra khả năng hoạt động. Phương pháp này đã thành công khi áp dụng trên một ca ghép tim cho trẻ 3 tháng tuổi, sử dụng tim hiến từ một em bé 1 tháng tuổi ở bệnh viện không cho phép dùng kỹ thuật NRP.

"Chỉ mất 5 phút để thấy tim đập và có màu hồng khỏe mạnh", bác sĩ Joseph Turek, người dẫn đầu nhóm tại Duke, cho biết. Sau khi đánh giá xong, tim được làm lạnh và vận chuyển đến bệnh viện để tiến hành cấy ghép.

Trong khi đó, tại Vanderbilt, nhóm của Williams chỉ cần truyền dung dịch bảo quản lạnh giàu dinh dưỡng vào tim trước khi lấy ra, tương tự quy trình với người hiến tặng chết não. Cách này đã được áp dụng cho khoảng 25 ca ghép tim thành công tại bệnh viện.

"Cách làm này giúp bổ sung dưỡng chất bị mất và bảo vệ tim trong quá trình di chuyển", Williams nói.

doctor-heart-operation-1083202-8323-5446-1752851837.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=i9QjveEyl1g2gfsfgW4I5A

Một ca phẫu thuật ghép tim. Ảnh: Adobe Stock

Thách thức về nguồn cung tim ghép

Tình trạng thiếu tim hiến tặng vẫn là vấn đề lớn. Tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 700 trẻ em cần ghép tim, nhưng khoảng 20% trong số đó tử vong khi đang chờ đợi. Với người lớn mắc suy tim giai đoạn cuối, nhu cầu càng cao hơn.

Dù số người chết do ngừng tuần hoàn chiếm tới 43% số người hiến tặng năm ngoái, chỉ khoảng 800 trong hơn 4.500 ca ghép tim sử dụng nguồn này. Việc mở rộng khả năng sử dụng tim DCD được xem là hướng đi cần thiết để cứu sống thêm nhiều bệnh nhân.

"Đổi mới để phục hồi nội tạng từ người chết tuần hoàn là điều tối quan trọng nếu muốn giảm tình trạng khan hiếm tạng hiến", Brendan Parent, chuyên gia đạo đức y sinh tại NYU Langone Health, nhận định. Ông cho rằng nếu các phương pháp mới chứng minh được hiệu quả, chúng có thể được áp dụng rộng rãi tại các bệnh viện vốn không thực hiện NRP.

Thục Linh (Theo NY Post)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022