Sau thời gian quen bạn gái qua mạng xã hội, nam sinh viên 22 tuổi quyết định gặp mặt, quan hệ tình dục nhưng không sử dụng các biện pháp an toàn. Thanh niên này dùng nước muối sinh lý để vệ sinh vùng kín vì cho rằng điều này có thể “rửa trôi” nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Khoảng một tháng sau, nam thanh niên thấy các nốt mềm nhỏ ở vùng sinh dục, kèm theo ngứa nhẹ và tiết dịch. Nam sinh tự mua thuốc bôi mà không đi khám. Khi các tổn thương lan rộng, kết thành mảng giống “mào gà” và tiết dịch ngứa nhẹ, anh mới tìm đến cơ sở y tế chuyên khoa.

  • Nghiên cứu dự đoán gần 12 triệu người sinh từ 2008-2017 có thể mắc ung thư dạ dày vì loại vi khuẩn này

ThS.BSCKII Nguyễn Tiến Thành – thành viên Hội Da liễu Việt Nam chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh sùi mào gà. Đây là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến, do virus HPV (Human Papillomavirus) gây ra.

“Nhiều người trẻ vẫn hiểu sai, cho rằng rửa sạch bằng nước muối hay dung dịch vệ sinh sau quan hệ là đủ để phòng bệnh. Thực tế, nước muối không có khả năng tiêu diệt virus HPV, bác sĩ Thành nói.

nam-thanh-nien-mac-benh-tinh-duc-11392988-1752055997048-17520559971131401194063.jpg

Quan hệ không an toàn với bạn gái quen qua mạng, nam sinh bị các nốt mềm nhỏ, đi khám được chẩn đoán mắc sùi mào gà. (Ảnh minh hoạ)

HPV có hơn 100 chủng, trong đó HPV 6 và 11 thường gây sùi mào gà, còn HPV 16 và 18 là các chủng nguy cơ cao, liên quan đến ung thư cổ tử cung, dương vật, hậu môn, vòm họng. Ban đầu, các tổn thương thường không gây đau, chỉ là vài nốt sùi nhỏ, mềm, khó phát hiện. Nếu không điều trị sớm, tổn thương lan rộng, dễ lây nhiễm cho bạn tình và rất khó kiểm soát.

Hiện có nhiều phương pháp điều trị sùi mào gà, tùy thuộc vào vị trí, số lượng, kích thước tổn thương, tình trạng miễn dịch của bệnh nhân và điều kiện cơ sở y tế.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 80% người từng có quan hệ tình dục sẽ nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời. Tuy nhiên, không phải ai nhiễm cũng có triệu chứng hoặc biến chứng nghiêm trọng. Việc tiêm vaccine phòng HPV là biện pháp chủ động và hiệu quả nhất hiện nay.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo: Nên tiêm vaccine HPV cho cả nam và nữ từ 9–14 tuổi để đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu. Tại Việt Nam, vaccine Gardasil 9 được sử dụng rộng rãi, phòng ngừa 9 chủng HPV thường gặp và có thể tiêm cho người đến 45 tuổi.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022