Ngày 12/12, bác sĩ Dương Minh Thành, Trưởng Khoa Sản II, Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang, cho biết trước đó sản phụ mang ngôi thai ngược, nhau cài răng lược, vỡ ối, sinh non ở tuần thai thứ 31. Sau sinh 10 ngày, bệnh nhân sốt cao liên tục, nhập viện cấp cứu, các bác sĩ tiêm thuốc co hồi tử cung, siêu âm xác định bị sót nhau trong buồng tử cung song không thể nạo được, nguy cơ cắt tử cung để bảo toàn tính mạng.
Theo bác sĩ, có hai nguyên nhân khiến việc lấy nhau còn sót lại ở tử cung sản phụ không thành công. Thứ nhất, góc sừng tử cung vẹo nên không thể đưa dụng cụ vào sâu để nạo. Thứ hai, nhau cài răng lược thường bám chặt vào góc sừng phải tử cung - nơi thai làm tổ nên bị giãn mỏng và có nhiều mạch máu. Nếu đưa dụng cụ vào tới được góc sừng phải tử cung để nạo thì dễ làm rách cơ tử cung, khiến sản phụ bị băng huyết và tử vong. Trong trường hợp này, phẫu thuật là giải pháp duy nhất.
"Tuy nhiên, tử cung bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng, nếu can thiệp lấy nhau rất dễ gây thủng và rách cơ tử cung", bác sĩ nói. Ngoài ra, góc sừng phải tử cung bị phồng căng thành một khối có đường kính khoảng 10 cm mật độ mềm, có nhiều mạch máu tăng sinh nổi lên bề mặt khiến cuộc mổ thêm phần khó. Do đó, cắt tử cung là biện pháp an toàn nhất.
Sau khi hội chẩn, bác sĩ quyết định phẫu thuật để nạo vét hết nhau còn sót lại, cố gắng bảo tồn tử cung cho sản phụ. Để ngăn chặn máu chảy ra, ê kíp mổ thắt tạm thời hai động mạch tử cung và động mạch buồng trứng tử cung, tiếp đó mở góc sừng tử cung lấy hết tổ chức nhau và khâu phục hồi cơ tử cung. Ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi, bệnh nhân qua nguy kịch, bảo toàn tử cung.
Một tuần sau, sức khỏe bệnh nhân ổn định, đủ điều kiện xuất viện. Bé gái chào đời nhẹ cân, suy hô hấp cũng hồi phục nhanh, sức khỏe tốt.
Các bác sĩ phẫu thuật cấp cứu cho sản phụ bị nhau cài răng lược. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Nhau cài răng lược là bệnh lý sản khoa xảy ra khi một phần hay toàn bộ bánh nhau bám đến lớp cơ tử cung hoặc đâm xuyên qua thành tử cung. Thai phụ bị nhau cài răng lược có nguy cơ băng huyết sau sinh, rối loạn đông cầm máu, thậm chí tử vong. Nếu không lấy được nhau hoặc sau bóc nhau mà chảy máu thì bác sĩ phải cắt tử cung để cầm máu.
Để phát hiện sớm nhau cài răng lược và hạn chế biến chứng trong khi đẻ, thai phụ cần theo dõi sát thai kỳ, khám thai tại các cơ sở y tế. Trường hợp nghi ngờ, bác sĩ sẽ kết hợp siêu âm Doppler và chụp cộng hưởng từ MRI để đánh giá mức độ xâm lấn vào cơ tử cung. Người từng có tiền sử mổ đẻ thì nên chờ tối thiểu 24 tháng mới mang thai trở lại. Khi mới mang thai cần siêu âm xem vị trí làm tổ của thai. Nếu phát hiện thai làm tổ ở vị trí bất thường như góc sừng tử cung, vết mổ đẻ cũ, bác sĩ sẽ theo dõi và có biện pháp để hạn chế tai biến sản khoa nguy hiểm.
Minh An