Trong phòng sinh thiết, bệnh nhân nữ 37 tuổi nằm sấp trên bàn máy chụp cắt lớp vi tính (CT), dưới cánh tay Robot MaxiO. Hai hệ thống này kết nối, đồng bộ dữ liệu cùng nhau. Người phụ nữ đau lưng hơn ba tháng, phim MRI có tổn thương ở đốt sống thắt lưng thứ ba, cần sinh thiết xem bản chất vùng bất thường là gì. Đó có thể là viêm, lao cột sống, chưa loại trừ tổn thương ác tính như ung thư xương hay ung thư từ nơi khác đến di căn vào xương...

Bác sĩ sinh thiết cột sống cho người bệnh 37 tuổi, dưới sự hỗ trợ của robot và hệ thống máy CT. Ảnh: Lê Phương
Thay vì nằm tự do, người bệnh được bác sĩ Phạm Viết Hoạt, Khoa Xạ trị, Viện Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Quân y 175, cùng êkíp cố định bằng nệm hút chân không, giúp giảm nguy cơ xê dịch trong quá trình sinh thiết. Đây là sáng kiến của các bác sĩ vì nệm này vốn dĩ không phải trang bị với mục đích sinh thiết xương, mà dùng cho người bệnh xạ trị.
Sau khi cố định bệnh nhân, êkíp chụp CT để định khu vùng tổn thương. Hình ảnh CT này được đồng bộ lên màn hình robot để bác sĩ Hoạt xác định vị trí, độ sâu, đường hướng chọc kim sinh thiết theo không gian ba chiều. Dưới sự dẫn đường của robot, bác sĩ gây tê, rạch da chọc kim sinh thiết và chụp CT một lần nữa để kiểm tra. Xác định kim đã đến đúng vị trí, bác sĩ khoan xương, đồng thời hút dịch cho vào các lọ để gửi làm xét nghiệm phục vụ chẩn đoán và điều trị.
"Khi không có robot chỉ đường, định vị chính xác tọa độ, bác sĩ thường chọc kim dựa vào kinh nghiệm, phải chụp CT kiểm tra nhiều lần, thậm chí nhiều trường hợp không dám sinh thiết do tổn thương gần những cấu trúc giải phẫu quan trọng", bác sĩ nói. Đâm kim nhiều lần không chỉ gây đau đớn, dễ biến chứng mà còn kéo dài thời gian, tăng tiếp xúc liều phóng xạ.
Khi bác sĩ thông báo hoàn tất cuộc sinh thiết sau khoảng 15 phút, người phụ nữ đứng dậy, tự đi ra ngoài, tốn chi phí chưa tới hai triệu đồng. Nếu sinh thiết bằng phẫu thuật, chị phải gây mê, trải qua nhiều giờ trên bàn mổ và nằm viện vài ngày để chăm sóc hậu phẫu, tốn khoảng 20-30 triệu đồng kèm nhiều rủi ro.

Hình ảnh vùng tổn thương và đường đi của kim hiển thị trên phim chụp CT trực tiếp tại chỗ, giúp bác sĩ xác định kim đã đến đúng nơi cần sinh thiết hay chưa. Ảnh: Lê Phương
Hơn hai năm qua, khoảng 150 bệnh nhân đã được sinh thiết xương bằng Robot MaxiO, đặc biệt là những vị trí khó như nền sọ, cột sống cổ, cột sống ngực, cột sống thắt lưng... Đây là sáng kiến của bác sĩ Bệnh viện Quân y 175, vừa được vinh danh Thành tựu y khoa Việt Nam 2024.
Hệ thống robot này bệnh viện trang bị từ năm 2019 để sinh thiết các mô mềm, u tạng đặc như gan, phổi..., giúp nhiều người bệnh được thực hiện bằng CT kết hợp robot, đem lại an toàn, hiệu quả vượt trội. Tuy nhiên, với lĩnh vực gây nhiều thách thức là sinh thiết vùng cột sống, robot lại chưa thể hỗ trợ, khiến các bác sĩ "loay hoay tìm cách, đặt ra nhiều câu hỏi để tìm giải pháp".
Bác sĩ Ngô Đăng Hưởng, Khoa Xạ trị, cho biết ở những trường hợp khó của xương cột sống, việc "đâm kim mù", tức không có robot mà chỉ đơn thuần dựa vào CT, đòi hỏi phải tiến từng mm một. Nếu không cẩn thận, kim đâm vào dây thần kinh, tủy sống có thể để lại di chứng yếu liệt, tiểu tiện không tự chủ. Khi đâm trúng mạch máu lớn, người bệnh có thể mất máu, tử vong ngay trên bàn sinh thiết.
Trong khi đó, trở ngại lớn nhất nếu triển khai robot là kim sinh thiết xương phải có kích thước lớn hơn kim sinh thiết mô mềm. Để có thể khoan qua cấu trúc xương cứng, bác sĩ cần xoay lắc mạnh. Cánh tay của robot không thể hỗ trợ thực hiện thao tác này. Do đó, việc dùng robot để thực hiện toàn bộ quy trình sinh thiết xương như với mô mềm là không khả thi.
Theo Ths.BS Phạm Thành Luân, sau khi bàn bạc, nhóm quyết định chỉ nhờ robot dẫn đường đến vỏ xương, sau đó bác sĩ tiếp tục quy trình khoan cắt bằng tay như cũ. Sau khi cải tiến, được hội đồng chuyên môn chấp thuận, bệnh viện bắt đầu triển khai thường quy.
Kể từ đó, các ca sinh thiết xương giảm từ 45-60 phút xuống còn khoảng 15-20 phút, hạn chế liều chiếu xạ lên người bệnh và nhân viên y tế. Việc khoan cắt xương rất an toàn và chính xác so với cách làm cũ là chỉ chọc kim theo kinh nghiệm của bác sĩ, chưa có ca nào tổn thương thần kinh, yếu liệt. Không ít trường hợp trước đây không thể sinh thiết đơn thuần bằng CT, buộc phải mổ mở với tính tàn phá rất cao, nay có thể thực hiện nhẹ nhàng nhờ robot.
"Trước đây việc sinh thiết đòi hỏi bác sĩ có tay nghề cao, quen ước lượng để đâm kim mù chính xác, giờ có robot hỗ trợ thì vai trò này không còn quá quan trọng vẫn có thể giúp người bệnh được xử trí tốt nhất", bác sĩ Luân nói.

Bác sĩ Bệnh viện Quận y 175 sinh thiết cho người bệnh dưới sự hướng dẫn của robot. Video: Tuấn Việt
Lê Phương