Người nhà cho biết một tháng nay bệnh nhân ăn uống kém, đau nhức miệng khi ăn kèm theo mệt mỏi, sút cân, vùng rìa lưỡi phải có khối u to nhưng không đi khám. Gần đây, khối u to, không thể ăn uống, gia đình mới đưa ông đi khám.
Ngày 23/9, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, cho biết kết quả sinh thiết xác định ung thư lưỡi. Ê kíp phối hợp bác sĩ Bệnh viện K, phẫu thuật cắt bán phần lưỡi phải, tạo hình lưỡi, vét hạch cổ phải.
Hiện, bệnh nhân ổn định, ăn uống, nói chuyện bình thường, tiếp tục theo dõi và tái khám định kỳ.
Kíp bác sĩ phẫu thuật xử lý khối u lưỡi cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Ung thư lưỡi thường xảy ra ở nhóm 50-60 tuổi. Đây là bệnh ác tính, do lưỡi có nhiều mạch máu nên dễ di căn đến hạch cổ và các cơ quan nội tạng khác.
Nhóm nguy cơ mắc ung thư lưỡi là người có răng bị mòn, mẻ, mọc lệch khiến răng cọ vào bờ lưỡi gây tổn thương, viêm bờ lưỡi mạn tính. Tình trạng viêm mạn tính nếu không được kiểm soát có thể sinh ra các tế bào lạ và chuyển thành ung thư. Người có răng sâu, tổn thương vùng răng lợi mạn tính, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, hoặc nhiễm virus HPV (type 11, 16) cũng nguy cơ mắc bệnh.
Dấu hiệu thường gặp nhất là vết sùi loét không lành trên lưỡi kéo dài từ 4 tuần trở lên, đau rát lưỡi, khó ăn uống và nói chuyện. Bệnh dễ bị nhầm lẫn với bệnh khác như nhiệt miệng, dễ bị bỏ qua.
Bác sĩ khuyến cáo mọi người cần điều trị sớm các tổn thương vùng răng miệng, khám sức khỏe định kỳ. Trường hợp có tổn thương viêm bờ lưỡi mạn tính nên khám 6 tháng một lần.
Ung thư lưỡi giai đoạn sớm có thể điều trị triệt căn bằng phẫu thuật. Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân phải kết hợp phẫu thuật, xạ trị và hóa trị.
Thùy An