GS.TS.BS Trần Trung Dũng - Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao, trực thuộc Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Times City - cho biết suốt sự nghiệp, ông chưa từng gặp ca bệnh tương tự. Từ đầu năm, nam sinh Hà Nội xuất hiện triệu chứng tê bì vùng xương chậu, vận động khó khăn, dáng đi bất thường. Cậu thăm khám nhiều nơi, được chẩn đoán chấn thương nhẹ phần mềm do chơi thể thao.

Tình trạng trở nặng, chàng trai 19 tuổi đến Vinmec, bác sĩ phát hiện khối u lớn 20 cm ở vùng tiểu khung sàn chậu. "Khối u lồi ra tương tự bào thai trong ổ bụng, nhưng thò một chân ra ngoài. Nó như tảng đá khổng lồ dính vào khung chậu, chèn ép lên cơ quan nội tạng. Tôi tra cứu văn thế giới, chưa có ca nào như vậy được ghi nhận", GS.TS Trần Trung Dũng nói.

Nếu không sớm loại bỏ, nam sinh có thể bị teo cơ chân trái, đe dọa trực tiếp tính mạng. Giáo sư lý giải bản chất bệnh là ung thư sụn. U xương có tính cản quang, còn u sụn thì không. Do đó, nó gần như "tàng hình" trên phim X-quang. Giải phẫu bệnh bước đầu xếp ca này vào nhóm ác tính thấp, tiến triển trong thời gian dài (3-4 năm) nhưng không di căn. Khám lâm sàng không sờ thấy vì u nằm sâu trong ổ bụng.

"Ngoài ra, ung thư xương khá hiếm gặp, tại Việt Nam mỗi năm ghi nhận hơn 200 ca mắc mới, bác sĩ bỏ sót là dễ hiểu. Do chuyên về ung thư, chúng tôi đặt nghi vấn ngay. Khi kết luận chính thức là u xương, bệnh nhân lẫn gia đình rất sốc", giáo sư nói.

Anh-2-4287-1695380886.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=y8IctF6HvEVEh8cqwCw72Q

GS.TS Trần Trung Dũng thăm khám cho nam sinh 19 tuổi, khuyên bệnh nhân lạc quan, không nên lo lắng. Ảnh: NVCC

Với ung thư sụn, phẫu thuật là "cửa sống" duy nhất bởi hóa chất không đáp ứng, xạ trị chỉ có tác dụng hỗ trợ sau mổ. Ngay từ đầu, đội ngũ Vimec xác định ca này rất khó, tỷ lệ rủi ro cao.

Cụ thể, khối u "khủng" được nuôi dưỡng bởi hệ thống mạch máu lớn, phức tạp. Xung quanh nó là bộ phận quan trọng như hệ tiêu hóa, tiết niệu, cột sống, khung chậu, mạch máu... Nếu không xác định rõ mối tương quan giữa khối u và những thành phần này, khối u có thể chảy máu dữ dội, khó kiểm soát khi phẫu thuật.

Giáo sư Trung Dũng cho biết người bệnh có thể mất tới hơn 10 lít máu trong quá trình mổ. Khi đó, bệnh nhân có thể tử vong do mất máu, biến chứng trước cả khi tử vong vì ung thư. Chưa kể, nam sinh còn rất trẻ, bác sĩ cần phải tính toán bảo toàn chức năng sinh sản.

"Trước kẻ thù mạnh và nguy hiểm, đấu pháp hiệu quả nhất là đánh từ nhiều hướng, phân tán lực lượng của 'quân địch' để tiêu diệt. Khối u khủng này cũng vậy, chúng tôi thiết lập 'chiến dịch' tổng thể, bài bản, với sự tham gia của các chuyên khoa. Ba giai đoạn, kế hoạch phối hợp, vào ra nhịp nhàng, ăn khớp", bác sĩ tiết lộ.

Hôm 12/9, trước phẫu thuật một ngày, các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh tiến hành nút các mạch máu lớn cung cấp cho khối u nhằm hạn chế tối đa lượng máu mất trong lúc mổ. Bác sĩ ví von khâu này như cắt đường chi viện của kẻ thù trước "trận đánh".

Tiếp đó, bác sĩ tim mạch, tiêu hóa và tiết niệu nhập cuộc với một đường mổ ngang trên bụng, tương tự các ca sinh mổ, đảm bảo tính thẩm mỹ cho bệnh nhân. Ở giai đoạn này, nhiệm vụ của họ là bóc tách, "giải phóng" các cơ quan như niệu quản, bàng quang, trực tràng... khỏi khối u.

Bước kế tiếp, các chuyên gia chấn thương chỉnh hình mở đường mổ thứ hai từ phía sau đùi để loại bỏ khối u. Suốt thời gian mổ, bác sĩ gây mê giảm đau phải liên tục theo sát, căn chỉnh nhằm giúp bệnh nhân giữ trạng thái ổn định, hạn chế tối đa biến chứng sau mổ. Sau 8 tiếng, giáo sư Trung Dũng và đội ngũ cũng thở phào vì thành công.

Chỉ sau một tuần, nhờ áp dụng thêm kỹ thuật không đau sau mổ, nam sinh có thể đi lại bình thường, phục hồi nhanh và xuất hiện hôm 20/9.

Phối hợp đa chuyên khoa là yếu tố quan trọng giúp ca mổ thành công, theo Giáo sư Trung Dũng. Mỗi khoa phải dự phòng hàng chục tình huống rủi ro để phòng tránh, cũng như lên các phương án ứng phó.

Hội đồng Ung thư Vinmec quy tụ chuyên gia nước ngoài và dàn giáo sư, bác sĩ đầu ngành trong nước. Khi chưa qua hội đồng này thì chưa được điều trị. Cách tiếp cận điều trị ung thư này theo tiêu chuẩn quốc tế.

Anh-1-9586-1695380886.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9W0AGSdNYMWgQdVhe8Nv1A

GS.TS.BS Trần Trung Dũng hiện là Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao Vinmec. Ảnh: NVCC

Bác sĩ cũng đánh giá cao hiệu quả của công nghệ in 3D trong ca mổ. Do khối u có kích thước lớn và ở vị trí phức tạp, hình dung qua các hình ảnh chụp cắt lớp hay siêu âm khá mơ hồ. Khi in 3D theo đúng nguyên mẫu với tỷ lệ 1:1, phẫu thuật viên có cái nhìn trực quan toàn bộ khối u, từ đó lên kế hoạch loại bỏ, hạn chế biến chứng.

Hiện các ca phẫu thuật về xương, khớp hay ung thư tại Vinmec 100% đều thực hiện quy trình 3 bước: một lần mổ ảo trên phần mềm; một lần mổ thực nghiệm trên mô hình, khi chắc chắn mới mổ chính thức trên người bệnh. Bệnh viện có sự hậu thuẫn từ Vingroup, đồng hành của Đại học VinUni và đầu tư trang thiết bị hiện đại, tương tự các labo hàng đầu về in 3D toàn cầu.

Vạn Phát

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022