Theo lời bệnh nhân, bà đã tự nhổ khoảng 0,5 kg cây me đất trong vườn, sử dụng cả rễ và củ, rửa sạch rồi đun kỹ với 1,5 lít nước cho đến khi còn lại 600 ml, chia thành ba cốc lớn. Bà uống hai cốc và cho mẹ 85 tuổi uống một cốc, nhằm mục đích thải độc, thanh nhiệt, làm mát cơ thể.

Ngay sau đó, cả hai đều cảm thấy khó chịu. Riêng người phụ nữ xuất hiện triệu chứng buồn nôn, nôn, sau đó mệt mỏi, đau đầu, choáng váng. Sau hai ngày không thấy cải thiện, bà nhập viện kiểm tra.

Xét nghiệm tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho thấy chỉ số creatinine máu tăng cao bất thường, xác nhận tổn thương thận cấp. Mẫu nước sắc và cây do bệnh nhân mang tới được xác nhận là me đất hóa đỏ (Oxalis corymbosa DC), chứa hàm lượng lớn axit oxalic, chất đã gây ra tình trạng ngộ độc và suy thận khi dùng ở liều cao.

1-1745327955-3690-1745328080.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=PKAIKikpEJkmYiIIf-ETnQ

Hình ảnh cây me đất mà bệnh nhân đun uống. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, cho biết axit oxalic là axit hữu cơ mạnh, dễ kết hợp với canxi tạo thành tinh thể canxi oxalat, gây lắng đọng tại thận, gan, mật, tụy, các khớp hoặc tạo sỏi tiết niệu.

Ở liều lớn, axit oxalic gây kích ứng niêm mạc ruột, thậm chí có thể gây tử vong nếu sử dụng 4-5 g nguyên chất. Trong bữa ăn hàng ngày, axit oxalic thường gặp ở các loại rau, quả chua, chát như khế, củ cải đường, cải bó xôi, ca cao..., song lượng hấp thụ tự nhiên này không gây hại đến sức khỏe.

Phân tích các trường hợp ngộ độc từng tiếp nhận trước đây, bác sĩ Nguyên ghi nhận phần lớn là do uống nhầm hóa chất chứa axit oxalic. Trường hợp bệnh nhân sử dụng cây me đất sắc nước uống dẫn đến ngộ độc là ca đầu tiên được ghi nhận, khi tham khảo trong y văn thế giới cũng chưa thấy báo cáo nào tương tự.

Theo bác sĩ, trường hợp này nhấn mạnh nguy cơ ngộ độc khi tự ý sử dụng các loại cây cỏ làm thuốc mà không có hướng dẫn chuyên môn. Ngay cả những loại thảo dược tưởng chừng lành tính cũng có thể gây hậu quả nghiêm trọng nếu dùng liều lượng lớn hoặc kéo dài, đặc biệt khi chưa được kiểm chứng khoa học hoặc chưa trải qua các nghiên cứu độc tính đầy đủ.

Bác sĩ khuyến cáo người dân không nên tin vào các thông tin lan truyền hoặc truyền miệng về tác dụng chữa bệnh của cây cỏ, tránh tự ý sử dụng dẫn tới những hậu quả đáng tiếc. Khi có bệnh, cần đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị đúng chỉ định của thầy thuốc.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022