Nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Y học New England, số ra tháng 4. Tiến sĩ Christina Magnussen, Phó giám đốc Khoa Tim mạch tại Trung tâm Y tế Đại học Hamburg-Eppendorf (Đức), nhận định 5 yếu tố nguy cơ này chiếm khoảng 50% gánh nặng bệnh tim mạch toàn cầu.
Bà đặt câu hỏi: nếu kiểm soát hoặc loại bỏ những yếu tố này từ tuổi trung niên, liệu chúng ta có thể sống lâu hơn bao nhiêu năm?
Dựa trên dữ liệu từ hơn 2 triệu người tại 39 quốc gia, các chuyên gia nhận thấy nam giới có đầy đủ 5 yếu tố nguy cơ sẽ mất gần 12 năm tuổi thọ, trong khi nữ giới mất đến 14,5 năm so với những người không có yếu tố nguy cơ nào.
Nam giới không có yếu tố nguy cơ có khả năng tử vong trước 90 tuổi là 68%, nhưng nếu có đủ 5 yếu tố nguy cơ, tỷ lệ này sẽ tăng lên 94%. Đối với nữ giới, tỷ lệ tử vong trước 90 tuổi sẽ tăng từ 53% lên 88% khi mang đủ 5 yếu tố nguy cơ. Tuy nhiên, nếu kiểm soát được 5 yếu tố nguy cơ này, tuổi thọ kéo dài thêm khoảng 5 năm.

Một người đang được đo huyết áp tại bệnh viện. Ảnh: Pexel
Trong số các yếu tố nguy cơ, hút thuốc và huyết áp cao là hai yếu tố gây hại nhất. Bỏ thuốc lá ở tuổi 55 giúp phụ nữ sống thêm trung bình 2,1 năm, nam giới là 2,4 năm. Hạ huyết áp ở tuổi này cũng giúp hạn chế các vấn đề về tim, kéo dài tuổi thọ thêm 2,4 năm đối với nữ giới và 1,2 năm đối với nam giới.
Tiến sĩ Magnussen khuyến nghị cần triển khai các biện pháp can thiệp nhắm đến từng yếu tố nguy cơ cụ thể, đặc biệt trong độ tuổi trung niên. Bà nhấn mạnh: "Tăng huyết áp và hút thuốc nên là hai trọng tâm chính trong phòng bệnh ban đầu".
Giáo sư Holger Thiele, Giám đốc Trung tâm Tim Leipzig (Đức), kết luận: "Nghiên cứu cho thấy, ngay cả ở tuổi 50, con người vẫn có thể thay đổi lối sống và áp dụng các chiến lược phòng ngừa để cải thiện đáng kể tuổi thọ của mình".
Nghiên cứu của các chuyên gia Đại học Hamburg-Eppendorf và Trung tâm Tim Leipzig không phải là công trình duy nhất cho thấy sự tác động mạnh mẽ của lối sống đối với tuổi thọ.
Các nghiên cứu khác cũng đã chứng minh điều tương tự. Theo một phân tích của Viện Tim mạch Quốc gia Mỹ, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn và kiểm soát căng thẳng có thể giúp giảm tỷ lệ tử vong do bệnh tim tới 30%.
Giáo sư Tim Spector, chuyên gia di truyền học tại Đại học King’s College London, nhấn mạnh môi trường và lối sống đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe tim mạch, đồng thời khuyến khích các biện pháp can thiệp sớm, đặc biệt là đối với những người có nguy cơ cao từ độ tuổi trung niên.
Nghiên cứu này cho thấy, ngay cả khi đã bước qua tuổi 50, việc thay đổi thói quen sống và áp dụng các biện pháp phòng ngừa kịp thời vẫn có thể mang lại những cải thiện rõ rệt cho sức khỏe.
Thục Linh (Theo NY Post)