2025 là năm lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018) thi tốt nghiệp. Hầu hết địa phương chọn tiếng Anh làm môn thi thứ ba thi vào lớp 10.
Dựa trên hướng dẫn từ Sở Giáo dục và Đào tạo, cô Phạm Thị Mai Hương, Tổ phó tổ Ngoại ngữ, trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, phân tích sự thay đổi trong cách ra đề và hướng dẫn ôn thi.
Những thay đổi như sau:

Theo cô Hương, ngoài việc giữ nguyên 40 câu hỏi và hình thức 100% trắc nghiệm khách quan bốn lựa chọn, điểm khác trong đề thi năm nay là hàm lượng kiến thức, kỹ năng.
"Kỳ thi năm 2025 sẽ đánh giá năng lực học sinh thông qua các dạng bài yêu cầu khả năng đọc hiểu, phân tích, lập luận và ứng dụng kiến thức vào thực tiễn. Điều này đòi hỏi các em ngoài nắm vững kiến thức còn phải phát triển kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề", cô Hương nói.
Cô lưu ý học sinh không nên chỉ chú ý tới mẹo làm bài, hay thuộc lòng từ vựng, mà hãy đặt câu với từ mới để hiểu cấu trúc ngữ pháp qua ngữ cảnh thực tế. Các em cũng cần học cách dùng tiếng Anh để giao tiếp, mô tả, giải thích, chứ không chỉ để khoanh đúng đáp án.
Với những thay đổi này, cô Hương gợi ý các bước ôn tập sau:
1. Nắm vững kiến thức cơ bản:
- Ngữ pháp: Ôn tập các cấu trúc ngữ pháp đã học trong chương trình lớp 9, chú trọng để hiểu và vận dụng linh hoạt.
- Từ vựng: Mở rộng vốn từ, đặc biệt là các chủ đề thường xuất hiện trong đề thi (môi trường, giáo dục, sức khỏe, công nghệ, du lịch...). Học sinh có thể ứng dụng học từ vựng như Quizlet, Memrise để học mỗi ngày 5-10 từ, kết hợp ôn tập theo các hình thức khác.
2. Phát triển kỹ năng:
- Nghe: Luyện tập nghe hiểu qua các đoạn hội thoại, bài nói tiếng Anh với tốc độ và giọng điệu đa dạng. Một số gợi ý là nghe podcast, xem video tiếng Anh trên BBC Learning English, Voice of America...
- Nói: Thực hành bằng cách tham gia câu lạc bộ, thảo luận nhóm hoặc giao tiếp với người bản xứ. Việc luyện tập mỗi ngày, thậm chí tự nói trước gương giúp học sinh rèn sự tự tin khi dùng tiếng Anh và không sợ mắc lỗi.
- Đọc: Đọc báo, truyện ngắn bằng tiếng Anh để cải thiện khả năng đọc hiểu và mở rộng kiến thức. Ngoài ra, các em cần luyện tìm ý chính, suy luận, đoán nghĩa từ mới qua ngữ cảnh. Học sinh nên bắt đầu từ các đoạn văn ngắn, sau đó chuyển sang bài đọc dài với câu hỏi đa dạng.
- Viết: Luyện viết câu, đoạn văn, bài luận ngắn nêu quan điểm cá nhân về các chủ đề thường gặp trong đề thi. Các em lưu ý không cần viết hoa mỹ, quan trọng là câu đúng ngữ pháp, đủ ý, mạch lạc.
3. Ôn tập và làm quen với dạng đề thi:
- Học kỹ các bài trong sách giáo khoa, làm đầy đủ bài tập liên quan.
- Làm đề thi các năm trước, dùng sách tham khảo uy tín để ôn tập. Các chủ điểm ngữ pháp cần chú ý là thì động từ, mệnh đề quan hệ, bị động, câu điều kiện, so sánh...
- Giải đề thi minh họa để làm quen với cấu trúc và độ khó của đề.
- Tập làm bài trong thời gian giới hạn để biết cách phân bổ khi thi thực tế.
- Rút kinh nghiệm từ các lỗi sai bằng cách phân tích, ghi chú lại.

Cô Phạm Thị Mai Hương, Tổ phó tổ tiếng Anh, trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Theo cô Hương, việc dự đoán điểm thi còn phụ thuộc nhiều yếu tố như mức độ hiện tại của học sinh, cường độ và hiệu quả ôn luyện, tâm lý và cách làm bài, độ khó của đề thi.
Tuy nhiên, thí sinh có thể ước lượng điểm theo mức độ học hiện tại như sau:
Mức độ hiện tại | Biểu hiện cụ thể | Dự đoán điểm (tháng điểm 10) |
Rất tốt | Làm đề trắc nghiệm đúng 80% trở lên, viết đoạn văn logic, ít lỗi. | 8,5-10 |
Khá | Làm đúng khoảng 65-80% câu trắc nghiệm, viết đoạn văn còn lỗi nhỏ. | 7-8,5 |
Trung bình | Đúng khoảng 50-65% câu trắc nghiệm, viết còn lủng củng, sai ngữ pháp nhiều. | 5,5-6,9 |
Dưới trung bình | Dưới 50% câu đúng, từ vựng hạn chế, viết yếu | Dưới 5,5 |
Phạm Thị Mai Hương