Khăn mặt
Cho dù khăn mặt hay khăn tắm còn rất mới, thơm tho sạch sẽ nhưng các bạn nên nhớ chúng có thể là nơi trú ngụ của hàng triệu con vi khuẩn sau một thời gian sử dụng.
Khăn mặt thường được dệt bằng chất liệu cotton, lâu ngày vi khuẩn rất dễ ký sinh trong các kẽ sợi bông, khó làm sạch. Việc phơi nắng hay luộc với nhiệt độ cao chỉ tạm thời khống chế không làm cho số lượng vi khuẩn sinh sôi. Hơn nữa, khăn dùng lâu cũng sẽ cứng, có hại cho da. Tuy vậy nhưng nhiều người lại có thói quen dùng khăn mặt cả năm, thậm chí dùng đến khi cũ, sờn rách mới thay. Đây là một thói quen có hại. Tốt nhất nên thay chúng khi đã sử dụng được từ 3-4 tháng/lần.
Mút trang điểm
Cũng giống như mút rửa bát trong nhà bếp, mút trang điểm cũng là một mảnh đất màu mỡ cho vi khuẩn phát triển. Do vậy, cần rửa sạch chúng bằng nước ấm sau mỗi lần sử dụng sao cho khi vắt, màu phấn nhạt dần. Cứ làm như vậy cho đến khi nước vắt ra từ mút sạch hoàn toàn rồi phơi khô. Nếu thực hiện việc này thì bạn chỉ cần thay mới mút trang điểm 6 tháng một lần.
Lưỡi dao cạo râu
Dùng dao cạo râu cũ có thể khiến cho việc cạo râu của bạn không mấy suôn sẻ. Không những thế, dùng dao cạo mà không thay lưỡi dao làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da và gây nổi mụn trứng cá do vi khuẩn tích tụ lâu dài. Một sai lầm phổ biến của nam giới là để dao cạo của họ ở những nơi ẩm ướt, điều này thúc đẩy nhanh sự phát triển của vi khuẩn.
Bé trai 10 tuổi tử vong trong nhà tắm nghi rò điện bình nóng lạnhĐọc ngay
Do đó, sau khi cạo xong, hãy rửa sạch lưỡi dao rồi để khô ráo hoặc cất vào nơi thoáng mát. Ngoài ra, khi bạn phát hiện thấy lưỡi dao có dấu hiệu bị cùn, gỉ sét hay đóng cặn bẩn mà không thể rửa sạch, đã đến lúc bạn “chia tay” với lưỡi dao đó. Để hạn chế tối đa các khả năng lây lan của vi khuẩn, bạn cũng nên thay lưỡi dao sau mỗi 5-7 lần cạo dù có tiếc đến cỡ nào đi chăng nữa.
Bông tắm
Sử dụng bông tắm mỗi ngày sẽ khiến cho lượng da chết tích tụ trong bông tắm ngày càng nhiều lên. Cùng với điều kiện ẩm thấp và ẩm ướt của phòng tắm, vi khuẩn sẽ càng có cơ hội để phát triển. Đó là lý do tại sao bạn nên thay bông tắm 3 tuần một lần và phải kiểm tra nấm mốc thường xuyên.
Bàn chải đánh răng
Phòng tắm không phải là khu vực sạch nhất trong nhà mà thậm chí nó còn là nơi lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi, nảy nở. Do đó, bạn nên tìm đến những nơi khô ráo để cất giữ bàn chải.
Bên cạnh đó, hãy chú ý đặt bàn chải theo chiều thẳng đứng, để ráo nước và thay mới sau 3 tháng nhằm phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh răng miệng.
Khăn tắm
Mỗi cá nhân nên có 2-3 chiếc khăn tắm trong phòng tắm để thay phiên sử dụng. Sau mỗi lần tắm bạn nên giặt luôn khăn tắm để loại bỏ vi khuẩn rồi phơi khô. Nhờ vậy, mỗi lần tắm bạn đều được sử dụng khăn sạch. Và cũng giống như khăn mặt, bạn không nên dùng một chiếc khăn tắm quá lâu so với thời gian sử dụng của chúng, đừng để đến khi vải khô cứng, sờn rách mới thay.
Kem đánh răng
Theo nguyên tắc, một khi bạn đã mở nắp kem đánh răng thì các chất bên trong sẽ tiếp xúc với không khí và dần dần thay đổi theo thời gian. Nói cách khác, các thành phần trong kem sẽ phân tách hoặc kết tinh từ 12 đến 18 tháng, khiến cho mùi vị bắt đầu nhạt dần, chất florua hoạt động kém hiệu quả và thậm chí trở thành nơi cho vi khuẩn có thể xâm nhập.
Nếu bạn lo sợ không thể xài hết tuýp kem đánh răng thì bạn có thể mua tuýp nhỏ, sử dụng trong vòng từ 1-2 tháng để đạt hiệu quả cao nhất.
Bàn chải cọ rửa
Đây là một vật dụng có thể được giữ trong nhà nhiều năm. Nhưng bên cạnh đó, ngay cả khi bạn làm sạch bàn chải hàng tuần. Bạn cần hiểu rằng không thể nào loại bỏ hết vi khuẩn trên bàn chải. Vì vậy, bạn cần thay mới bàn chải khi lông của nó bị biến dạng hoặc bắt đầu chuyển sang màu vàng.
Rèm cửa nhà tắm
Khi rèm cửa phòng tắm bị bẩn và thậm chí tệ hơn, nấm mốc có thể phát triển trên chúng. Vì thế, hãy nên giặt rèm ít nhất mỗi tháng một lần, sau một năm sử dụng nên thay rèm mới.